Đó là một trải nghiệm địa chất kỳ thú tại dấu tích thềm san hô cổ tại Hang Rái, bên bờ vịnh Vĩnh Hy thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận.

Có một 'Mặt Trăng trên Trái Đất' ở Ninh Thuận

(Thethaovanhoa.vn) - Khi bước lên khối đá đồ sộ nhô lên trên mặt biển, ai cũng nghĩ mình đang đi bộ trên Mặt Trăng như phi hành gia Neil Armstrong hơn nửa thế kỷ trước.

Đó là một trải nghiệm địa chất kỳ thú tại dấu tích thềm san hô cổ tại Hang Rái, bên bờ vịnh Vĩnh Hy thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận.

Đứng trên mỏm núi đá chon von trên bờ vịnh nhìn xuống, thềm san hô cổ như một con tàu vũ trụ bí ẩn trong phim Star Wars đáp trên mặt biển. 

Toàn cảnh thềm san hô cổ nổi lên mặt biển

Bãi đá gồm hai tầng. Theo ghi nhận của người dân thì tầng dưới nằm cách mặt nước biển khoảng vài centimet với mặt đá rộng, bằng phẳng; trong khi tầng trên cùng cao hơn 2m, có hàng trăm mũi đá cao 20 - 30cm chỉa lên nhọn hoắt, chỗ lại sụt xuống tạo thành các ô tròn.

Huyền diệu Hang Rái. Ảnh: Đào Duy Tân (Giải Nhất ảnh đơn cuộc thi ảnh "Ninh Thuận - miền di sản" trao ngày 14/4)

Cách đây hàng triệu triệu năm, khi biển tiến rồi biển lùi, rặng san hô này nổi lên mặt nước rồi "hoá thạch". Còn hình dạng khu vực Hang Rái như hiện tại có cách đây 12.000 năm.

Trải qua không biết bao nhiêu thời gian "trơ gan cùng tuế nguyệt", bề mặt của thềm san hô đã bị phong hoá lỗ chỗ, tạo cảnh quan y hệt như bề mặt của Mặt Trăng mà ta vẫn thấy qua các kính viễn vọng.

Thềm san hô cổ nổi lên mặt biển như con tàu vũ trụ đáp xuống mặt nước

Đó cũng là lý do mà thềm san hô này được người dân gọi là "Mặt Trăng trên Trái Đất".

Nhưng đó cũng không phải một bề mặt khô cằn lạnh cóng chỉ có những vệt dấu chân vĩnh cửu của một vài phi hành gia may mắn. Anh Cao Thành Ngon, cán bộ quản lý ở khu Hang Rái cho biết, vào mùa gió Bắc khoảng tháng 11, sóng biển trùm lên thềm san hồ, rồi khi rút đi, còn đọng lại ở những vệt lồi lõm. Khi bị nắng hong khô sẽ để lại những ô muối. Người dân đến đó lấy muối nên còn gọi là thềm "đá muối".

Bề mặt lồi lõm như Mặt trăng

Khi nước biển tràn qua và khô đi, những ô lồi lõm trở thành ô muối

Khu vực Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Bước lên thềm san hô cổ, một Mặt Trăng trên Trái Đất, tôi bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng của phi hành gia Armstrong khi đi trên Mặt Trăng: Đây là bước đi của một con người nhưng cũng là bước tiến vĩ đại của nhân loại. Ta đang bước lên không phải một khối đá vô hồn mà là dấu tích của tỷ tỷ cây san hô - một loài "hữu tình" từ hàng triệu triệu năm trước.

Một ảnh trong bộ "Hang Rái Núi Chúa" của Nguyễn Văn Hợp (giải Chủ đề VQG Núi Chúa của cuộc thi "Ninh Thuận - miền di sản")

Mới bắt đầu được biết đến và khai thác từ năm 2014, dấu tích thềm san hô cổ này còn tương đối mới, nên rất cần những bàn tay xử lý khéo léo, những bước chân tiếp cận nhẹ nhàng để không làm đau những hoá thạch ngàn đời này. Được biết, Vườn quốc gia Núi Chúa đang có kế hoạch thiết kế lại phương tiện tiếp cận, làm đường dẫn bao quanh thềm san hô để không cho du khách bước lên thềm san hô nữa.

Tôi muốn nói rằng đây là một khối san hô cổ xưa nhưng cũng là dấu tích vĩ đại về hành trình của bà mẹ Trái Đất.

Nguyễn Mỹ