Dương Cẩm Chương: Vị bác sĩ trở thành họa sĩ ở tuổi 50

10/08/2014 08:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa,vn) - Họa sĩ Dương Cẩm Chương (sinh năm 1910) vừa qua đời ở tuổi 104 tại nhà riêng ở TP.HCM. Ông là con của chí sĩ Dương Bá Trạc. Tại TP.HCM, có ba người họ Dương được đặt tên đường là cha và chú ruột của họa sĩ Dương Cẩm Chương.

1. Chí sĩ Dương Bá Trạc từng bị thực dân Pháp cầm tù tại Côn Đảo vì tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Hai chú của họa sĩ Dương Cẩm Chương là Dương Quảng Hàm (được đặt tên đường tại Q. Gò Vấp) và Dương Tự Quán (đặt tên đường ở Q. Bình Tân). Những người “trực hệ” trong gia đình được đặt tên đường luôn là niềm tự hào của gia đình và riêng họa sĩ Dương Cẩm Chương.

Họa sĩ Dương Cẩm Chương được người chú là nhà giáo Dương Quảng Hàm nuôi dưỡng từ nhỏ. Chú nuôi cháu vì cha đi làm cách mạng bị tù đày (cụ Dương Bá Trạc mất năm 1944). Dương Cẩm Chương từng học trường Bưởi – Hà Nội vào năm 1925, học trường Y  Hà Nội - ngành phẫu thuật vào năm 1932 và trở thành bác sĩ vào năm 1937. Thời điểm đó, Dương Cẩm Chương là bác sĩ trẻ nhất tại Việt Nam và có lẽ trẻ nhất tại Đông Dương khi Pháp đô hộ.

Bác sĩ phẫu thuật Dương Cẩm Chương trở thành người “phẫu thuật” đường nét và sắc màu của hội họa vào năm 1960. Vào năm ấy, Dương Cẩm Chương được đi tu nghiệp ngành y tại Mỹ. Nghĩ rằng đi tu nghiệp với một người từng học Y khoa thời Pháp sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi. Dương Cẩm Chương đã học vẽ sơn dầu để sang Mỹ “giết thời gian”, với họa sĩ Nguyễn Trí Minh giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là ĐH Mỹ thuật TP.HCM).

Tác phẩm đầu tay Dương Cẩm Chương vẽ về khu Bàn Cờ (thuộc Q.3, TP.HCM) được thầy Trí Minh khen ngợi. Xin nói thêm, khu Bàn Cờ ngoài vị trí trung tâm còn rất nổi tiếng qua thơ nhạc. Chẳng hạn qua bài thơ Người mẹ Bàn Cờ của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc được hát trong phong trào học sinh – sinh viên tranh đấu thời chống Mỹ. Cứ thế, bắt đầu ở tuổi 50, bác sĩ Dương Cẩm Chương đến với hội họa và người đời quen gọi danh xưng họa sĩ trước tên khai sinh Dương Cẩm Chương và danh xưng bác sĩ .

Một tác phẩm của Họa sĩ Dương Cẩm Chương

2. Từ năm 1968, Dương Cẩm Chương về Pháp định cư và ông có hơn 20 triển lãm tranh tại Pháp cùng nhiều giải thưởng quốc tế. Năm 1990, ông cùng gia đình trở về Việt Nam sinh sống.

Về quê nhà, việc đầu tiên là ông tìm đến Q.8, TP.HCM với toan và sơn dầu để vẽ cảnh quang đường mang tên cha mình: Dương Bá Trạc. Đường mang tên chí sĩ Dương Bá Trạc hiện nay tại TP.HCM đi qua cầu Nguyễn Văn Cừ từ hướng Q.1 sang Q.8. Mấy người đi trên đường này biết được đây là đường mang tên cha của một họa sĩ có danh Dương Cẩm Dương?!

Mấy năm gần đây, năm nào đến sinh nhật, họa sĩ Dương Cẩm Chương cũng đều được gia đình và bạn bè tổ chức mừng vui. Các nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương… đều đến mừng thọ ông.

Họa sĩ Dương Cẩm Chương suốt đời chung thủy với cuộc hôn nhân gần 70 năm. Vợ ông là bà Thân Thị Ngọc Quế thuộc dòng “lá ngọc cành vàng” ở Huế. Ông bà cưới nhau năm 1940 và ông “hẹn gặp lại bà” khi bà qua đời vào năm 2007. Bà Thân Thị Ngọc Quế từng là một “hiện tượng thơ” khi ở tuổi ngoài 70. Từ Pháp về định cư tại quê nhà, bà “trở thành” nhà thơ với hơn 10 tập thơ đã in và có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ lừng danh phổ nhạc, như: Phạm Duy, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu…

Năm 1999, họa sĩ Dương Cẩm Chương được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam sau 9 năm ông trở về định cư tại đất mẹ. Năm 2012, nhân sinh nhật lần thứ 102, ông ấn hành tập thơ Thi Tâm và có lẽ là tập thơ đầu tay và cuối cùng của ông.

Lão họa sĩ Dương Cẩm Chương qua đời lúc 0h20 ngày 9/8 tại nhà riêng (121/41 Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Lễ nhập quan và viếng họa sĩ Dương Cẩm Chương vào sáng nay (10/8) tại nhà riêng. Lễ động quan lúc 7h ngày 13/8, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Di cốt của họa sĩ Dương Cẩm Chương sẽ được mang về nghĩa trang họ Dương tại tỉnh Hưng Yên, quê của cha ông - chí sĩ Dương Bá Trạc thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên.


Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm