Đầu tư sản xuất phim (Kỳ 1): Những 'cái chết' có thật

19/03/2014 09:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh câu chuyện Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín trần tình về việc trắng tay do “đầu tư” cho phim ảnh, thực hư chuyện thế nào báo TT&VH sẽ phân tích trong các kỳ tiếp theo của loạt bài này. Chúng tôi sẽ đi từ những “cái chết” có thật, “cái chết” có thể dự đoán… cho đến “cái chết” giả; cũng như đầu tư phim là lĩnh vực không hề… dễ chết.

Phải công nhận ngay một điều rằng, trong 5 năm trở lại đây, việc các nhà làm phim tìm đường chen chân ra rạp là một nỗ lực đáng khen ngợi. Bởi từ khoảng 1994 cho đến khi phim Gái nhảy (2003) của Lê Hoàng hút khách, điện ảnh Việt gần như vắng bóng ngoài rạp, mà nếu có, thì khán giả cũng đã mất niềm tin. Nên việc gần đây những phim giải trí thuần túy như Tèo Em, Quả tim máu… vượt trội về việc bán vé so với các phim bom tấn của Hollywood tại thị trường nội địa là điều ghi nhận. Nhưng hệ lụy kéo theo là vô số phim non yếu, nhảm nhí xuất hiện, không những làm khán giả mất niềm tin, mà làm các nhà đầu tư mất tiền bạc.

Bài học cũ vẫn còn mới

Cuối thập niên 1980 và đầu 1990, điện ảnh Việt đã làm rất tốt vai trò giải trí, tạo ra nhiều ngôi sao đúng nghĩa, nên sức hút với người xem rất lớn. Nó không những “qua mặt” các phim do Liên Xô tài trợ về chuyện bán vé, mà còn cạnh tranh ngang ngửa với các phim võ thuật, kiếm hiệp của Hong Kong. Thế nhưng, khi cảm giác ai làm phim cũng được xuất hiện (mà ngày nay gọi là “phim mì ăn liền”) thì điện ảnh Việt bắt đầu sa sút nghiêm trọng, nhiều hãng phim sớm nở tối tàn, rồi phá sản. Vô số cái chết đã đến, khiến khán giả mất đi một số ngôi sao thực sự, đồng thời khiến cơ hội ra rạp của phim Việt gần như bít cửa.

Bài học này chắc sẽ không lặp lại với tất cả các nhà làm phim hiện nay, nhưng cái lối làm phim chụp giựt, dễ dãi thì vẫn còn khá nhiều. Nhìn vào danh sách các phim ra rạp mỗi năm - cụ thể như tại Cánh diều 2013 chẳng hạn - số phim gây mất niềm tin người xem nhiều hơn số phim khiến họ cảm thông, chia sẻ.


Phim Lọ Lem Sài Gòn là một đại diện “xuất sắc” cho các tác phẩm yếu kém

Cái chết sẽ còn rất dài

Có vô số lý do để một phim hoặc hãng phim bị chết, bởi đây là lĩnh vực không có công thức cố định. Với một nền công nghiệp điện ảnh hoàn bị như Hollywood, vậy mà năm 2013 họ đã chứng kiến những cái chết tức tưởi của The Lone Ranger, Jack The Giant Slayer, Ender's Game, After Earth, 47 Ronins…, những phim này có đầu tư từ 180 đến 250 triệu USD. Vậy thì phim Việt có bị chết cũng là bình thường? Đúng vậy, nếu đó là những phim không gặp may mắn, hoặc quá thiên về thể nghiệm, nghệ thuật. Còn với những phim yếu kém, cẩu thả… thì chết là điều đã được báo trước.

Nhìn lại vài năm gần đây, những cái chết đến với Cảm hứng hoàn hảo, Hoán đổi thân xác, Cột mốc 23, Nàng men chàng bóng, Tối nay 8 giờ, Mùa Hè lạnh, Biết chết liền, Hit: Hoàng tử & Lọ Lem, Cát nóng, Săn đàn ông, Đại náo học đường, Tía ơi, Hiệp sĩ guốc vông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Gác kiếm… (còn rất nhiều) là chỉ do nó yếu kém, nhảm nhí, chứ không phải thiếu may mắn.

Cũng có những phim xem khá được mà bị chết như Lấy chồng người ta, Đường đua, Thần tượng…, thì thật sự do kém may mắn. Ví dụ Thần tượng, họ quá ngây ngô hoặc quá tự tin khi muốn “đua vé” với Tèo Em, một phim hài “tuyệt đối”. Với khán giả Việt, giữa một phim tình cảm nhẹ nhàng với một phim hài thả ga, số nhiều sẽ chọn hài; đây là chưa nói Tèo Em có ngôi sao đang hút khách.

Thậm chí, với giới phê bình hay khán giả có cái nhìn nghiêm túc về tương lai nền điện ảnh, thì việc những phim như Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Hello cô Ba, Nhà có 5 nàng tiên… có doanh thu tốt (?) cũng là một “thói quen” xấu. Bởi khi nhìn vào đây, nhiều nhà làm phim khác sẽ nghĩ khán giả dễ bị lừa, nên làm cái gì cũng được, miễn kiếm nhiều tiền. Kết quả của điều này là chỉ một mùa Hè 2013 mà có đến 4 phim yếu kém, nhảm nhí ra rạp, chết tức thời, đó là Lọ Lem Sài Gòn, Biết chết liền, Cát nóng, Hit: Hoàng tử & Lọ Lem.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm