"Cụ bà" 210 tuổi & "đứa trẻ" lên 10 (Bài 1)

18/10/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Cách đây gần chục năm, mỗi lần đi ăn cơm trưa văn phòng, một anh bạn hay rủ bọn tôi tới quán M.T trên đường Lê Quý Đôn. Cơm văn phòng ở đó không có gì đặc biệt, nhưng chẳng bao lâu, chúng tôi phát hiện ra lý do vì sao anh bạn này hay thích tới đó. Trong quán có một màn hình tivi lớn với một kênh duy nhất: FTV (Fashion Tivi). Mở ngoặc giải thích thêm là tại thời điểm đó, truyền hình cáp chưa phổ biến như bây giờ nên FTV vẫn còn là xa xỉ. Chả hiểu anh bạn này thích tìm hiểu thời trang hay đơn giản chỉ là thích ngắm các cô người mẫu cao nghều đi xăm xăm trên sàn catwalk, nhưng không thể phủ nhận được một điều: catwalk có ma lực.

Quán cơm M.T giờ này không còn ở địa chỉ cũ. Anh bạn tôi cũng không còn “tranh thủ” xem thời trang tivi ở quán cơm nữa. FTV giờ này 24/24 trên truyền hình cáp. Và các fashion show lớn nhỏ tấp nập “lên sàn”. Ngày 15/10, Đẹp Fashion Show 10 đã diễn ra tại nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM. Đây là một trong những show thời trang “made in Vietnam” danh tiếng nhất hiện nay, năm ngoái đã đoạt giải Asian Top Fashionable Contest Of The Year. Ngày 29/10, là Elle Show Thu Đông. Trước đó không lâu, là Men Show, là Sense Fashion Show...

Trong lúc show ca nhạc đang nhạt nhòa, thì fashion show lại lên tiếng.

Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY

                              

(TT&VH Cuối tuần) - Từ “fashion show” chỉ mới trở nên phổ biến ở Việt Nam trong khoảng mươi năm nay, nhưng kỳ thực người đẹp fashion show này đáng được gọi là “cụ bà” khi kỷ niệm tuổi 200 từ cách đây 11 năm.

Buổi trình diễn thời trang được xem là đầu tiên trên thế giới diễn ra tại một salon sang trọng ở Paris, cái nôi của thời trang thế giới, vào khoảng những năm 1800. Sau đó đúng một thế kỷ, người Mỹ “nhập khẩu” ý tưởng tổ chức fashion show này và thế là nước Mỹ lần đầu tiên biết đến fashion show vào năm 1903, diễn ra tại New York, thành phố sau này là một đối trọng về thời trang với Paris. Nhưng người Mỹ với khẩu vị “fast food” và làm fashion show theo kiểu ăn bánh hamburger. Thập niên 1910-1920 là thời kỳ fashion show bùng nổ trên khắp nước Mỹ. Người ta trình diễn thời trang ở khắp nơi, các cửa hàng bán lẻ cũng trở thành nhà tổ chức fashion show.

Cuộc chơi ra tiền

Cũng giống như ngành công nghiệp âm nhạc cần đến các live show để trình diễn và quảng bá hình ảnh (trong khi kiếm tiền chủ yếu qua băng đĩa), ngành công nghiệp thời trang kiếm sống bằng chuỗi các nhà bán lẻ, nhưng cần tới fashion show để định hướng, để lái cả thế giới đi theo. Trong nền công nghiệp hái bộn tiền ấy, fashion show đương nhiên không phải để chơi, càng không phải cuộc trình diễn phi lợi nhuận cho dù fashion show hầu như không bao giờ bán vé.


Một chương trình thời trang trong sự kiện New York Fashion Week 2010

Cũng chính vì tính mục đích rất cao như vậy nên “thủ đô của thời trang” thì mặc nhiên cũng là “thủ đô của fashion show” và ngược lại. Hiện tại, 4 thành phố được đội vương miện này là: New York (Mỹ), London (Anh), Milan (Ý) và Paris (Pháp). Ngoài ra, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng đang muốn khẳng định mình trên bản đồ thời trang thế giới là Nhật Bản, Brazil, Argentina, Canada, Hong Kong và Singapore. Và để có thể viết được tên mình trên bản đồ xa xỉ ấy, ngoài việc xây dựng những trung tâm mua sắm, thì tất cả những nơi này đều phải xây dựng cho được những thương hiệu fashion show. Tokyo, Sao Paolo, Los Angeles, Buenos Aires, Hong Kong, Singapore, Toronto đều đang nỗ lực để trở thành những địa chỉ mới của các show thời trang. Khái niệm show thời trang ở đây đồng nghĩa với các Fashion Week - Tuần lễ thời trang theo mùa, chủ yếu là hai mùa Xuân/Hè và Thu/Đông.

Trong các tuần lễ thời trang như vậy, sân khấu là sàn catwalk, nơi những người mẫu khoác lên người các trang phục trình diễn có nhiệm vụ gần như duy nhất là sải các đôi chân dài của mình. Các show thời trang kiểu này phổ biến nhất trong thế giới thời trang, còn được gọi với một cái tên khác: “thời trang catwalk”. Đây là bộ mặt chính của thế giới thời trang. Ở đây, ngoài những tuần lễ thời trang theo mùa, đôi khi người ta cũng thấy những chủ đề khác như Tuần lễ thời trang áo tắm, Tuần lễ thời trang đồ may sẵn hàng loạt (Prêt-A-Porter hay Ready-To-Wear), Tuần lễ thời trang Couture (hàng thiết kế riêng, số lượng giới hạn) hay Tuần lễ thời trang đồ cưới… Ở Việt Nam, các chương trình Thời trang & Cuộc sống trên HTV7, Tuần lễ thời trang Việt Nam, Tuần lễ thời trang cưới, Elle Show… đều đi theo mô hình phổ biến này của thời trang thế giới, dĩ nhiên mức độ chuyên nghiệp khác nhau.

Và tốn tiền

Tuần lễ thời trang Việt Nam - Vietnam Fashion Week - đầu tiên ra đời vào năm 2001 tại khách sạn Sofitel (TP.HCM), được xem là “con đẻ” của cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix - cuộc thi thiết kế thời trang do Hiệp hội dệt may Việt Nam, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày Việt Nam (LEFASO) và Viện mẫu thời trang Việt Nam kết hợp tổ chức bắt đầu từ năm 1999. Được hậu thuẫn bởi các “đại gia” trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang Việt Nam, như một luồng gió mới, cả cuộc thi thiết kế lẫn Tuần lễ thời trang đều đã có bước khởi đầu rất đẹp. Hàng loạt các tên tuổi những nhà thiết kế được phát hiện từ cuộc thi, nhanh chóng được đẩy lên sàn catwalk. Vietnam Fashion Week 2001 gần đủ các anh tài: từ Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Valerie McKenzie, Kiều Việt Liên đến Công Trí, Thanh Phương, Khánh Hòa, Lê Minh Khoa, Sơn Ngọc, Vũ Thu Giang, Ngô Thái Uyên, Quốc Bình, Huyền Trang, Diệu Anh (nhóm sau đều là những nhà thiết kế đoạt giải từ cuộc thi nói trên). Hai năm đầu (2001, 2002) chỉ có một Tuần lễ thời trang được tổ chức, nhưng kể từ năm 2003, Vietnam Fashion Week bắt đầu theo mùa như thông lệ quốc tế (Xuân Hè và Thu Đông), với danh sách các nhà thiết kế tham gia khá xôm tụ. Trên sàn catwalk cũng tụ hội hầu hết những tên tuổi của làng người mẫu trong nước. Tất cả chỉ chờ nhân vật chính dưới hàng ghế khán giả, nhưng nhân vật này đã không tới.


Chương trình Collection Grand Prix 2004

Nhân vật chính dưới hàng ghế khán giả của Tuần lễ thời trang là ai mà ghê gớm vậy?

Trong tất cả các Tuần lễ thời trang, họ là những khách hàng tiềm năng, những hãng kinh doanh thời trang đang đi tìm sản phẩm, những biên tập các tạp chí thời trang đang đi tìm khuynh hướng, và không thiếu cả những hãng chuyên kinh doanh thời trang “nhái” tới để “copy”… Trong bối cảnh các hãng dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng gia công cho nước ngoài chứ chưa thể kinh doanh được thương hiệu thiết kế nội địa và các tạp chí mới dùng thời trang để “mát mắt” bạn đọc, thì lấy đâu ra khách hàng tiềm năng đúng nghĩa? Nghịch lý ở chỗ, khách hàng chưa kịp sinh ra, nhưng nhà thiết kế bước ra từ cuộc thi thì ùn ùn. Từ chỗ khuấy động phong trào (và đã làm việc này xuất sắc), VN Collection Grand Prix thay thế hệ thống đào tạo các nhà thiết kế thời trang, đã cho ra lò mỗi năm hàng chục nhà thiết kế mới mà trong số này nhiều người chưa hề biết tới kỹ thuật cắt may, kỹ thuật xử lý chất liệu… - vốn là những kỹ năng cơ bản của nhà thiết kế. Cũng vì nghịch lý này mà năm 2010, những nhà tổ chức cuộc thi đã quyết định tạm đóng cửa cuộc chơi. Tuần lễ thời trang Việt Nam vẫn tổ chức, nhưng sau khi lôi kéo được sự tham gia của các công ty dệt may (từ năm 2006), tới nay chỉ còn duy nhất công ty Việt Thắng còn trụ lại ở sân chơi này. Hầu như không thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn, các hãng kinh doanh thời trang, cũng không định được xu hướng thời trang cho thị trường trong nước, Tuần lễ thời trang Việt Nam cho tới nay vẫn là một cuộc chơi chưa thể ra tiền.

Cuộc đột phá của Hương color và ĐFS

Năm 2004, khoảng 300 khách mời đã ngây ngất và choáng váng với một show diễn thời trang diễn ra tại không gian ngoài trời của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, để từ đó, khái niệm “fashion show” dần trở thành thời thượng. Đó chính là năm đầu tiên của Đẹp Fashion Show (ĐFS), chỉ với 3 nhà thiết kế: Công Trí, Ngô Thái Uyên và Thaka. Lần đầu tiên người ta xem người mẫu trình diễn thời trang không trên sàn catwalk. Cũng là lần đầu tiên nhà thiết kế Ngô Thái Uyên bế con trai đầu lòng mới hơn tháng tuổi trở thành nhân vật chính trong phần trình diễn bộ sưu tập ấn tượng của cô.

Những fashion show với kết cấu “vở diễn thời trang” của Đẹp Fashion Show, biến tất cả - thời trang, âm nhạc, múa, ánh sáng… thành một tác phẩm nghệ thuật đã khiến công chúng Việt Nam bắt đầu nhìn thời trang bằng một con mắt khác

Giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp lúc đó, Nguyễn Thanh Hương, hay Hương Color - “bà đỡ” cho ĐFS từ số 1 tới số 8, nhớ lại lúc bấy giờ, thôi thúc làm ĐFS chỉ từ một day dứt: Tại sao các show thời trang ở VN lại không làm cho thời trang đẹp lên? Song khi bắt tay vào làm một show thời trang thực sự, thì một thách thức lớn đặt ra: kiếm đâu ra những nhà thiết kế thực sự ở VN? Vậy là ê-kíp thực hiện ĐFS cùng ba nhà thiết kế Công Trí, Thái Uyên, Thaka cùng ủng hộ phương án đưa thời trang vào một chương trình trình diễn, biến tất cả - thời trang, âm nhạc, múa, ánh sáng… thành một tác phẩm nghệ thuật. Công chúng bắt đầu nhìn thời trang bằng một con mắt khác.

Cũng chính giải pháp khôn ngoan tránh đối đầu với thách thức lớn này đã dẫn ĐFS, thay vì ra đại lộ thời trang, đã rẽ vào một con đường khác với những show thời trang ý tưởng hay “vở diễn thời trang”.

Cũng cần phải nói ngay rằng, khái niệm “vở diễn thời trang” được ĐFS nói tới từ show diễn thứ ba (Cơn ác mộng của người thợ may) thực ra không xa lạ với giới thời trang quốc tế. Bên cạnh những show diễn đầy thực tế trong các Fashion Week, đôi khi fashion show cũng xuất hiện theo dạng trình diễn sắp đặt mà ở đó người mẫu được sử dụng như những diễn viên, và sân khấu có thể không phải là catwalk… Một số nhà thiết kế trẻ chọn hình thức này - trình diễn trên sân khấu có sự kết hợp của âm nhạc, ánh sáng… (theatrical production) - để giới thiệu bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, những show thời trang như vậy không thể thay thế cho những show catwalk, bởi sau khi bay bổng với các môn nghệ thuật khác, thời trang phải trở về nguyên dạng thời trang, nếu không nó sẽ không có… tiền (do chỉ xem mà không bán được) để có thể tiếp tục là thời trang.

Trên thực tế, dường như ĐFS cũng đã nhìn thấy điều ấy. Theo kế hoạch ban đầu, ĐFS sẽ thực hiện luân phiên giữa thời trang catwalk và thời trang trình diễn. Tiếc là ĐFS đã không đi được đúng con đường đã vạch ra cũng bởi thực tế vẫn là thực tế: thời trang VN quá thiếu thời trang ứng dụng đủ “chất lượng” để “lên sàn”. ĐFS 2 và 4 (cùng diễn ra ở TP.HCM) là những show catwalk thuần túy hiếm hoi trong số 10 show của ĐFS. Thời trang không đủ “tiếng nói” của mình, buộc phải hòa giọng cùng nhiều thứ khác. Sau khi xem ĐFS 5 với chủ đề Bí ẩn của linh hồn, cái “bí ẩn” nhất đối với nhiều khán giả chính là… thời trang. Ra về từ một show thời trang nhưng nhiều người lại xuýt xoa: âm nhạc (Quốc Trung) hay quá!

Có công đưa thời trang trở thành một nghệ thuật và đưa fashion show thành một sự kiện trình diễn thời trang “nội địa” gây được tiếng vang trong khu vực, bằng chứng là ĐFS từng được giới thiệu trên FTV và năm ngoái đã nhận được giải thưởng Asian Top Fashionable contest Of The Year tại Lễ trao giải thời trang châu Á (Fashion Asia Award), ĐFS đã cống hiến cho người xem những màn trình diễn ấn tượng. Nhưng nhìn dưới con mắt giới làm thời trang chuyên nghiệp thì đó vẫn là những cuộc chơi và khá tốn tiền. Tiền tỷ được đổ ra để tạo không gian trình diễn - linh hồn của các cuộc chơi ĐFS. Các bộ sưu tập mang tính trình diễn theo những chủ đề của cảm xúc hoặc một ý tưởng nào đó (Cơn ác mộng của người thợ may, Thời trang và ánh sáng, Bí ẩn của linh hồn, Cảm hứng đương đại…) thay vì định dạng theo thời trang (theo mùa, theo phong cách hoặc chủng loại).

Elle Show - mộng có thành?

Tới Freedom(ĐFS 8) thì tôi bắt đầu thấy chán dù lúc đó bản thân vẫn còn đầy cảm hứng. Tôi cảm thấy mình đi không đúng đường. Phải làm những fashion show đúng là fashion trước đã… - Hương Color giải thích về quyết định chia tay ĐFS của mình sau 8 năm đồng hành để bắt đầu một chặng đường mới với Elle Show. Khác với ĐFS, mỗi năm thực hiện hai show gắn liền với hai mùa chính của dòng chảy thời trang: Xuân Hè và Thu Đông, Elle Show là show thời trang catwalk “thuần chủng”. Sau khi xem Summer Elle Show hồi tháng 5/2011 diễn ra tại khách sạn Park Hyatt với cặp bài trùng Hương Color (giám đốc sáng tạo) và Phạm Hoàng Nam (đạo diễn) - họ đã đi cùng trong ĐFS (Bí ẩn của linh hồn) và ĐFS 8 (Freedom), không ít người ngạc nhiên. Không trình diễn ánh sáng, không rắc rối ý tưởng, không phức tạp sân khấu - những gì họ đã làm ở ĐFS, ở Summer Elle Show 2011 chỉ có thời trang và thời trang. Ngay sau show, toàn bộ thiết kế trong bộ sưu tập vừa trình diễn của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường đã được các khách hàng đổ xô tới mua sạch - đây là lần ra mắt bộ sưu tập thành công nhất của nhà thiết kế này.

Sự có mặt của Elle Show thách thức những show thời trang danh tiếng
trong nước trước đó và đang tạo nên những cuộc đua quyết liệt

Đưa fashion show ở Việt Nam trở về với “đại lộ” thời trang là tham vọng của Elle Show. Nhưng thách thức lớn nhất của show thời trang này cũng vẫn lại là bài toán khó giải của thời trang Việt Nam bấy lâu nay: các nhà thiết kế - nhân vật chính - có đủ sức để ra “đại lộ”? Hiện nay tìm được nhà thiết kế làm “đúng chuẩn” ở Việt Nam đã khó rồi, biên tập thời trang của một tạp chí thời trang nhận xét. Bởi vậy, dễ dàng thấy một vài cái tên ít ỏi như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường lặp đi lặp lại trong nhiều show diễn và ở đâu bộ sưu tập của họ đương nhiên là vedette.

Để chuẩn bị lực lượng, ngay sau thành công của Summer Elle Show hồi tháng 5 năm nay, 10 nhà thiết kế được nhắm tới cho show Thu Đông đã được tập hợp từ trước đó nhiều tháng, thiết kế của họ đã được giới thiệu liên tục trên tạp chí cùng tên để từ đó chọn ra 5 người sẽ trình diễn gần 200 mẫu thiết kế của họ trên sàn catwalk vào ngày 29/10 tới đây.

Sự có mặt của Elle Show không những thách thức chính ê-kíp làm show này (vốn là những cái tên quen thuộc trong thế giới fashion show trước đây), mà còn thách thức cả những show thời trang danh tiếng trước đó, tạo nên những cuộc đua quyết liệt. ĐFS dường như cũng đang điều chỉnh lại cuộc chơi ý tưởng của mình. Từ năm nay, “chạy trước” ĐFS là Đẹp Fashion Runway dành cho các nhà thiết kế trẻ, chưa tạo thành tên tuổi, tập trung vào mảng thời trang ứng dụng. Đây có thể được xem như lực lượng chuẩn bị kế cận cho ĐFS.

Bỏ qua những show thời trang mang tính thời vụ hoặc có mục đích dùng thời trang để trình diễn những thứ khác…, thì Elle Show và ĐFS đang tạo nên hai “vỉa hè” đẹp cho thời trang Việt Nam. Một bên trình diễn các khuynh hướng thời trang ứng dụng, một bên trình diễn các ý tưởng bay bổng. Một bên các sản phẩm trình diễn có thể bán sạch cho người sử dụng ngay sau khi trình diễn (như trường hợp nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường), một bên có thể đưa tác phẩm vào bảo tàng (trường hợp nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, các mẫu trình diễn tại ĐFS 10 của Trí sẽ không bán mà sẽ được anh giữ trong bảo tàng riêng). Thời trang Việt Nam cần có cả hai để có thể ra được với đại lộ thời trang thế giới.

Bài kết: Vỉa hè & thời trang

Vân Hạc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm