Dịch Covid-19: Xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch

25/05/2021 16:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng không ít người thiếu ý thức, cố tình làm rối loạn thông tin về dịch dưới nhiều hình thức, động cơ, thủ đoạn khác nhau.

Xử phạt các trường hợp đưa thông tin sai lệch về dịch Covid-19

Xử phạt các trường hợp đưa thông tin sai lệch về dịch Covid-19

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định xử phạt hai chủ tài khoản Facebook với số tiền 10 triệu đồng (mỗi chủ tài khoản 5 triệu đồng) vì đã cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, theo điểm d, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ.

Có không ít đối tượng mượn mạng xã hội nhằm trục lợi, gây rối tình hình, đăng tải thông tin sai lệch, bóp méo, đồn thổi... Bên cạnh đó, cũng có người vi phạm do chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống dịch.

Trong khi các lực lượng tuyến đầu như Công an, Quân đội, Y tế đang ngày đêm căng sức chống dịch, còn một bộ phận người dân thiếu trách nhiệm, trong đó có nhiều người trẻ tuổi thường xuyên đăng thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Điển hình như thông tin "Hà Nội giãn cách xã hội" hay các đoạn video truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được cho là ghi lại ở quán bar Sunny, tỉnh Vĩnh Phúc...

Chú thích ảnh
Một đối tượng đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 tại cơ quan Công An. Nguồn: TTXVN

Mới đây nhất là khoảng 21 giờ ngày 24/5, lực lượng chức năng tổ chức phun khử khuẩn khuôn viên siêu thị BigC Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) vì có bệnh nhân mắc COVID-19 vào đây mua sắm. Thế nhưng rất nhanh sau đó, mạng xã hội đã xuất hiện và được chia sẻ rất nhiều đoạn clip một người Ấn Độ đang mua hàng tại đây ngã xuống sàn và phun ra máu...

Rất nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai lệch đã bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự, trong đó có cả lỗi cố ý, cả lỗi xuất phát từ thói quen, sự hiếu kỳ, thậm chí là chỉ để đùa vui, "sống ảo" trên mạng xã hội.

Chỉ từ đầu tháng 4 đến nay, thành phố Hà Nội đã xử lý 4.104 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt là 6,344 tỉ đồng; xử phạt hành chính 8 trường hợp trốn tránh cách ly y tế với tổng tiền phạt 60 triệu đồng. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt hàng chục trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng xã hội với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 có thể minh họa giống như thói quen vượt đèn đỏ mỗi ngày. Một lần, hai lần vi phạm trót lọt và cứ tiếp diễn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng, dễ dẫn tới vi phạm pháp luật hình sự.

Trong giai đoạn tập trung phòng, chống dịch COVID-19, mỗi người dân cần ý thức hơn với xã hội, điều chỉnh những thói quen cho phù hợp với quy định, chung tay cùng xã hội thực hiện tốt "mục tiêu kép” song hành phát triển kinh tế, an sinh xã hội như chủ trương xuyên suốt của Chính phủ đề ra.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm