'Công viên mở' Nhà hát Lớn: Cần một quy hoạch xứng tầm

04/04/2017 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ những giá trị văn hóa lịch sử đi kèm, cũng như từ vị trí đặc biệt tại Hà Nội của Nhà hát Lớn, nhiều chuyên gia đã đề nghị: việc quy hoạch này cần được “nâng tầm” để khai thác hết tiềm năng sẵn có.

Trước đó, thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết: khuôn viên hiện tại của Nhà hát Lớn sẽ được chỉnh trang, xóa bỏ hàng rào và quán cà phê bên trong để tạo “công viên mở” đón du khách trong năm 2017.

Cơ hội đặc biệt

Như chia sẻ từ các chuyên gia về quy hoạch và di sản, việc tạo lập không gian xứng đáng tại Nhà hát Lớn là câu chuyện đã được nhắc tới khá nhiều trong vài chục năm qua.

Chẳng hạn, theo KTS Trần Huy Ánh (Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội), ngay từ thập niên 1980, giới chuyên môn đã nhắc rất nhiều tới một bản đồ án thiết kế của sinh viên (do GS Tôn Đại hướng dẫn) được xây dựng quanh ý tưởng: tạo lập không gian văn hóa kêt nối Nhà hát Lớn và các kiến trúc liền kề. Thậm chí, theo ông Đào Ngọc Nghiêm (nguyên KTS trưởng Hà Nội), vào quãng 1992, trong quy hoạch sơ bộ về bảo tồn các công trình văn hóa của Thủ đô, việc xây dựng trục đường Tràng Tiền thành một không gian văn hóa đặc thù cũng luôn được ưu tiên.


Nhà hát Lớn giữ một vai trò đặc biệt với Hà Nội ở nhiều góc độ như văn hóa, lịch sử, kiến trúc

“Khi ấy, Nhà hát Lớn còn đang xuống cấp và chưa được trùng tu. Thế nhưng, giới quy hoạch đã khẳng định: kiến trúc này vừa là điểm mở ra không gian văn hóa lịch sử kéo dài tới Hồ Gươm, vừa là điểm chuyển tiếp về cảnh quan khi kết nối với sông Hồng” - ông Nghiêm nói.

Đáng nói, dù một đề án quy hoạch chưa được triển khai, ý thức bảo tồn khu vực quanh Nhà hát Lớn vẫn được các chuyên gia và giới quản lý để tâm. Theo lời KTS Trần Huy Ánh, khi khách sạn Hilton Opera được xây dựng vào cuối thập niên 1990, đồ án thiết kế công trình này đã được yêu cầu lưu ý để có sự hài hòa với kiến trúc liền kề của Nhà hát Lớn bằng những đường cong “dễ chịu”.

Hoặc, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cũng từ tinh thần “cảnh giác” bảo vệ không gian này, thành phố Hà Nội đã cân nhắc và quyết định hủy bỏ kế hoạch xây thêm công trình mới tại khu đất phía trái khách sạn Hilton Opera và chuyển thành vườn hoa 19/8 như hiện nay.

“Để làm được như vậy, thành phố đã phải “đền” cho nhà đầu tư khoảng 3.000 m2 đất ở một khu vực khác” - ông Nghiêm nói - “Bây giờ, khi chúng ta đã có phố đi bộ Hồ Gươm, đã ý thức rõ về vai trò của những không gian văn hóa lịch sử đô thị, quyết tâm bảo tồn không gian Nhà hát Lớn là cơ hội đặc biệt để triển khai”.

Nên có bảo tàng Nhà hát Lớn

Như phân tích của các chuyên gia, Nhà hát Lớn chỉ là điểm nhấn của một quần thể kiến trúc Pháp đặc biệt, với những Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng (cũ), Bảo tàng Địa chất, trường Đại học Tổng hợp cũ... trong bán kính vài trăm mét. Và, ở góc độ lịch sử văn hóa, không gian trước Nhà hát Lớn cũng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng với Hà Nội.

Cơ duyên với giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”

Các ý tưởng liên quan tới việc bảo tồn, cải tạo cảnh quan quanh Nhà hát Lớn đã 2 lần xuất hiện tại giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao &Văn hóa. Năm 2009, quyết định ngừng xây dựng tại khu đất cạnh Nhà hát Lớn (và sử dụng làm công viên) của UBND TP Hà Nội được trao giải ở hạng mục Việc làm. Và năm 2016, ý tưởng xây dựng tượng nhạc sĩ Văn Cao tại vườn hoa Cổ Tân của nhà sử học Dương Trung Quốc được đề xuất trao giải ở hạng mục Ý tưởng).

“Thời kỳ cách mạng tháng Tám, không gian trước Nhà hát Lớn có thể coi là một điểm trung tâm thứ hai của Thủ đô, bên cạnh khu vực quảng trường Ba Đình. Đây là nơi Quốc kỳ, Quốc ca xuất hiện một cách chính thức trước người dân Hà Nội, trong buổi chiều 19/8 lịch sử” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét - “Chưa kể, Nhà hát còn là nơi Quốc hội Việt Nam họp phiên đầu tiên vào tháng 3/1946, và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên vào tháng 10/1946”.

Tán thành ý tưởng cải tạo không gian khu vực này, ông Quốc đưa ra thêm một đề xuất đặc biệt: nghiên cứu thành lập một bảo tàng Nhà hát Lớn.

“Với du khách, tới Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ để xem về kiến trúc thì e rằng chưa đủ” - ông nói. “Theo cá nhân tôi, ta nên tận dụng tầng hầm hoặc một phòng trong Nhà hát để làm bảo tàng nhỏ. Khi ấy, du khách tới đây có thể được cung cấp thông tin về lịch sử kiến trúc, những sinh hoạt chính trị quan trọng thời kỳ Cách mạng tháng Tám, hay lịch sử truyền bá kịch nghệ và âm nhạc phương Tây vào Việt Nam”.

Trao đổi với Thể thao &Văn hóa, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết: việc ngừng quán cà phê, bỏ hàng rào, chỉnh trang cảnh quan... tại Nhà hát Lớn chỉ nên coi là bước khởi đầu. Xa hơn, ngành quản lý nên tính đến việc quy hoạch tổng thể không gian để kết nối Nhà hát Lớn với các kiến trúc bảo tàng, vườn hoa, trục cảnh quan... xung quanh để tạo thành một tổng thế.

“Nghĩa là phải di dời một số cơ quan hoặc hộ dân, nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm, kết nối đường giao thông ngầm tới các điểm đỗ xe bus hoặc ga tàu điện tương lai” - ông Nghiêm nói - “Việc này tất nhiên rất phức tạp nhưng vẫn khả thi, nếu chúng ta xây dựng một lộ trình và cơ chế thực hiện từ bây giờ...”.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm