Chào tuần mới: 16.000 km về Việt Nam và 5km đi làm

24/06/2019 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi làm đám cưới với cô gái Việt Nam, rồi về Pháp sinh sống, anh chồng người Pháp đã ngỏ ý với vợ: “Hay là năm sau tụi mình đạp xe từ Pháp về Việt Nam. Được không em”?...

Vòng xe đạp, vòng thời gian

Vòng xe đạp, vòng thời gian

Cách đây cũng chưa lâu, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xe đạp. Cây xăng gần như không có trong thành phố, người ta cũng không phải đau đầu vì khói bụi và tiếng còi xe.

Câu chuyện cổ tích của họ cũng bắt đầu từ đó và cho đến thời điểm này, họ vẫn đang trên hành trình đạp xe 16.000km từ Pháp về Việt Nam, kết hợp nghỉ tuần trăng mật và thực hiện một dự án từ thiện. Họ không quên mang theo xe chiếc nón lá - một biểu tượng của văn hóa Việt Nam - “nón lá” cũng được họ lấy làm tên cho hành trình này.

Đạp xe là một môn thể thao hiện nay được nhiều người Việt Nam ưa thích. Cái thú của đạp xe thì ai cũng biết, đó là được thong thả khám phá cuộc sống xung quanh, tận hưởng thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, được sống chậm, sống bình an… Thói quen đi xe đạp sẽ góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe, tai nạn giao thông...

Chú thích ảnh
Cặp đôi đạp xe từ Pháp về Việt Nam. Ảnh: Internet

Thêm vào đó, việc đạp xe thường xuyên giúp cho chúng ta có được sức khỏe tốt. Có nhiều bài tập cũng như nhiều loại địa hình phù hợp cho mọi đối tượng tham gia đạp xe. Bắt đầu là đạp xe rèn luyện thể lực, rồi dần dần chúng ta có thể đạp xe đi làm, đi học, đi du lịch...

Phải, tại sao chúng ta không đi du lịch bằng xe đạp, mà cứ nhất thiết phải “phượt” bằng xe máy, hoặc thuê ô tô, mua vé tàu hỏa, máy bay? Hãy nghe cặp vợ chồng trên chia sẻ: “Thật ra, du lịch bằng xe đạp cũng ít tốn kém. Mình cũng có thể tự do di chuyển, độc lập trên hành trình. Thức ăn có thể tự nấu, chỗ ngủ thì cắm trại hoặc ở nhờ nhà dân”. Nhiều người cho rằng tuần trăng mật phải là kỳ nghỉ yên ả bên bãi biển hay đồi núi, còn với đôi vợ chồng trẻ này, “ở bên nhau đã là hạnh phúc”.

Trở ngại chính cho cái đam mê này vẫn là ý chí và sức khỏe. Tôi có biết mấy anh bạn tham gia câu lạc bộ đạp xe, ngày đầu thử sức chỉ với hơn 20km, có anh đã bó cứng chân, khi về chân không nhấc nổi, phải nghỉ hàng tuần mới hồi phục, tưởng chừng như phải bỏ. Rồi bằng sự chịu khó luyện tập cũng như sự đam mê, các anh cũng vượt qua được giai đoạn đầu khó khăn.

Với cặp vợ chồng trẻ này cũng không phải ngoại lệ, mặc dù đã có sự chuẩn bị thế nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Những ngày đầu, cô vợ trẻ cũng đuối sức vì quãng đường vượt quá sức chịu đựng, nhưng rồi với ý chí, tình yêu, họ đã vượt qua được quãng đường quan trọng của hành trình.

Câu chuyện về họ đã khơi gợi cảm hứng cho mọi người về chiếc xe đạp. Không biết từ bao giờ, đa số chúng ta có thói quen cứ ra khỏi nhà là leo lên xe máy, bất kể quãng đường là ngắn hay dài. Với sự tiện lợi, cơ động của chiếc xe máy, nhiều người dần dần “nhiễm” thói quen “đua tranh” trên đường: đi nhanh, đi luồn lách, phi lên vỉa hè, đi tắt qua ngõ ngách... Không ít người coi phóng xe tới đích sớm hơn thường lệ vài phút là một “thắng lợi” trong “cuộc chiến” trên đường. Việc đi lại không còn ý nghĩa để rèn luyện thân thể hay cảm nhận cuộc sống xung quanh nữa.

Chuyển sang đạp xe vừa là rèn luyện sức khỏe, vừa là thay đổi lối sống, cách hành xử của mình trên đường. So với 16.000km từ Pháp về Việt Nam thì quả thật quãng đường đi làm hàng ngày của mỗi người chỉ là con số rất nhỏ. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện có thể đạp xe đi học, đi làm nếu con số đó trong khoảng 5km? Còn trong vòng bán kính 2-3km thì hoàn toàn có thể đi bộ được?

Sẽ có muôn vàn khó khăn khi chúng ta từ bỏ sự cơ động của chiếc xe máy để chọn xe đạp, xe buýt, hay đi bộ. Nhưng hãy thử nghĩ đến lợi ích của việc này…

Hy vọng rằng, hành trình dài dằng dặc của của đôi vợ chồng trẻ này sẽ khơi dậy những hành trình đạp xe ngắn hơn cho chúng ta bắt đầu từ tuần này.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm