Căng thẳng giữa ngành công nghiệp âm nhạc với YouTube ngày một trầm trọng

04/06/2016 16:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – Cuộc chiến không hồi kết giữa ngành công nghiệp âm nhạc với YouTube về vấn đề bản quyền đang có dấu hiệu ngày một căng thẳng.

Ngành công nghiệp âm nhạc đang gây chiến với YouTube. Đây là tin đã quen thuộc. Trong hàng thập kỷ qua, hai bên đã tranh cãi về số tiền YouTube phải trả các hãng đĩa để có thể giữ lại các bài hát và MV trên trang của mình. YouTube nói sẽ chi 3 tỉ đô – con số mà YouTube cho là rất lớn. Đáp lại, ngành công nghiệp âm nhạc cho biết Spotify cũng chi tương tự trong khi không được cung cấp MV và ít stream hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến gần đây đang trở nên gay cấn hơn bao giờ.

Các nghệ sĩ và quản lý của họ như được tiếp thêm sức khi báo cáo của Hiệp hội thu âm Mỹ RIAA hồi tháng Ba cho thấy doanh thu từ việc bán đĩa than năm 2015 cao hơn cả khoản thu từ YouTube. Các ông trùm trong giới như Irving Azoff đã quyết định trừng phạt YouTube còn các nghệ sĩ bao gồm Katy Perry, Billy Joel và Rob Stewart đã kiến nghị Chính phủ Mỹ sửa đổi Đạo luật Bản quyền Kỹ thuật số Thiên niên kỷ (DMCA). Các hãng đĩa cũng bắt đầu đàm phán lại về các thỏa thuận với YouTube.



Bản quyền của các sản phẩm trên YouTube là vấn đề gây tranh cãi hàng thập kỷ nay

Theo ngành công nghiệp âm nhạc, DMCA – được thảo ra năm 1998, hiện đã lỗi thời và cần được viết lại. Khiếu nại lớn nhất về DMCA là quá trình gỡ xuống một nội dung không có giấy phép quá phức tạp, và kể cả khi đã được gỡ xuống, nó có thể được đăng lại ngay lập tức mà không phải chịu trách nhiệm nhờ vào Cảng an toàn trong đó giới hạn trách nhiệm của các trang điện tử khi lưu trữ nội dung không giấy phép do người dùng đăng lên.

Việc thay đổi DMCA, đặc biệt là điều khoản về Cảng an toàn, có thể gây tác động rất lớn tới YouTube nói riêng và với nền kinh tế mạng nói chung. Một số chuyên gia cảnh báo, các công ty nhỏ và người dùng cá nhân sẽ dễ rơi vào kiện tụng, bị kiểm duyệt chặt chẽ nếu quy định được sửa đổi.

Ngành công nghiệp âm nhạc cho rằng Cảng an toàn gây bất lợi cho người giữ bản quyền khi người dùng YouTube thoải mái đăng các bài hát có bản quyền. Youtube phản bác lại rằng 99,5% các bản ghi có bản quyền được quản lý bằng Content ID. Họ chỉ cần đăng tải các ca khúc lên một lần và thuật toán của YouTube sẽ phân tích nó. Các hãng đĩa sẽ kiếm được tiền đối với các nội dung Content ID nhận dạng được. 

Tuy nhiên, hãng đĩa lại phản đối rằng vấn đề ở chỗ Content ID không nhận diện được hết các bản  ghi. Theo tập đoàn Universal Music, Content ID không nhận diện được tới 40% các sản phẩm đăng tải trên YouTube.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ - ông Cary Sherman cho rằng YouTube là một công ty hợp pháp nhưng đang lợi dụng DMCA để đàm phán. Các nội dung vẫn sẽ được đăng lên dù hãng đĩa thích hay không.

Ngược lại, một số chuyên gia trong ngành như Schrupers chỉ ra rằng YouTube có những công cụ tiên tiến nhất để bảo hộ bản quyền. Content ID có thể chặn được việc đăng tải các ca khúc nếu người giữ bản quyền cung cấp bản tham khảo cho Youtube. Tuy nhiên, YouTube cho biết các hãng đĩa chỉ lựa chọn cách này đối với 5% số sản phẩm của họ. 

Ngành công nghiệp âm nhạc lại tố ngược rằng YouTube không thể gỡ hết được các ca khúc mà họ muốn. Ngoài ra, hãng Warner Music cho biết, trong vòng 9 tháng, họ đã phải chi gần 2 triệu USD để đảm bảo các sản phẩm của họ không bị lan truyền trên YouTube.

Theo ngành công nghiệp âm nhạc, YouTube hoàn toàn có thể thay đổi một số chính sách cho phù hợp. Ví dụ như cải thiện Content ID, cho phép tất cả các nghệ sĩ được sử dụng công cụ này, thay vì chỉ một vài hãng lớn phù hợp với tiêu chí của YouTube. 

Căng thẳng đôi bên ngày một nảy lửa, tuy nhiên, cả hai hi vọng sẽ có được những cuộc đàm phán mang tính xây dựng. YouTube sẽ không còn là YouTube nếu thiếu âm nhạc, còn ngành công nghiệp âm nhạc thì hiểu rằng các dịch vụ stream là tương lai của mình.

Giả Bình (Theo Vervge)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm