Đọc 'Tạp ghi Việt sử địa': 'Không gì thực sự xảy ra nếu chưa được ghi lại'

16/04/2020 18:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Câu nói trên đây của văn sĩ Virginia Woolf (1882-1941) khá phù hợp với bộ Tạp ghi Việt sử địa (3 tập) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, dày gần 1.000 trang. Phù hợp vì tác giả không có tham vọng ghi chép những điều to tát, xuyên suốt, mà đúng là một “tạp ghi”, theo nghĩa đề cập đến những vấn đề thiết thân, đôi khi rời rạc với nhau.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Hòa hợp là mẫu số chung của dân tộc

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Hòa hợp là mẫu số chung của dân tộc

“Sự kiện ngày 30/4/1975 là một trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử Việt Nam… Tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất..."

Tập 3 của Tạp ghi Việt sử địa vừa ra mắt nhân sinh nhật lần thứ 100 của Nguyễn Đình Đầu (1920-2020). Trước đó, năm 2016, ở tuổi 96, Nguyễn Đình Đầu bắt đầu xuất bản tập đầu tiên của Tạp ghi Việt sử địa. Và nếu không có gì thay đổi, bộ này sẽ ra thêm hai cuốn nữa với độ dày tổng cộng hơn 1.500 trang. Điểm chung và thế mạnh của bộ sách này là một tình yêu dạt dào với sử địa Việt - điều có thể truyền cảm hứng đến nhiều độc giả.

“Tạp ghi” là cách gọi khiêm nhường

Có lẽ, vì muốn chọn vị trí phát ngôn hơi khiêm nhường cho dễ bề tiếp cận vấn đề, nên Nguyễn Đình Đầu đã gọi bộ sách của mình là tạp ghi - ghi chép các chuyện “tạp nhạp”. Nhưng, nhiều vấn đề ở bộ sách này không hề “tạp nhạp”, bởi chúng luôn được viết với tôn chỉ bổ khuyết và phản biện. Có nghĩa, tác giả thấy cái gì còn thiếu, còn khuyết mà sở học của bản thân có thể đóng góp thì viết ra. Hoặc, ông thấy điều gì sai quấy, xuyên tạc thì viết bài phản biện làm rõ, và ít nhất cũng đưa ra thêm một cái nhìn để tham chiếu.

Sách đi từ tình hình kinh tế Đại Việt những năm 1512-1515 đến nạn đói năm 1945; đi từ dinh trấn Quảng Nam, chữ Quốc ngữ cho đến nguồn gốc địa danh Sài Gòn; đi từ bản đồ Alexandre de Rhodes năm 1650 đến 530 năm diên cách Phú Yên, 300 năm Sa Đéc. Và nữa, đi từ Vasco da Gama, Trương Vĩnh Ký cho đến Trần Chánh Chiếu, Đặng Đức Tuấn; đi từ bản đồ, địa bạ cho đến vùng miền, phong thổ, địa danh; đi từ sự kiện cho đến khái niệm, nghiên cứu, học thuật… Bằng khả năng truy cứu được nhiều ngoại ngữ, nhiều bản đồ, địa bạ và văn bản quý hiếm, cũng như tinh thần phản biện sẵn có, các bài viết của Nguyễn Đình Đầu luôn “mở sẵn” một cánh cửa để đối thoại, để phản biện.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: Văn Bảy

Trong một lần trò chuyện với báo giới, Nguyễn Đình Đầu từng cho biết về tôn chỉ làm việc của mình. Ông nói: “Từ bé, tôi đã nghĩ có hai hướng trong một người sống đời tích cực: một là những người chuẩn bị để làm nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội; hai là chuẩn bị thành người tích cực sống ở cơ sở - militant de base. Lựa chọn của tôi là chiến sĩ ở cơ sở. Từ bé, được tiếp xúc với môi trường xã hội văn hóa tôn giáo rất phong phú, tiếp xúc các nhân vật bên này bên kia, tôi vẫn giữ được ý nguyện làm con người cơ sở. Những việc nghiên cứu địa bạ, bản đồ, sách cổ, gốm… là cơ sở”.

Có lẽ nhờ quan niệm này mà với tất cả những vấn đề to tát ông đều muốn nhìn ở các khía cạnh cơ sở, nên viết tường minh, giản dị và khoa học. Nhờ tinh thần muốn gìn giữ sự khách quan, liêm chính của khoa học, nên trong mọi bối cảnh xã hội, tiếng nói của ông cũng thường được trọng dụng, lắng nghe. Trên hết, lý tưởng của ông là khoa học phải vì dân tộc, dù không gò ép mà được viết với tinh thần gián tiếp.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu luôn hào hứng chia sẻ về những nghiên cứu từ bản đồ. Ảnh: Văn Bảy

Một tình yêu đặc biệt

Nguyễn Đình Đầu tốt nghiệp Trường Bách nghệ ở Hà Nội năm 1941, năm 1951 sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris. Thời gian ở Pháp, ông cùng với các nhà trí thức như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà… tham gia phong trào kêu gọi chính phủ Pháp bước vào bàn đàm phán với chính phủ Hồ Chí Minh. Với sử địa, ông tự nhận nhờ tình yêu vô bờ bến và vì nghĩ về dân tộc mà tìm đến.

Chú thích ảnh
Bộ “Tạp ghi Việt sử địa”

Ông viết: “Tôi sinh ra ở một thời đất nước có nhiều biến cố trọng đại, lại may mắn có dịp chứng kiến một số sự kiện lớn lao làm thay đổi cuộc sống xã hội và công dân. Nhiều biến cố và sự kiện tốt lành, nhưng cũng có biến cố và sự kiện trái chiều mong đợi. Tôi ham sinh hoạt xã hội - văn hóa - tôn giáo từ khi còn trẻ, lại có bổn phận ghi chép thành quả hay thất bại của việc đã làm. Tôi cũng có cơ duyên sưu tầm được một số cổ vật biểu hiện cuộc sống vật chất và tinh thần của dân ta. Tôi lại may mắn thu gom được một số sách sử học và một số bản đồ cổ kim mô tả lãnh địa và lãnh hải tổ quốc ta. Do vậy tôi có tư liệu để tập viết ra những tạp ghi có liên quan đến địa lý và lịch sử dân tộc, cùng một số nhân vật thường bị đánh giá công tội khác nhau”.

Chú thích ảnh

Từ đầu thập niên 1960 đến nay ông đã công bố hàng ngàn bài viết và nhiều công trình sử địa xuyên suốt, hoặc độc lập. Bộ sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn gồm 17 cuốn, viết từ Hà Tiên ra tới Thừa Thiên - Huế, đã xuất bản, còn 5 cuốn viết từ Quảng Trị ra đến Thanh Hóa, sắp xuất bản. Ông cũng nổi tiếng với các sách như Việt Nam quốc hiệu và cương vực: Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức… Ngoài hai tập tiếp theo của Tạp ghi Việt sử địa đang hoàn thiện, ông sắp xuất bản cuốn Con đường giao thương cổ đại trên Biển Đông.

Chú thích ảnh

Đọc các nghiên cứu về sử địa dân tộc của những ngòi bút như Nguyễn Đình Đầu, chúng ta càng dễ chia sẻ quan niệm của George Orwell (1903-1950): “Cách hữu hiệu nhất để hủy diệt một dân tộc là phủ nhận và phá hủy sự thấu hiểu của họ về lịch sử của chính họ”.

“Tôi là một nhà nghiên cứu tay ngang, vẫn khiêm tốn rằng còn nhiều điều mình chưa biết, nhưng vẫn trao đổi được với những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về lịch sử, địa lý Việt Nam và nước ngoài” - Nguyễn Đình Đầu khẳng định. Rất hy vọng những cuốn sách mà ông đang hoàn thiện sẽ sớm được xuất bản.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm