Cần ban hành "hương ước" cho Hà Nội

10/12/2012 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bún mắng, cháo chửi, hoa tặc… là những "đặc sản" bất đắc dĩ hình thành trong cách ứng xử của người Hà Nội. Và sau khi "siết" nhập cư để tạo bước đà về mặt định lượng, giờ người Hà Nội đang định tính về cuộc "đào tẩu" khỏi những thảm họa văn hóa trên để trở về với "thể hoa nhài" vốn có của người Tràng An.

Hội thảo Góp ý Xây dựng Hệ thống Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng Người Hà Nội Thanh lịch, Văn minh diễn ra ngày 8/12 vừa qua cũng phục vụ cho sự trở về ấy.  

Chuyện ở phường "hợp chủng quốc"

"Văn hóa tiểu nông đã in hằn trên khắp các vỉa hè Hà Nội. Mọi người đều mặc nhiên coi vỉa hè trước nhà là của mình. Hệ lụy tất yếu là bộ mặt đô thị nhếch nhác, vẹo vọ. Hơn thế, người Hà Nội đang thờ ơ vô cảm, ít quan tâm đến hàng xóm, ít nụ cười, cái gật đầu chào hỏi" - TS Lê Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu thẳng vào thực trạng buồn của Hà Nội.

Có nhiều giải pháp khác nhau, thậm chí trái chiều nhau được đưa ra để cải thiện hành vi cư xử của người Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ dừng lại ở góc độ…lý thuyết và chưa được kiểm chứng qua thực tiễn. Duy có câu chuyện thuyết phục ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội - phường mệnh danh là "hợp chủng quốc" vì có tới hơn 1.000 người nước ngoài thuê nhà với hơn 50 quốc tịch. Nhưng lối hành xử của hàng ngàn dân vãng lai kia không vì thế mà lộn xộn, ô hợp.

Người Hà Nội tìm về với phong tục văn hóa xưa. Ảnh Nhật Anh - TTXVN

Ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ (một trong số ít cán bộ cơ sở tới tham dự hội thảo) chia sẻ: "Quận Tây Hồ có hương ước từ triều Nguyễn năm 1924, những lối hành xử, những cách giải quyết vấn đề được hương ước quy định. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, lệ làng không còn được như trước, nhưng chúng tôi cụ thể hóa những hương ước thành những quy ước nếp sống văn minh tại khu dân cư. Khi chúng ta đủ đầy, ta cần những con người tử tế hơn. Từ những con người tử tế đó, ta sẽ có gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, phường văn hóa và Thành phố văn hóa".

Theo ông Phương, "tấm biển Gia đình văn hóa không phải là câu chuyện chạy đua thành tích mà là thái độ đáng trân trọng của những cá nhân, gia đình, khu dân cư đối với các giá trị văn hóa. Họ sống và làm ăn đàng hoàng, thực hiện nghiêm chỉnh quy ước về cách ứng xử".

Câu chuyện Quảng An cũng chứng tỏ trong mọi trường hợp, người bản địa luôn là chủ thể và quyết định cách hành xử của cộng đồng. Nếu người bản địa thực hiện nghiêm túc, mẫu mực, khách tới sống vãng lai sẽ làm theo. "Chúng ta đừng ngụy biện rằng "hương ước" xưa chỉ áp dụng cho mô hình xã hội tĩnh, Hà Nội giờ là xã hội động vì có nhiều luồng di cư" - ông Phương nhấn mạnh.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa, báo Nhân dân, đồng thuận: "Tôi cho rằng để hiện thực hóa những bộ quy ước trên, ta phải đi từ cá nhân, gia đình rồi nhân rộng ra. Làm sao để người Hà Nội phải biết tự trọng trước hành vi của mình".

"Nên xử phạt mạnh tay!"

GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với phóng viên bên ngoài hội thảo

Nội dung "Thanh lịch, Văn minh" đã có, nhưng cách thức xử lý những người phá "hương ước" là vấn đề nhiều người nêu ra.

Chia sẻ với TT&VH, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay: "Xã hội có hai chuẩn mực chính, chuẩn mực pháp lý và chuẩn mực đạo lý. Trong một số trường hợp, từ chuẩn mực đạo lý dần chuyển thành chuẩn mực pháp lý. Hành vi ứng xử của con người cũng nên như vậy. Hương ước xưa phạt tiền, đánh roi, nặng hơn nữa là xóa tên khỏi làng. Nay ta cũng nên luật hóa một số hành vi ứng xử quá trớn. Việc vứt rác, vứt bã kẹo, hút thuốc nơi công cộng, nếu phạt nặng và làm nghiêm túc, ta sẽ chấn chỉnh được".

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, trước đó văn hóa Hà Nội và Hà Tây (cũ) không có những sự khác biệt lớn. Hà Nội cần sàng lọc những giá trị đặc sắc của từng vùng rồi xây dựng một bộ quy chế chuẩn mực chung bao trùm cả văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài".

PGS-TS Trương Mạnh Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường mở rộng vấn đề: "Singapore đã phạt đánh roi cả công dân Mỹ khi người này có hành vi không đúng mực ở quốc đảo Sư tử. Nếu ta xây dựng một bộ quy tắc ứng xử với những điều khoản rõ ràng và luật phạt nghiêm ngặt đến vậy, nhất định ta nếp sống thanh lịch sẽ trở về. Phải xử phạt thật nghiêm khắc".

Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhận rõ thực tế: "Chặng đường xây dựng Người Hà Nội Thanh lịch, Văn minh sẽ rất dài và gian nan, không phải là chuyện một sớm một chiều".

Bộ Quy tắc Ứng xử nhằm xây dựng Người Hà Nội Thanh lịch, Văn minh sẽ được lấy ý kiến, thảo luận trong vòng 6 tháng. Sau đó bộ quy tắc sẽ được xây dựng và áp dụng thí điểm vào quý 2/2014 tới quý 2/2015. Những bất cập sẽ được điều chỉnh rồi ban hành chính thức" (Phát biểu của ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội). 

***

Nên "nhất thể hóa" các quy ước khu dân cư

"Việc xây dựng quy tắc ứng xử chúng ta nên làm từ lâu, vì những hương ước cổ của Hà Nội có từ thế kỷ XV. Sau khi ta xây dựng xã hội mới, có nhiều hương ước không được dùng nữa. Khi bắt đầu quá trình Đổi mới, ta có khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước nhưng ở nông thôn là chủ yếu. Các khu dân cư thành phố có những quy ước văn hóa trong phong trào "toàn dân xây dựng đời sống văn hóa". Thành phố có thể "nhất thể hóa" thành một bộ quy tắc ứng xử chung" (Phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết)

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm