Danh hài Minh Nhí: Không chỉ biết có “cười” với “đùa”!

26/05/2009 14:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mẹ và người tình (KB: Lê Chí Trung, ĐD: Minh Nhí) là vở mới của kịch Hồng Vân đã được công diễn cuối tuần qua. Đây là vở bi kịch đầu tiên của Minh Nhí, một nghệ sĩ lâu nay vốn nổi tiếng với các vở hài kịch dân gian. TT&VH đã trao đổi với Minh Nhí về sự chọn lựa đầy phiêu lưu và khó khăn này.

* Nhiều người nói do sân khấu kịch đang gặp mùa khủng hoảng, nên Minh Nhí “chơi sốc” bằng cách dựng một vở bi kịch đậm chất Bắc để “câu khách”(!). Từ công việc bản thân, xin anh cho biết lý do cụ thể là gì?
Minh Nhí trên sân khấu
- Bản thân tôi, cứ những kịch bản nào nói về tình cha, tình mẹ hay anh em ruột thịt... thì tự nhiên thấy gần gũi và dễ cảm, đây là cá tính của tôi từ nhỏ. Qua thời gian, mình đã lớn lên, già đi, nhìn mọi việc cũng sâu sắc hơn, không chỉ có “cười” với “đùa” như thiên hạ tưởng, mà bản thân đã có quá nhiều băn khoăn, buồn đau, dằn vặt... cần tỏ lộ ra, qua tác phẩm. Khán giả quen nhìn tôi với suy nghĩ là một thằng loắt choắt, vì lâu nay ra thị trường, tôi chỉ toàn diễn hài và dựng các vở hài. Thế nhưng trong 12 năm dạy học ở trường, tôi cũng thường cùng các sinh viên thử sức với các vai bi, vở bi và được thầy cô, đồng nghiệp... khen ngợi. Năm 2009 này một vở bi kịch đã ra đời, khi một kịch bản hay đã được nhà sản xuất tin tưởng giao cho tôi.

* Anh dân miền Tây, lại chọn dựng một vở bi kịch giọng Bắc, anh có tự tin là mình hiểu được ngữ điệu và văn hóa vùng miền hay không? Hay là vì sân khấu kịch Hồng Vân lâu nay nổi tiếng với các vở kịch Bắc, anh làm theo “đặt hàng” thuần túy?

- Tôi hoàn toàn không tự tin về hiểu biết văn hóa của mình, và đó là một thách thức khi dựng vở này. Khi đọc kịch bản, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, xem thử có thể chuyển qua giọng miền Nam được không, nhưng rồi tôi biết đây là việc bất khả, vì ngôn ngữ, tư duy và văn hóa đã được tác giả “ngắm” về khu vực miền Bắc, sửa là sai. Đó là chưa nói về sự cay cú, chua ngoa, giọng Bắc sẽ “thấm” hơn. Tuy nhiên, tôi đã được sự hỗ trợ hết mình của những diễn viên, đặc biệt là chị Hồng Vân và tôi tự hào là đã tạo ra được những nét tính cách khác nhau cho từng nhân vật.

Một cảnh trong vở Mẹ và người tình
 
 
* Ban đầu vở này có tên là Người yêu của cha tôi, nhưng tại sao nó lại biến thành Mẹ và người tình?
NSƯT Hồng Vân tâm sự: “Vở bi kịch Mẹ và người tình đã cho khán giả thấy được “ruột gan” của Minh Nhí, chứ không chỉ là lớp phấn son cười cợt ở bên ngoài, như hình ảnh quen thuộc lâu nay”.
- Tôi biết bi kịch không phải là sở trường của bản thân, nên phải đắn đo rất nhiều khi dựng. Tôi sợ mình không đủ tài năng để tạo nên bi kịch về chuyện cha có người yêu, vì điều này có vẻ quá phổ biến ngoài xã hội. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu mẹ già, có địa vị cao, hình ảnh đẹp và nổi tiếng nề nếp, gia phong, mà có bồ, thì bi kịch dễ xảy ra hơn. Tôi đã rất biết ơn Lê Chí Trung khi anh đồng tình với sự thay đổi này, và còn giúp tôi sửa nhiều tình tiết nhân vật cho hợp lý... Tuy mẹ là “nguyên nhân” của bi kịch, nhưng vở này không hẳn lên án bà mẹ, và không hẳn lên án các đứa con; nó chỉ lên án sự băng hoại của một lối sống giả tạo, mà ngày nay nhìn thấy nhan nhản ngoài xã hội.
Văn Bảy (thực hiện)
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm