Đời sống thời bao cấp (Bài 11): Hàng viện trợ & hàng nhập khẩu

21/07/2014 16:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Với tư cách của một người dân bình thường thì chúng ta không rõ hàng viện trợ quân sự như thế nào, nhưng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày thời bao cấp và chiến tranh không có gì xa lạ.


Xe đạp Phượng Hoàng, một sản phẩm thời bao cấp, giờ đây thành đồ sưu tập của một số người hoài cổ. Ảnh: nguồn ttvnol.com

Tất nhiên cũng chủ yếu là hàng của Liên Xô cũ và Trung Quốc, bên cạnh những hàng không thường xuyên của những nước XHCN khác và của những nước dân chủ ủng hộ hòa bình và Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ. Năm 1965, trẻ con chúng tôi nhận được những chiếc quần bò bằng vải dày rất tốt, kích thước thì không theo tiêu chuẩn nào cả, to nhỏ lung tung, sau này thì váy đầm, áo sơ-mi, áo rét và cả giày păng-túp… cũng được đưa đến các cơ quan, chủ yếu là phát không theo kiểu chia đồng đều, mỗi người một thứ. Tìm hiểu ra, được biết ở những nước ủng hộ Việt Nam, người ta đem những thùng không ra đường, mọi người tùy theo có gì không dùng thì bỏ vào đó và chuyển tới nước ta. Vài chiếc váy và áo to có thể cắt làm ba bốn quần áo trẻ em, hoặc chữa cho người lớn mặc. Các hiệu may vá chữa quần áo lúc đó rất sẵn, hầu hết đàn ông phải mặc quần “tích-kê” đầu gối, tức là làm thật dày chỗ hay rách là đầu gối, áo thì “tích-kê” dày ở hai đầu vai.


Quạt tai voi Liên Xô. Ảnh: nguồn ttvnol.com

Từ năm 1960, một số người đi học ở nước ngoài đã đem về quạt tai voi của Liên Xô, xe đạp Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc, đều là những đồ dùng tốt. Tuy nhiên ở Hà Nội vẫn còn một số quạt trần, quạt bàn, bàn là, xe đạp… của Pháp cũ, quạt Pháp tốt đến nỗi, vài gia đình đi sơ tán, quên tắt quạt hàng tháng, tất nhiên điện không có thường xuyên, nhưng quạt vẫn chạy và không hỏng. Những chiếc quạt trần cổ ở các khu sinh viên thường để chạy cả tháng liền không bao giờ tắt. Dần dần ti-vi Nga, Tiệp, Ba Lan du nhập vào Việt Nam, những năm 1973 - 1975, trên truyền hình bắt đầu chiếu những bộ phim dài tập, như Trên từng cây số của Bulgary, nhà nào có ti-vi đều đông nghịt hàng xóm, nhà nào đóng cửa xem một mình sẽ bị nhét cứt vào lỗ khóa. Tủ lạnh Xaratov, nồi áp suất và áo bay của Nga cũng được ưa chuộng. Hình ảnh một anh trai đi lao động ở Liên Xô, khi đi thì mặc đến 7 cái quần bò, ba bốn cái áo rét, sang Nga bán lẻ, khi về người cũng lỉnh kỉnh như vậy, nên gọi là “đầu đội nồi áp suất, chân đi bàn là”… - khó có thể tưởng tượng một người ăn mặc như vậy mà lên máy bay, đi hàng ngàn dặm. Lương thực viện trợ thì nhiều hàng Trung Quốc, gạo, bột mì và rau khô. Từ Cuba thì có đường. Thời kỳ đó rất nhiều lò bánh mì và làm mì sợi tư nhân ở Hà Nội, người ta đem tiêu chuẩn bột mì của mình tới đó đổi. Thời căng thẳng khi cuộc chiến lên cao, những năm 1970, rau cỏ hiếm đến mức phải ăn ca la thầu và rau khô của Trung Quốc, hai món này khó ăn đến mức, cứ nhìn thấy là đã buồn nôn, riêng món rau khô đóng thành bánh, khi nấu cạo vào nồi hòa với nước, ăn nồng và hôi, xác như nhai rơm.


Một cô bé trên chiếc xe máy Peugeot buổi tối ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989

Một người đàn ông trước cửa hàng bán - sửa quạt và đồng hồ. Ảnh: Từ trang Magnum

Xe đạp Mifa của Đức, xe đạp Diamance, xe máy tay ga của Tiệp, xe đạp Spunic của Nga, đài Sony của Nhật, đài Hồng Kỳ của Trung Quốc… các đồ bán dẫn và đồ điện tử nhẹ cũng từ từ vào Việt Nam, bù cho nền sản xuất xuống đến mức thấp nhất. Một cô gái đi nước ngoài muốn ly hôn chồng ở nhà để lấy một anh Tây, người chồng không đồng ý, cô bèn đền bù hai chiếc xe đạp Mifa, anh chồng vô cùng phấn khởi ký ngay vào đơn. Nên có ca dao: Có vợ mà cho đi Tây/Khác nào xe đạp để ngay Bờ Hồ.

(Còn tiếp)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm