Đời sống thời bao cấp (Bài 6): Hàng phân phối và chợ đen

07/06/2014 14:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm đầu hòa bình, từ 1955, Nhà nước hoàn toàn nắm độc quyền về sản xuất và phân phối hàng hóa, cho nên hầu như không có hàng hóa nào không thuộc về Nhà nước. Những tư nhân và các hợp tác xã nhỏ lẻ nếu có sản xuất gì đó cũng phải bán cho quốc doanh, từ đó quốc doanh sẽ phân phối lại cho người tiêu dùng, không ai được phép tự bán hàng hóa do mình sản xuất.

Chất lượng hàng hóa mặc dù không có tuyên bố nào chính thức, nhưng người ta coi mặc nhiên hàng hóa do các xí nghiệp nhà nước sản xuất là tốt nhất, thứ đến là hàng của hợp tác xã, cuối cùng là hàng của tư nhân. Tuy nhiên điều này phải tính cụ thể vào các mặt hàng, đôi khi hàng hóa sản xuất tư nhân theo kiểu thủ công cũng khá tốt. Chiếc xe đạp Thống Nhất của quốc doanh vô cùng tốt, có thể chở cả gia đình hai vợ chồng, hai đứa con trong suốt thời chiến tranh mà không hỏng, nhưng phở mậu dịch thì rất chán, lúc ấy thường gọi là phở không người lái (không có thịt) hay có câu: Phở mậu dịch/Kịch ti-vi - tức là những thứ rất nhạt nhẽo.


Một cửa hàng bán rượu Tết cuối những năm 1980. Nguồn: reds.vn

Trong đời sống hàng ngày các mặt hàng như: xe đạp, áo quần, chăn màn, quạt máy, xô chậu, nồi niêu, phích nước, ấm chén… được coi là những đồ dùng tối thiểu nên được phân phối tùy theo cơ quan và dân sự theo lối phân hàng hàng năm, hàng quý, hàng tháng. Nhà cửa là chương trình lâu dài, cả đời người vài chục năm đi làm mới mong được phân nhà, nhưng xe đạp thì hàng năm được xét cấp, ít nhất mỗi gia đình cán bộ phải được mua từ một đến hai chiếc - đó là phương tiện di chuyển duy nhất của cả nhà trong chiến tranh. Những đôi uyên ương yêu nhau được ghé ngồi vào chiếc xe đạp mới là thấy hạnh phúc lắm rồi, nên mới Một yêu anh có Pơ-giô (Peugeot). Lúc đó về độ quý, xe đạp Peugeot của Pháp được đứng hàng đầu, sau đó đến xe đạp Thống Nhất Việt Nam, các xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc, Diamance của Đức, Tiệp, Sputnhic của Nga tuy đẹp và tốt nhưng đi ở địa hình đồng ruộng sông núi Việt Nam đều thua chiếc Thống Nhất. Chất lượng của xe Thống Nhất giảm đi sau năm 1975.


Xe đạp, phương tiện vận chuyển chính của người dân thời bao cấp. Ảnh: Thomas Billhardt, chụp trước 1975. Nguồn: reds.vn

Nếu bạn lấy vợ thì sẽ được mua hai tút thuốc lá, bốn bao chè, bốn cân bánh kẹo, một bộ chăn màn và gường chiếu, một cái phích, một cái chậu và một cái mâm. Đây là tiêu chuẩn, nhưng cũng không nhất thiết, vì đôi khi hàng hóa thiếu. Nhưng bù lại bè bạn sẽ mừng cho ít xô chậu, mâm có bọc giấy đỏ bên ngoài. Có người sau đám cưới có đến hàng chục cái mâm và chậu, đem ra chợ đen bán cũng được ối tiền. Giải cờ tướng các làng hàng năm hội lễ phần thưởng cao nhất cũng là một cái phích nước. Thời điểm gay go của chiến tranh, phích nước viện trợ thường không có vỏ, chỉ có ruột, nên có nghề đan vỏ phích bằng tre ra đời, phổ biến lúc đó là phích nước vỏ tre nom rất ngoạn mục, đôi khi tre mục, dùng phải cẩn thận không tuột hết ruột ra ngoài. Nồi niêu xô chậu quạt phân phối hàng tháng từ các cơ quan, người ta tiến hành bắt thăm lần lượt. Ai mua tháng này thì thôi tháng sau. Những người mới lập gia đình, mới sinh con được ưu tiên mua trước. Xô chậu, nồi thì tạm được nhưng quạt điện cơ lúc đó kém lắm, nhất là quạt con cóc, chạy thì tốt, rơi cũng không hỏng, nhưng luôn quay và nhảy chồm chồm (có lẽ vì thế nên được gọi là quạt cóc, bên cạnh hình thù cũng khá giống con vật này), nên thường phải buộc chặt vào một hòn gạch.


Cửa hàng đặc sản thời bao cấp ở phố Tạ Hiện, Hà Nội. Ảnh: John Ramsden. Nguồn reds.vn

Tất cả các mặt hàng phân phối đều có thể mua được ở chợ đen với giá cao hơn, cho nên về mặt kinh tế học người ta nói rằng kinh tế thị trường ở Việt Nam có ngay trong lòng xã hội bao cấp. Lúc đó theo nguyên tắc mọi hàng sản xuất đều ưu tiên cho Nhà nước thu mua trước, nhưng giá thu mua thường không hợp lý so với giá thành sản xuất, thậm chí còn thấp hơn sự đầu tư. Ví dụ chúng tôi trồng một ruộng rau muống, hàng ngày thu hoạch phải bán cho bộ đội giá năm xu một cân, trong khi mua giống và tắm tưới hàng ngày tốn gấp đôi số tiền đó, sau ba tháng trồng rau, mất hết cả vốn, chỉ vừa đủ một bữa liên hoan. Nhiều ngành sản xuất đi theo đúng sự thu mua phá sản dần, nông dân không chăn nuôi, trồng hoa màu nữa, thợ thủ công bỏ hợp tác xã. Bắt đầu có hiện tượng các hợp tác xã và tư nhân sản xuất một số hàng cho Nhà nước thu mua còn phần nhiều tuồn ra chợ đen

(Còn tiếp)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm