Đấu giá tranh của Nguyễn Văn Tỵ: Con gái họa sĩ khẳng định không có bức ‘Rồng thức tỉnh’

27/08/2017 07:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay khi Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn's công bố 11 các tác phẩm sẽ được đưa lên đấu giá trong phiên số 6 mang chủ đề Sự thức tỉnh tại Hà Nội vào ngày 27/8, trong đó có tác phẩm Rồng thức tỉnh ghi tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Con gái họa sĩ đã lên tiếng về tác phẩm này.

Theo Nhà đấu giá Chọn's, lên sàn đấu giá lần này có 11 tác phẩm của các họa sĩ: Nguyễn Sáng, Đỗ Thuần, Mai Long, Nguyễn Thụ, Nguyễn Văn Tỵ, Châu Văn Lang, Nguyễn Trọng Kiệm và Lương Xuân Nhị.

Trong đó, đáng chú ý có bức tranh Mèo vờn nhau của danh họa Nguyễn Sáng, do ông Nguyễn Văn Thông sưu tầm, được bán với giá khởi điểm cao kỷ lục là 41.000 USD.

Và bức sơn dầu Rồng thức tỉnh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, vẽ năm 1956, của nhà sưu tập Nguyễn Tuấn Dũng được bán với giá khởi điểm 9600 USD.

Thông tin về  bức Rồng thức tỉnh được cho là của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992)  trên  fanpage của Nhà đấu giá chọn
Thông tin về  bức Rồng thức tỉnh được cho là của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992)  trên  fanpage của Nhà đấu giá Chọn

Theo Nhà đấu giá Chọn's, Nguyễn Văn Tỵ (sinh năm 1917, mất 1992) là người thầy của những người thầy, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành lý luận – phê bình và sư phạm Mỹ thuật Việt Nam. Ông là Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam đầu tiên (1957 - 1958).

Trong suốt 55 năm công tác, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội Mỹ thuật cũng như sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại ở tất cả các lĩnh vực: sáng tác, giảng dạy và lý luận. Suốt cả cuộc đời, ông đã viết khoảng 200 bài báo, giáo trình và tham luận khoa học, đặc biệt cuốn sách Bước đầu học vẽ là một trong những giáo trình hội hoạ đầu tiên được xuất bản.

Và theo Nhà đấu giá Chọn's, tác phẩm Rồng thức tỉnh như một lời tri ân của Nhà Đấu giá đối với người thầy tận tụy, kỉ niệm tròn 100 năm ngày sinh của ông (1917 – 2017). Rồng thức tỉnh là một trong những tác phẩm sơn dầu duy nhất về phong cảnh đất nước được cố họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ thể hiện theo bút pháp học hỏi từ những bậc thầy của trường phái hiện thực với lối vẽ cảm thụ phương Đông.

Tuy nhiên, ngay sau khi biết thông tin về tác phẩm này, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là Nguyễn Bình Minh, từng công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã lên tiếng khẳng định: "Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (sinh năm 1917, mất 1992, quê quán Hà Nội), người viết cuốn sách Bước đầu học vẽ không có bức tranh nào như thế này". 

Bà Nguyễn Bình Minh chia sẻ "họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ không có bức tranh này" trênanpage của Nhà đấu giá chọn 
Bà Nguyễn Bình Minh chia sẻ "Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ không có bức tranh này" trênanpage của Nhà đấu giá Chọn's

Chia sẻ thêm với PV báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) bà Nguyễn Bình Minh nói: “Khi xem bức tranh Rồng thức tỉnh của Nhà đấu giá Chọn's, tôi thấy không phải là tranh của bố tôi. Từ cách dùng màu đến bút pháp, đến cả cách đặt tên tranh đều không giống các tranh của ông hiện đang có ở nhà cũng như các tranh chỉ còn ảnh chụp”.

Bị nghi tranh giả, bức 'Phố cũ' của Bùi Xuân Phái vẫn đạt giá 12.500 USD

Bị nghi tranh giả, bức 'Phố cũ' của Bùi Xuân Phái vẫn đạt giá 12.500 USD

Dù có nhiều nghi vấn, nhưng bức tranh Phố cũ được cho là của Bùi Xuân Phái đã được đấu giá thành công trong phiên đấu giá số 5 diễn ra tối nay (30/7) tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House, 17, Trần Quốc Toản, Hà Nội).

Bà Nguyễn Bình Minh cũng cho biết, trong tiểu sử của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tự viết các công việc và tác phẩm sáng tác trong năm. Năm 1956 ông có đi Liên Xô công tác sau đó đi vẽ trên miền núi, làm tranh sơn mài.

"Có thể, bức tranh Rồng thức tỉnh là của một tác giả khác có cùng tên với bố tôi chăng?" - bà Nguyễn Bình Minh chia sẻ thêm.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến sự việc này.

Hoài An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm