Design kiến trúc - những ảnh hưởng từ phương Tây

08/11/2014 17:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một nền kiến trúc mới ra đời, được người ta gọi là phong cách kiến trúc thuộc địa, cái tên thì không hay lắm, nhưng có thể coi là một thành tựu, đến mức, ngày nay, người ta chẳng xây dựng được cái gì hơn thế.

Hà Nội thời phong kiến bao gồm một ngôi thành, khu phường chợ, sau hình thành phố cổ và những làng mạc nằm ngay trong kinh đô. Những đô thị cổ Việt Nam cũng hình thành theo cách thức như vậy, mà mỗi đô thị lớn thường nằm kề bên một dòng sông, nơi đô thị được xây dựng cũng là nơi bến sông thuận tiện cho giao thông và buôn bán.

Khái niệm thành thị - cái thành và chợ được hiểu theo nghĩa đen và chính xác về một thành phố phương Đông. Tất nhiên đô thị phương Tây cũng có nhiều nét tương tự - một thành phố nằm lọt trong cái thành kề bên sông, vừa phòng thủ, vừa thương mại, trong đó có nhà thờ và cung điện vua chúa, hoặc trụ sở chính quyền. Tuy nhiên, đô thị phương Đông hoàn toàn khác đô thị phương Tây ở ba mặt: thành phố - công dân - nền văn minh (city - citizen - civisallation). Đô thị phương Đông không có công dân mà chỉ có thần dân của ông vua, và văn minh của một dân tộc cũng không hẳn sinh ra ở thành phố, như trường hợp của Việt Nam là nền văn minh sinh ra ở nông thôn.

Ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội, đường Lê Duẩn). Công trình kiến trúc theo phong cách Tân cổ điển, từng bị ném bom thời kháng chiến chống Mỹ. Nay đã được sửa chữa và thay đổi nhiều (Ảnh tư liệu của P.Dieulefils, đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới)

Khi người Pháp đô hộ Việt Nam, hai thành phố phát triển có xu hướng hiện đại mới là Hà Nội và Sài Gòn, ở Hà Nội ngôi thành cũ bị phá dỡ để xây dựng khu vực hành chính cho chính quyền thực dân, ở Sài Gòn thì thành Gia Định bị triệt phá ngay từ thời vua Minh Mạng. Vả lại thành quách thời Nguyễn dù có được tu chỉnh theo lối thành Vauban  với các đột giác để đặt hỏa pháo, cũng không có khả năng phòng thủ trước pháo binh phương Tây. Một nền kiến trúc mới ra đời, được người ta gọi là phong cách kiến trúc thuộc địa, cái tên thì không hay lắm, nhưng kiến trúc Pháp ở Việt Nam có thể coi là một thành tựu, đến mức, ngày nay người ta chẳng xây dựng được cái gì hơn thế.

Thế kỷ 18, ở Thăng Long đã có những nhà gạch và đường phố lát gạch hay đá, những ghi chép của người phương Tây vào Kẻ Chợ cho biết điều này. Nhưng sau năm 1802, Thăng Long phải nhường vai trò kinh đô cho Huế và chỉ còn là Bắc Thành, nên có lẽ bị xuống cấp và hoang hóa nghiêm trọng. Những bức vẽ và sau đó là ảnh chụp của người Pháp cho thấy nhiều phố phường ở Hà Nội trong cảnh đường đất, nhà tre gỗ, hai đầu phường là cổng bằng tre nứa. Mặc dù sự xây dựng ở khu phố cổ tương đối thống nhất, nhưng nhìn chung là nghèo nàn, tụt hậu, phía trong những dãy phố với bốn mặt của bốn phố phía ngoài là những bãi đất trống được dùng làm nơi trút rác và phóng uế. Hỏa hoạn luôn xảy ra, nên người ta cài cả chum nước lên mái nhà.


Khu vực trại lính Pháp ở gần Cột cờ với các công trình xây dựng theo lối Tiền thực dân (Ảnh tư liệu người Pháp chụp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới)

Khi Thành cổ Hà Nội bắt đầu bị phá để người Pháp xây dựng khu toàn quyền, thì các khu phố cổ phục hồi thương mại trở lại và chuyển sang xây dựng nhà gạch kiểu mái thu hồi. Nhà thường có một tầng rưỡi hoặc hai tầng, mặt tiền hẹp, nhưng có chiều sâu chạy tiếp giáp hết đất với những nhà ở phố phía sau. Hình ảnh phố cổ Hà Nội còn tồn tại rõ nét cho đến những năm 1970 và được họa sĩ Bùi Xuân Phái phản ánh trong các tác phẩm của ông.

Theo kiến trúc sư Trần Quốc Bảo, ở Hà Nội có 7 phong cách kiến trúc thời Pháp thuộc (xem Reds.vn 10/2014 và ashui.com): 1. Phong cách kiến trúc Tiền thực dân, 2. Tân cổ điển, 3. Địa phương Pháp, 4. Art Deco, 5. Đông Dương, 6. Pháp - Hoa, 7. Neo - Gothic.

Phong cách kiến trúc Tiền thực dân. Thuật ngữ để chỉ kiểu kiến trúc khi người Pháp mới đến Hà Nội, xây dựng tạm vài khu đồn trú, bắt đầu từ khu Đông Nam Hà Nội, tính từ đường Tràng Tiền xuống, gọi là khu nhượng địa. Các công trình kiến trúc phong cách Tiền thực dân với mặt bằng hình chữ nhật đơn giản có hành lang rộng chạy xung quanh. Nhà thường có hai tầng, sàn tầng hai dùng dầm đỡ thép hình cuốn gạch ở trên. Mái dốc lợp ngói hoặc tôn. Tường chắn mái xây gạch dùng để trang trí mặt tiền có một vài hình thức trang trí đơn giản như hàng con tiện hoặc đắp xi măng hình hoa lá. Hành lang quanh nhà được tạo ra hình thức cuốn vòm hình cung hoặc bán cầu có khóa vòm (xem Trần Quốc Bảo, đã dẫn). Để chống nắng, những ngôi nhà đồn trú và hành chính ban đầu thường có hàng hiên rất rộng, rồi mới đến những căn phòng bên trong. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cạnh Cột cờ chính là tiêu biểu của kiểu thức này.


Phố cổ Hà Nội với cổng phường chợ và nhiều nhà gạch chen lẫn nhà tre gỗ (Tư liệu hình ảnh do người Pháp thực hiện cuối thế kỷ 19. Nguồn: NXB Thế giới)

Phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Tân cổ điển là một trường phái kiến trúc và nghệ thuật ở Pháp thế kỷ 19. Cách thức kiến trúc Tân cổ điển thường áp dụng cho những tòa nhà lớn của chính phủ và lâu đài quý tộc với các thức cột Hy Lạp được sử dụng lại đứng tự do hoặc áp vào tường. Khối nhà thường có khối chính hơi thụt vào và hai khối tháp cân đối hai bên tạo sự uy nghiêm cho công trình. Trên nhà thường dùng các trang trí đắp nổi theo kiểu thức hoa lá, tượng tròn Hy-La, Phục hưng và Baroque. Mái nhà dốc và lợp đá hoặc ngói.

Ở xứ thuộc địa xa xôi, kiến trúc Tân cổ điển không giữ được phong cách trọn vẹn, mà biển đổi tùy theo điều kiện kinh tế và xây dựng... Tòa nhà phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) và Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ Thống sứ (12 Ngô Quyền), ga Hàng Cỏ (cũ) là những công trình tiêu biểu.

Phong cách kiến trúc Địa phương Pháp. Khi đến Việt Nam, những công chức Pháp cũng cần nơi ở và học hành. Một số biệt thự được xây theo phong cách Tân cổ điển nói trên, một số khác được xây theo kiểu thức địa phương miền Bắc nước Pháp và Paris, cũng nhiều trụ sở được xây theo lối này. Kiến trúc địa phương Pháp thường cao hai ba tầng, mái dốc nhô ra khỏi khối nhà (như nhà cổ nông thôn Việt Nam), nên dùng những con sơn bằng gỗ đỡ diềm mái. Theo Trần Quốc Bảo, lối kiến trúc này mang tính duyên dáng, hồi cố và được cải biến cho phù hợp với khí hậu Việt Nam. Công trình hiện còn là tòa nhà Grand Lycee AIber Sarraut (ở 1B Hoàng Văn Thụ), Petit Lycee (8 Hai Bà Trưng), Trường nữ học Pháp (58 Trần Phú) và một số biệt thự tại khu ngoại giao đoàn (xem Trần Quốc Bảo, đã dẫn).

Chúng tôi cho rằng lối Tiền thực dân không đủ là một phong cách kiến trúc, mà chỉ là một kiểu xây dựng khi ban đầu người Pháp đặt nền móng đô hộ, cần đến những nơi đồn trú và cơ quan. Cả ba kiểu thức kiến trúc trên đều nhấn mạnh tính nghiêm trang, bề thế, tỏ rõ vai vế của kẻ đô hộ nơi cách nước Pháp hàng ngàn dặm này.

(Còn nữa)


Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm