Có người đi lễ chùa "mặc cả" với thần linh

05/03/2013 09:22 GMT+7

Tại sao dân gian thường quan niệm “Ra ngõ gặp rắn là may”, vì sao cứ đầu xuân là người dân lại nô nức đi lễ chùa cầu may và vì sao người Việt ta lại coi trọng tín ngưỡng thờ Mẫu? Đâu là ranh giới giữa tín ngưỡng tâm linh và mê tín dị đoan? Những thắc mắc này sẽ được nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam giải thích một cách dí dỏm, khách quan.

Một năm được dự báo là sẽ quá tải số trẻ được ra đời do quan niệm Quý Tỵ- rắn vàng là năm đẹp. Chia sẻ của ông về quan niệm này?

Trong mọi nền văn minh, rắn thuộc loại biểu tượng đa dạng, đa nghĩa, có uy quyền và phổ biến bậc nhất. Rắn không có chân nhưng di chuyển khéo léo, nhanh nhẹn bậc nhất. Thân hình dài thượt uốn khúc của rắn là hình ảnh của chuyển động, của sự sống lưu chuyển không ngừng. Bên cạnh đó, rắn còn là biểu tượng hình sự tái sinh, luân hồi, bất tử, tự do, không chịu khuất phục. Rắn thường được dân gian cho là may mắn, báo hiệu điềm lành.

Do rắn mang đặc tính thông minh, láu lỉnh, nên dân gian thường quan niệm những người sinh năm rắn thường thành công trong lĩnh vực kinh doanh, khoa học hay nghệ thuật. Phải chăng cũng vì lẽ đó mà các bậc cha mẹ lại thích sinh con vào năm nay, với quan niệm: “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài”...



“Ra ngõ gặp rắn là may”, nhưng không phải ai cũng có may mắn được gặp. Giờ đây đi lễ chùa cầu may dịp đầu năm đang là lựa chọn của nhiều người. Ý nghĩa của việc này là thế nào, thưa ông?

Tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, thành một mỹ tục trong mọi giai tầng của xã hội từ xa xưa. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời- đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Nhưng nếu ai đó đi lễ chùa chỉ để cầu may lại là một phạm trù khác. Họ cầu an nhàn, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe... Thậm chí có người còn cầu mong làm giả ăn thật, không làm gì cũng có ăn là vấn đề cần bàn. Thay bằng mỹ tục thì đi chùa cầu may đang bị lợi dụng, trá hình thành một thứ tạp tục, hủ tục, xuất phát từ sự tìm kiếm động viên của lực lượng siêu nhiên.

Dân chúng của ta có tính chất hỉ, xả nhiều quá, một bộ phận không nhỏ người dân hướng tới sự cầu may nhiều hơn là sự phấn đấu trong lao động. Quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, chỉ thích hợp với thứ văn minh lúa nước cổ xưa, ít nhiều không còn thích hợp, sẽ "vênh" trong thời kỳ CNH-HĐH như hiện nay.

Bản thân ông có đi chùa đầu năm?

Tôi có thể chở mẹ tôi, chở người nhà tôi đi nhưng tôi chỉ đứng ngoài. Sở dĩ như vậy là vì tôi quan niệm rằng may mắn hay thành công có được là do sự cố gắng do khổ luyện của mỗi người, không phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên.

Nhưng tôi sẽ đi chùa, vãn cảnh chùa khi muốn tìm sự bình yên trong tâm hồn, tìm về với thiên nhiên, đất trời. Sẽ đi chùa khi không gian yên tĩnh chứ không phải chen lấn, xô đẩy nhau với những mâm cao cỗ đầy để cúng tiến đức Phật dịp đầu năm.

Với quan niệm trần sao âm vậy, nhiều người cho rằng, cứ mang vật lễ phong phú đi lễ chùa sẽ nhận lại được “lộc” tương xứng?

Đi lễ chùa cầu may đang trở thành nét sinh hoạt phổ biến trong cộng đồng từ già tới trẻ, từ người dân quê đến thành thị, từ giàu tới nghèo. Hiện đang có một thực tế là vật phẩm mang lễ chùa tỷ lệ thuận với điều kiện kinh tế. Người càng có điều kiện kinh tế lễ càng to. Đây được xem như một dạng mặc cả, buôn bán, trao đổi, ra điều kiện với thánh thần, với suy nghĩ tôi mang nhiều lễ tôi sẽ nhận được nhiều "lộc".

Phải chăng khi con người quá thiếu niềm tin thì nơi mà họ tìm đến chính là thánh thần, là lực lượng siêu nhiên, thưa ông?

Nếu có thế giới bên kia thật, nếu có vũ trụ ngoài xa kia mỗi người ứng với một ngôi sao thì con người trần gian sẽ làm nhiều tội ác ở kiếp này sau đó vẫn mong rũ sạch bằng cách “mặc cả” với thần linh để rũ sạch tội ác bằng mâm cao cỗ đầy thì thật đáng lo.

Nhưng một khía cạnh khác của việc tin tưởng vào thần thánh cũng giúp con người tìm được một bức tường để kiểm soát hành vi của mình. Nhưng nếu vì quá tin tưởng mà có những hành vi quá đà thì lại rơi vào trạng thái khác, bị lên án là mê tín dị doan.

Vậy theo ông đâu là ranh giới giữa tín ngưỡng tâm linh và mê tín dị đoan?

Tín ngưỡng và mê tín dị đoan chỉ cách nhau không nhiều. Nếu đi đúng đường thì sẽ là tín ngưỡng; còn không là dị đoan. Chúng ta phải hạn chế vai trò của dị đoan và đề cao vai trò của tín ngưỡng. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào chính mỗi con người, vào nhận thức mà trách nhiệm trước hết là ở ngành văn hoá và chính quyền địa phương.

Vậy với Tín ngưỡng thờ Mẫu của nước ta nên được hiểu thế nào? Tại sao Việt Nam lại chọn thờ Mẫu, thưa ông?

Có một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người Thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh.

Trong tứ bất tử mà người Việt thờ thì chỉ duy nhất thờ Mẫu là có thật, có 3 nhân vật khác là Thánh Tản Viên, Chử Đồng tử và Thánh Gióng chỉ là trong truyền thống, thần thoại, không có thật.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Châu
Báo Hải quan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm