Chiều Moskva - 60 năm vẫn êm đềm

23/04/2015 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ Nigeria gió cát sa mạc đến Bangalore cổ xưa Ấn Độ hay những buổi chiều trên cảng Copenhagen ở Đan Mạch… vẫn có những thủy thủ, những công nhân xây dựng, ngư dân hay những người yêu nhạc khẽ hát hoặc huýt sáo theo Chiều Moskva (Подмосковные Вечера, Moscow Nights, Midnight in Moscow).

Bài hát năm nay tròn 60 tuổi ấy, viết về Moskva nhưng dường như trong đó không có giới hạn nào về địa lý...

Chiều Moskva khởi thủy không có một “lý lịch tròn trịa” như sau này. Nó vốn là một ca khúc được đặt hàng. Vào năm 1955, bộ phim tài liệu Những ngày Spartakiad về sự kiện Ngày hội thể thao toàn liên bang ở Liên Xô sắp được quay và người ta cần một bài hát có thể khiến khán giả chú ý hơn. Bởi khi ấy, những sân vận động ở Liên Xô thường vắng người xem, các cuộc thi điền kinh thường chẳng được mấy người quan tâm.

Và lúc ấy người được chọn đặt hàng là nhạc sĩ Vasily Solovyov Sedoy, với nhiệm vụ soạn nhạc, còn phần lời giao cho nhà thơ Mikhail Matusovsky, người rất nổi tiếng với những vần thơ bay bổng.

Số phận kỳ lạ

Những giai điệu đầu tiên của Chiều Moskva được Sedoy sáng tác khi ông đang ở Kareli thuộc tỉnh Kamarovo (Leningrad). Ông hoàn thành phần nhạc trong một nhà nghỉ cuối tuần và vợ ông, Tachiana Riabova, là khán giả đầu tiên. Sau đó nhà thơ Mikhail Matusovsky đặt lời với 4 đoạn.

Lời bài hát rất đẹp khi kể về tình yêu của một trai gái cùng nhau ngồi ngắm buổi chiều lặn, tất cả cùng lặng yên, ánh sáng từ những dòng suối chảy như làm từ bạc của mặt trăng, chiều lặng bâng khuâng, có những điều “Nói cũng khó, không nói ra cũng khó/Tất cả những gì trong trái tim ta”… Sáng tác xong cả hai nhạc sĩ và nhà thơ thống nhất đặt tên ca khúc là Chiều Leningrad.


Vasily Solovyov Sedoy, tác giả phần giai điệu Chiều Moskva

Nhưng sau khi nộp tác phẩm thì cả hai lại bị nhận những ý kiến cho rằng lời bài hát ủy mị quá, yếu đuối quá và không biết có nên cho vào bộ phim này hay không. Cuối cùng, bài hát được sửa một vài đoạn lời và đặt lại tựa đề, tên chính thức sẽ là Chiều Moskva.

Sau khi trải qua nhiều vòng kiểm duyệt như thế, Chiều Moskva chính thức được đưa vào bộ phim tài liệu trình chiếu. Nhưng đáp lại sự hy vọng lớn lao của 2 tác giả, Chiều Moskva sau khi được phát sóng, gần như không được ai biết tới.

Quá thất vọng, nên có lúc Sedoy đã muốn ném đứa con tinh thần này vào sọt rác. Nhưng như nhiều tác phẩm bất hủ khác, có những câu chuyện phía sau ít ai được biết, chúng long đong, đầy mồ hôi vất vả trước khi ra được ánh sáng rạng ngời, Chiều Moskva cuối cùng tìm được ánh sáng của mình. Đó là khi Vladimir Konstantinovich Troshin, ca sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, đã thuyết phục nhạc sĩ để ông hát thử bài này. Lúc ấy, Troshin nhận được lời mời của đài phát thanh muốn ông hát một số bài trong bộ phim tài liệu trên, ông yêu cầu phải được hát Chiều Moskva. Và yêu cầu đã được đáp ứng. Người phối nhạc và chỉ huy là nhạc trưởng Viktor Knushevitsky, chỉ đạo nghệ thuật dàn nhạc của Đài Phát thanh toàn Liên bang.

Bài hát chỉ thu đúng một lần và ngay hôm sau nó được phát trên hệ thống phát thanh trung ương. Từ lúc đó, Chiều Moskva đã trở thành bất hủ.

Bài hát không biên giới

Chiều Moskva nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc được đề nghị phát thanh nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả Liên Xô trước đây. Từ năm 1964, giai điệu bài ca này được lấy làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Tin tức và Âm nhạc Hải đăng ở Liên Xô. Cứ 30 phút nó lại được phát một lần.

Năm 1957, trước sự ngạc nhiên của chính hai tác giả khi họ không hề đưa bài hát đi thi, ca khúc này giành giải cao nhất (huy chương vàng) trong cuộc thi ca khúc quốc tế tại Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới tổ chức tại Moskva. Và từ đó nó lại càng lan rộng, nhất là khi danh cầm thủ huyền thoại, Van Cliburn độc tấu khi lưu diễn quốc tế vào năm 1958.

Lúc ấy Chiều Moskva đã đạt đến ngưỡng nổi tiếng không thể tưởng tượng được. Dù màn sương chiến tranh lạnh vẫn dày đặc nhưng nó vẫn xuyên qua và được đón nhận nồng nhiệt tại phương Tây. Năm 1962, nhóm jazz của tay kèn Kenny Ball đã khuynh đảo trên các bảng xếp hạng ở Mỹ nhiều tuần liền với bài hát này (được dịch thành Midnight in Moscow và bán hơn 300.000 đĩa). Cùng năm ấy, nhóm tam tấu folk huyền thoại The Chad Mitchell Trio, cũng chuyển ngữ bài này sang tiếng Anh với nội dung gần như không thay đổi so với nguyên bản, và cũng rất thành công.

Chiều Moskva đi đến đâu, thắng tới đó, từ Trung Quốc, các nước Đông Âu sang tận Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Ấn Độ, Việt Nam… và trở thành một trong số ít những ca khúc Nga được đón chào nồng nhiệt tại nước ngoài. Nhiều người cho rằng bài hát này còn nổi tiếng còn hơn cả Triệu đóa hồng với tiếng hát của Alla Pugacheva.

Năm 2004, ca sĩ người Bỉ Helmut Lotti (sinh năm 1969) đã gây ấn tượng với thế giới khi anh trình diễn bản tiếng Anh của ca khúc kinh điển này, dưới tựa đề Moscow Nights, trong album From Russia With Love. Năm 2010, ca sĩ nổi tiếng người Nga, Vitas, một lần nữa đem Chiều Moskva trở lại và tiếp tục thành công.

Chiều Moskva có rất nhiều phiên bản khác nhau, hoặc hòa tấu hoặc được chuyển ngữ, từ Pháp đến Brazil, từ Nigeria đến Trung Quốc. Tuy vậy không phải phần chuyển ngữ nào cũng sát với bản gốc. Chẳng hạn như bản tiếng Pháp của ca sĩ nổi tiếng Mireille Mathieu, Le Temps Du Muguet, thì đó lại là cảm xúc đối với mùa hoa linh lan nở vào tháng 5 chứ không liên quan gì đến vẻ đẹp vùng ngoại ô Moskva.

Nhưng dù có thay đổi gì chăng nữa, phần giai điệu của bài hát này vẫn mang đến đầy cảm xúc, bay bổng và lãng mạn. Tại Việt Nam bài hát rất nổi tiếng qua giọng hát của Trung Kiên, Quang Huy, Quang Thọ… Tuy vậy, phần chuyển ngữ tiếng Việt được xem là hay nhất thì đến giờ vẫn không biết ai là tác giả. Còn người đầu tiên chuyển lời bài này sang tiếng Việt là ông Vương Thịnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Chiều Moskva đã đi đến cột mốc 60 năm nhưng dường như nó chỉ làm sâu đậm thêm niềm nhớ của nhiều thế hệ người nghe. Bài hát này có sức mạnh riêng của nó. Nhiều người cho rằng qua giai điệu của Chiều Moskva, nhiều người sẽ hiểu thêm được khí chất nước Nga, sự vĩ đại và chiều sâu tâm hồn của nó.


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm