Có công trình lớn nào mà không phải giải phóng mặt bằng?

08/06/2010 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Thông tin về việc BTC Festival Huế 2010 cho “bứng trắng một dãy dài gần 20 cây đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi duyên dáng dọc Hộ Thành hào, ngay trước Kỳ đài Huế” để phục vụ cho sân khấu chương trình Hành trình mở cõi sẽ diễn ra vào tối 10/6 tới đây, đang gây xôn xao dư luận. Tác giả của sự kiện xôn xao nói trên, đạo diễn Lê Quý Dương, nói gì về điều này?

* Thưa đạo diễn, có nhất thiết phải bứng cây đi không để nhường không gian cho chương trình Hành trình mở cõi?

- Tất nhiên là chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, biết chắc chắn việc bứng những cây đại đi không ảnh hưởng gì tới cây và thấy thực sự cần thiết cho chương trình thì chúng tôi mới làm. Việc bứng cây đi cũng vì yêu cầu giải quyết tầm nhìn rộng thông thoáng cho số lượng khán giả lớn trên quảng trường Kỳ đài. Nếu không vì lợi ích cho khán giả thì việc gì chúng tôi phải làm những điều như vậy cho thêm vướng bận công việc của chương trình.


Hàng cây được trồng mới ở khu Kỳ đài (hình chụp năm 1994)
* Quan sát ngoài hiện trường, chúng tôi không thấy hàng cây có ảnh hưởng gì đến việc dựng cột đèn cho sân khấu?

- Không ảnh hưởng đến các cột ánh sáng nhưng sẽ ảnh hưởng tới tầm nhìn của khán giả. Công việc của một người đạo diễn không phải chỉ là dựng một chương trình cho tốt mà còn cần phải phối hợp với ban tổ chức để tạo cho khán giả một tầm nhìn tốt khi họ thưởng thức chương trình. Nếu để hàng cây đại (hay cây sứ) thì đông đảo nhân dân tới dự chương trình sẽ không nhìn thấy gì hết mà chỉ có khu khách VIP và đại biểu ngồi bên bờ Hộ Thành hào nhìn thấy thôi. Khi làm bất cứ một sự kiện nào tôi cũng luôn tính đến điều kiện tốt nhất cho việc thưởng thức của đông đảo khán giả chứ không chỉ có khách VIP và đại biểu.

* Phương án xử trí sau khi kết thúc chương trình và festival ra sao, thưa anh: khôi phục lại hiện trường hay có ý tưởng gì mới?

- Những cây đại này sẽ được chăm sóc tốt hơn và trồng lại ngay ngắn đẹp đẽ hơn sau khi chương trình đã diễn ra. Đây cũng là kế hoạch chung của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Không làm bây giờ thì sau này họ cũng vẫn phải làm như vậy. Việc di chuyển cây cối để trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử là công việc rất bình thường của những đơn vị bảo tồn, tu bổ di tích và chỉnh trang đô thị, chứ không riêng gì của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.


Kỳ đài Huế trước năm 1975 không có hàng cây phía trước
* Ban tổ chức giải thích như vậy, nhưng người dân Huế có bức xúc của họ về việc di dời hàng cây cho ngày lễ, anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ người dân Huế bức xúc vì những thông tin đưa ra sai lệch và thiếu tìm hiểu. Lịch sử nhà Nguyễn (1802 - 1945) chưa được 145 năm mà lại nói là những cây đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi là không đúng. Hơn thế, nhà Nguyễn chưa bao giờ trồng một cây đại nào trước Kỳ đài. Một người Huế bình thường cũng có thể hiểu được rằng cây đại thường chỉ được trồng trong chùa chiền miếu mạo và nơi thờ tự. Bản thân việc trồng những cây đại trước Kỳ đài do công ty cây xanh của Huế mới trồng gần đây và cũng chỉ là một giải pháp tạm thời cho chợ Đông Ba dựng tạm ở khu vực này trong thời gian làm chợ chính. Nếu những người đưa thông tin sai lệch tìm hiểu kỹ những điều đó thì sẽ không làm người dân Huế bức xúc. Tôi nghĩ khi mọi chuyện đã được làm sáng tỏ thì người dân Huế cũng sẽ hiểu.

* Chuyện di dời, theo tôi, cũng là “cực chẳng đã”. Và hàng cây, tuy không “trăm năm tuổi” nhưng vóc dáng cũng đã cổ thụ, góp thêm màu xanh quý giá cho thành phố Huế. Là đạo diễn chương trình, sao anh không tính đến phương án tận dụng môi trường quang cảnh xung quanh hiện đang là một xu hướng làm nghệ thuật công cộng, nghệ thuật ngoài trời, thay vì phải bứng cây?


Toàn bộ mặt trước Kỳ đài năm 1923
- Chọn không gian Kỳ đài cho chương trình Hành trình mở cõi là tận dụng triệt để môi trường quang cảnh cho chương trình và tiết kiệm được rất nhiều kinh phí. Nói đúng hơn, Ban tổ chức Festival Huế sẽ rất khó có đủ kinh phí để có thể dựng được một không gian như Kỳ đài cho chương trình. Bản thân tôi là một đạo diễn đã tiết kiệm rất nhiều kinh phí cho nhiều chương trình sự kiện ở nhiều nơi và làm cho không gian biểu diễn trở nên thú vị hơn là những sân khấu được thiết kế nhờ vào việc tận dụng môi trường xung quanh. Tại Festival Biển Nha Trang năm 2007, tôi sử dụng cả tòa nhà 46 Trần Phú để làm thành một con tàu khổng lồ ngay trên bờ biển. Mới đây, tại Festival Dừa Bến Tre, tôi tận dụng toàn bộ không gian khu tượng đài Đồng Khởi ở trung tâm thành phố để làm lễ khai mạc. Việc di dời những cây đại trước Kỳ đài là một việc làm “nhất cử lưỡng tiện” rất bình thường. Có công trình lớn nào mà không phải giải phóng mặt bằng?

* Xin cám ơn đạo diễn. Hy vọng sau khi thưởng thức chương trình Hành trình mở cõi đêm 10/6 tới đây, người dân Huế và khán giả cả nước sẽ giải tỏa được những băn khoăn về chuyện “giải phóng mặt bằng” này và Festival Huế thực sự tìm được không gian sống hòa hợp với đời sống đương đại mà vẫn không làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống.

Cây di dời mới chỉ 24-25 năm tuổi!

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị trực tiếp quản lý khu vực di tích Kỳ đài - Hộ Thành hào, và cũng là đơn vị phối hợp với đạo diễn Lê Quý Dương trong việc tổ chức dàn dựng chương trình Hành trình mở cõi, cho hay những cây đại được trồng dọc theo Hộ Thành hào không phải là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mà chỉ mới được Công ty Quản lý Công trình Đô thị Huế trồng trong các năm 1985-1986.

Trong thời Nguyễn (1802-1945), tại khu vực này lúc đầu người ta để trống hoàn toàn để đảm bảo tầm nhìn thông thoáng của mặt trước Kinh thành Huế. Cho đến đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn mới cho trồng một hàng dừa nước ở dải đất thấp và một hàng xà cừ ở dải đất cao phía trước Hộ thành hào. Về sau, do chiến tranh, những hàng cây này đều không còn. Vì vậy, đến trước năm 1975, khu vực này vẫn hoàn toàn để trống.

Việc trồng hàng cây này là biện pháp khắc phục tạm thời về môi trường sau khi chợ tạm Đông Ba được bố trí tại đây (trong thời gian tu sửa, nâng cấp khu chợ chính ở vị trí chợ Đông Ba hiện nay).

Cũng theo Trung tâm, tình trạng sinh trưởng của các cây đại này không đều nhau, một số cây có tán lá bị lệch, dễ gãy đổ trong mùa mưa bão nên Trung tâm đã dự tính chỉnh trang và sắp xếp lại hàng cây trên. Nhân việc tổ chức sân khấu cho chương trình Hành trình mở cõi, Trung tâm đã giao cho Đội Tôn tạo Cảnh quan di tích (thuộc Trung tâm) nghiên cứu và dịch chuyển 27 cây ở khu vực giữa hàng đến chăm sóc tại khu vực Văn - Võ Miếu, đợi sau Festival Huế sẽ trồng và chỉnh trang lại. Đội Tôn tạo Cảnh quan Di tích đã di chuyển và chăm sóc thành công một số cây đại cổ thụ tại khu vực lầu Tứ Phương Vô Sự (trên bắc Khuyết Đài, phía bắc Hoàng thành Huế) do yêu cầu của công tác trùng tu di tích.



Quỳnh Trang (từ Huế)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm