Chào tuần mới: Du Xuân để lễ lạt hay thưởng ngoạn?

18/02/2019 07:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng Giêng mở đầu cho một năm thường được mọi người nhớ đến qua câu ca dao: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” – hàm ý rằng đây là tháng nghỉ ngơi hưởng thụ sau một năm làm lụng vất vả.

Hết Tết, còn Xuân

Hết Tết, còn Xuân

Tròn một tuần trước, chúng ta còn đang hào hứng chào đón những giờ phút đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi. Để rồi bây giờ, dù phía trước còn một ngày rằm tháng Giêng theo truyền thống, ai cũng hiểu: Tết âm lịch đã thật sự chấm dứt và nhường chỗ cho chuỗi ngày thường.

Một câu khác trong dân gian cũng nói về tháng Giêng đó là “Cúng giỗ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” với ngụ ý Rằm tháng Giêng thì việc cúng lễ là quan trọng hơn cả các ngày cúng giỗ khác trong năm…

Nhiều năm gần đây, dịp Rằm tháng Giêng còn là thời điểm người dân chọn lựa để dâng sao giải hạn đầu năm, và theo quan niệm của nhiều người thì thời điểm này rất “linh nghiệm”.

Trong mấy ngày vừa qua, câu chuyện người dân tại thành phố Hà Nội và TP.HCM chen nhau dâng lễ giải hạn tại các ngôi chùa đầu năm mới, đã tạo ra những ý kiến trái chiều.

Việc dâng sao giải hạn thực hư ra sao vẫn còn chưa rõ ràng, thế nhưng trong cuộc sống đôi khi vấn đề tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan chỉ là khoảng cách rất nhỏ, rất nhạy cảm. Quan trọng vẫn là việc nhận thức và ý thức của cộng đồng.

Chú thích ảnh
Người dân đi lễ đầu năm. Ảnh: Internet

Thượng tọa Thích Hạnh Bình - Giám đốc Trung tâm Phật học Hán truyền - cho rằng: “Mỗi một việc rủi ro xảy ra trong cuộc sống đều có lý do. Tất cả đều nằm trong vòng quay của luật nhân quả.

Bởi vậy, mọi người chỉ cần sống có tấm lòng hướng thiện, làm nhiều việc có phúc đức để đời thì sẽ gặp nhiều may mắn và biến họa thành phúc. Nếu sống không hướng thiện, không tử tế thì có dâng sao giải hạn hoành tráng đến đâu cũng chưa chắc gặp được điều lành”.

***

Vào dịp đầu Xuân năm mới, các lễ hội nở rộ trên khắp mọi miền cả nước. Bên cạnh mục đích tâm linh, thì các lễ hộicũng là ngày hội văn hóa trong làng, xã hay thậm chí là một “festival văn hóa” của cả vùng miền, tạo sân chơi lành mạnh cho cả cộng đồng.

Tôn trọng mục tiêu lễ lạt của mỗi người nhưng cá nhân tôi cho rằng, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế thật thoải mái khi tham gia các lễ hội đầu Xuân. Sau khi thực hiện những phần nghi lễ, chiêm bái để tâm hồn mình được bình an, hướng thiện… chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn để vãn cảnh thiên nhiên,thưởng ngoạn những nét đẹp văn hóa vùng miền, giao lưu, gặp mặt bạn bè, tham gia các trò chơi dân gian… Ngoài ra nhiều lễ hội cũng là nơi ôn lại những truyện xưa tích cũ hoặc là giai thoại liên quan đến lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh.

Tôi nghĩ rằng du xuân lễ hội với tâm thế như thế sẽ hữu ích hơn là việc chỉ chăm chăm vào việc sắm sửa lễ vật, dâng lễ, cầu xin quan tước, tài lộc, thậm chí cướp lộc… - đó là những điều không hẳn là văn hóa tâm linh đích thực.

Hãy cùng nhau du Xuân thưởng ngoạn đầu năm và hãy làm những việc có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Cá nhân mỗi người sẽ luônđược hưởng hay phải đón nhận “nhân quả” cho những việc làm của chính mình, chứ không thể “cầu xin” ai được.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm