Cùng Đỗ Kh. phiêu lưu ký với 'Rosa, Rosa'

04/05/2020 19:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là trong một thời gian ngắn, cuốn bút ký thứ hai của Đỗ Kh. đã tái xuất với bạn đọc trong nước. Khác với tập Ký sự đi Tây (NXB Đà Nẵng, 2019) hơi hướng ngoại, tập Rosa, Rosa (NXB Hội Nhà văn) vừa phát hành lại hơi hướng nội, với những ý nghĩ thoáng qua, những hồi ức bất chợt. Nhưng chất phiêu lưu và dí dỏm, đặc biệt là phiêu lưu trong ý tưởng và câu chữ, vẫn nổi trội, nên đọc khá lý thú.

Công bố giải thưởng cuộc thi bút ký, truyện ngắn 2016-2017

Công bố giải thưởng cuộc thi bút ký, truyện ngắn 2016-2017

12 tác giả được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Cuộc thi viết truyện ngắn và ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn; về đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân và nữ trí thức Thủ đô tiêu biểu lần thứ nhất. Đây là cuộc thi bút ký, truyện ngắn 2016-2017 do Quỹ Văn học Nhà văn Lê Lựu và Hội Nữ trí thức trẻ Thủ đô tổ chức ngày 27/1, tại Hà Nội.

Trong bài ký có tên Rosa, Rosa, Đỗ Kh. bắt đầu bằng đoạn: “Tôi vẫn thích làm phóng viên trực tiếp, phóng viên trực tuyến và phóng viên mặt trận. Thí dụ, đeo áo giáp và mặt nạ chống vũ khí hóa học trước ống kính truyền hình như là trong chiến dịch Bão táp sa mạc, và từ biệt khán thính giả bằng câu: Đây là Đỗ Kh., tại mặt trận Kebele, Nam Addis”. Nhưng thực tế Đỗ Kh. không xông pha trận mạc mà chỉ là ngồi ở một quán ăn, viết một mạch cho xong bài ký này. Và đây cũng là tứ chính của cả tập sách, 13 bút ký là 13 cuộc quàng xiên, đi từ chuyện này sang chuyện khác, xâu chuỗi ký ức với hiện tại và cả mơ tưởng.

Giữa 3 tập ký

Nếu tập Ký sự đi Tây nảy sinh từ một hoàn cảnh đặc thù, đó là lúc Đỗ Kh. đang làm báo ở California (Mỹ), rồi có việc cần đi Pháp. Trong thời gian vắng mặt, nhưng phải có bài để đăng đều đặn, nên cứ 2 ngày là anh gởi về tòa soạn một bài, kéo dài trong 5-6 tuần gì đó, cuối cùng kết tập thành Ký sự đi Tây. “Nếu lúc đó chuyến đi của tôi mà sang Mexico, thì đã có ký sự đi Mễ rồi” - Đỗ Kh. nói.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Đỗ Kh.

Với Đỗ Kh. thì: “Tôi bị văn hóa Pháp nhồi nhét từ lúc bước chân vào mẫu giáo. Nước này là nơi tôi từng sống trong nhiều năm, rồi vẫn sống tại đó trong nhiều khoảnh khắc ngắn dài của mỗi năm, nên việc viết ký rất tự nhiên. Ngược lại, năm 2006, tôi sang Nicaragua lần đầu tiên trong đời, vỏn vẹn có 7 ngày, với vốn tiếng Tây Ban Nha rất lõm bõm. Cho nên tập ký về chuyến đi này có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược. Cách nào hay hơn thì tôi cũng chẳng biết, để người đọc nhận xét. Nhưng với riêng tôi, viết về cái quá rõ và thân quen có lẽ nhàm chán hơn là viết về cái lạ lùng”.

Đỗ Kh. diễn giải tiếp: “Trong khi đó Rosa, Rosa là một tập ký hoàn toàn khác với hai tập trước kia. Nó là những mẩu chuyện đó đây, có khi viết ngay tại chỗ, có khi nhặt nhạnh từ một ký ức sứt mẻ đời thủa nào. Ngoài bài viết chủ đề Rosa, Rosa là chuyện kể lại trực tiếp, xảy ra tới đâu viết đến đó, như là bình luận bóng đá bằng bút bi. Những bút ký khác trong tập này thì không như vậy, nó là hồi ức miên man xa gần, nói về mặt thời gian. Cảm xúc cũng như đồ chua ngâm dấm, có thứ qua đêm thì vừa ăn, có thứ phải cần cả tuần hoặc cả tháng, có thứ như củ kiệu đóng hộp, giữ được trong nhiều năm. Tôi viết tập này y như vậy”.

Còn điểm chung của cả 3 tập ký này là sự pha trộn văn hóa, ký ức Việt Nam vào nhiều khía cạnh, hoàn cảnh quốc tế, thành ra đọc như nghe tâm sự một người Việt mới xa xứ.

Chú thích ảnh
Tập ký “Rosa, Rosa” vừa phát hành

Luôn giữ cái nhìn đầy thi tính

Đỗ Kh. sinh năm 1955 tại Hải Phòng, lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình còn rất gần gũi với văn hóa Pháp, học Việt văn như ngoại ngữ, trước khi qua Paris du học vào năm 14 tuổi. Từ năm 1975 định cư tại California, bắt đầu viết ở Bolsa sau năm 1987. Ngoài tiếng Việt, anh đã xuất bản nhiều bài viết tiếng Anh và một số tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Bản thân cũng dùng được nhiều ngoại ngữ ở các mức độ khác nhau, đã sống ở nhiều nước, nghĩa là theo một cách nào đó, có thể nói Đỗ Kh. đã là một công dân quốc tế. Thế nhưng “chất Việt” vẫn tuôn chảy trong tư duy, trong hình ảnh và nhiều liên tưởng, đặc biệt khả năng viết tiếng Việt tinh tế, dí dỏm.

Đỗ Kh. nổi danh tại Mỹ từ khía cạnh làm thơ, sau đó mới là truyện, tiểu thuyết và bút ký. Nhưng dù viết thể loại nào, ngay cả báo chí, chất thơ vẫn bàng bạc. Anh phân tích: “Thơ đối với tôi là một thể loại "liêu trai chồn cáo". Nó nửa đêm đến gõ cửa phòng và dựng mình dậy, cầm cổ mình mà vặn, có chống cự cũng vô phương. Sau đó có đi tìm nó để ân đền, oán trả cũng không thấy nữa. Văn xuôi thì khác hẳn, đó là công việc hẳn hoi, chứ chẳng có lơ mơ. Câu chữ tôi có thể không cân đong, nhưng tôi rất thích cân đong số chữ, thỉnh thoảng tôi lại đếm như nhà hàng đếm tiền…”.

Anh nói thêm: “Những chữ này từ đâu ra? Ngay trong văn hư cấu màu mè, nó cũng chỉ từ những trải nghiệm và hoàn cảnh cá nhân là chính. Tôi không phải là người phong phú trí tưởng tượng. Tôi chỉ giỏi lắm là tô điểm hoặc đúng hơn là ngụy trang, che đậy bớt đi, gọt đầu gọt đuôi cho thêm phần nhẵn nhụi. Đó là nói về thứ văn tôi gọi là hư cấu. Nó cũng vui nhưng tôi thuộc dạng lười. Đã thiếu tưởng tượng lại còn lười, ngại thêm thớt và tô vẽ, ngại cả đẽo gọt hoặc là quét dọn lau chùi, thì thể ký có lẽ với tôi thích hợp nhất. Nó đỡ mệt nhất và ít đòi hỏi cái công phu hư cấu...”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm