Cải lương: Còn khủng hoảng đến bao giờ? (Bài 1)

01/12/2009 09:51 GMT+7 | Văn hoá

Cải lương: Còn khủng hoảng đến bao giờ?

     Lời dẫn

     Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc đang diễn ra tại rạp Hưng Đạo (TP.HCM) từ ngày 17/11 đến hết ngày 1/12. 24 đơn vị tham gia Hội diễn với 27 vở diễn, trong đó có 24 vở diễn được dựng mới trong năm 2009, nhưng trên thực tế nhiều đơn vị chỉ thỉnh thoảng mới diễn vài suất cải lương, thậm chí có sân khấu cả năm không diễn suất nào! Và dù 5 năm mới có một lần và diễn ra ở ngay tại cái nôi của sân khấu cải lương nhưng “nửa chặng đường hội diễn” đã đi trong “thầm lặng”, tất cả các suất diễn đều không bán vé. 


     Một sự thật là cải lương vẫn vật vã trong cơn khủng hoảng. Nếu như kịch nói TP.HCM đã tìm ra lối thoát và tạm thời phát triển thị trường khá ổn định, thì cải lương ở nơi sinh ra nó vẫn chưa tìm thấy đường ra dẫu hàng tỷ đồng đã được đổ vào các vở cải lương “hoành tráng” (từ Kim Vân Kiều đến Chiếc áo thiên nga).  

     Vậy thì Cải lương còn khủng hoảng đến bao giờ? Trong quá khứ, cải lương đã vượt qua những cuộc khủng hoảng nội tại như thế nào? Và giờ đây, đâu là lời giải đúng cho những “thử nghiệm” cải lương đương đại?


     Những chương trình cải lương tổng hợp được làm theo công thức: tập hợp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, diễn trích đoạn, xen kẽ cải lương với tân nhạc, tấu hài có vẻ “ăn nên làm ra” trong tình hình sân khấu cải lương hiện nay.

Tổ chức chuyên đề: NGỌC TUYẾT - THU THỦY



(TT&VH Cuối tuần) - Hơn một năm nay, đời sống sân khấu cải lương TP.HCM có vẻ nhộn nhịp với hàng loạt những suất hát “nghẹt rạp” cùng sự trở lại của nhiều tài danh, sự ra đời của những sân khấu mới với quyết tâm đưa cải lương vượt qua thời kỳ khốn khó. Trong giai đoạn mà chỉ có ai quá liều hoặc … khùng mới dám đầu tư cho cải lương thì những nỗ lực để sân khấu cải lương sáng đèn là rất đáng trân trọng.

Không thể chỉ mãi “sống” bằng “niềm tin”

Ngày 15/10/2004, dưới sự khởi xướng của tác giả Hoàng Song Việt và NSƯT Hữu Quốc, hơn 30 “tấm huy chương vàng triển vọng Trần Hữu Trang” đang rải rác khắp nơi đã tụ hội về TP.HCM lập nên nên nhóm Thắp sáng niềm tin (TSNT) nhằm “giữ lửa” cho cải lương. Điều quan trọng của cuộc tụ hội này là các nghệ sĩ trẻ sẽ có một sàn diễn ổn định để rèn nghề và nuôi nghề.


 Vở Chiếc áo thiên nga
Giữa lúc cải lương thời kinh tế thị trường qui tụ nhiều sao và diễn trích đoạn, thì nhóm TSNT chủ trương giữ truyền thống, dàn dựng nguyên tuồng cải lương và chú trọng tới những kịch bản mới, giàu chất văn học, gửi nhiều thông điệp. Sự có mặt của TSNT thực sự đã mang đến cho cải lương thành phố một luồng gió mới, tươi trẻ. Bên cạnh những vở tuồng kinh điển đã “sống” hàng mấy chục năm trời, khán giả cũng dần biết đến những: Cung đàn nào cho em, Sắc xuân gởi lại, Khát vọng vương quyền, Phúc Lộc Thọ… và những cái tên mới toanh : Lê Tứ, Mỹ Hằng, Lê Hồng Thắm, Thy Phương, Quỳnh Hương, Thy Trang… bắt đầu hết xa lạ.


Tuy nhiên, dù được đánh giá cao về chất lượng các vở diễn cũng như sự nghiêm túc, hết mình trong ca diễn của các nghệ sĩ trẻ nhưng lượng khán giả đến với nhóm vẫn hạn chế. Những suất hát của nhóm thường chỉ đông vui vào ngày khai trương vở mới (cũng không kín rạp) và vơi dần từ suất thứ hai trở đi. Đời sống các vở rất ngắn, chỉ diễn được 2-3 suất rồi ngưng đến hai ba tháng sau mới diễn đáo lại mà lượng khán giả vẫn đìu hiu, có suất hát khán giả ngồi chưa đầy hai hàng ghế! “Thời buổi này không có ngôi sao làm sao diễn được. Nghệ sĩ TSNT ca hay diễn giỏi thật đấy nhưng tên tuổi vẫn không đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp mà nhóm thì đâu phải lúc nào cũng có tuồng mới để khán giả tò mò đến xem”, một khán giả trung thành của TSNT lý giải.

TSNT là đơn vị hoạt động theo phương thức xã hội hóa của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và tác giả Hoàng Song Việt là người đứng mũi chịu sào, người đổ sức, đổ của để duy trì nhóm. Nhà hát chỉ hỗ trợ kinh phí dựng 2vở/năm còn mọi hoạt động biểu diễn khác nhóm phải tự lo. Mỗi năm ông Việt đổ ra không dưới 50 triệu đồng để duy trì đều đặn một suất hát/tuần cho nhóm ở rạp Hưng Đạo. Và có lẽ TSNT là nhóm nghệ sĩ duy nhất không hề biết được mình sẽ được lãnh bao nhiêu tiền sau mỗi đêm diễn; có lẽ đây là đoàn hát duy nhất mà anh kép chánh lãnh lương còn thấp hơn hậu đài, quân sĩ. Khó mà tưởng tượng được trong khi các nghệ sĩ chỉ hát sô một bài ca cổ là đã có thể bỏ túi vài triệu đồng thì ở đây người nghệ sĩ vắt kiệt sức mình trên sân khấu suốt hơn hai giờ đồng hồ mà cao nhất cũng chỉ lãnh được 350 ngàn đồng. “Ở đây các bạn hoàn toàn không sống được từ những suất diễn của nhóm mà phải tự bươn chải đi sô bên ngoài. Nhưng các bạn quyết bám trụ vì đây là nơi để người nghệ sĩ thực sự được sống với nghề. Chỉ có lòng yêu nghề, say nghề cháy bỏng mới có thể giúp các bạn trẻ trụ được đến ngày hôm nay”, tác giả Hoàng Song Việt bộc bạch.

Cùng chung số phận với nhóm TSNT là sân khấu Bình Thới đóng tại trung tâm văn hóa quận 11 của Công ty DVTM Hoàng Anh Tú ra đời năm 2008 cũng với quyết tâm khôi phục cải lương, cũng chủ trương diễn tuồng dài, tận dụng lực lượng nghệ sĩ trẻ đã khẳng định mình qua các giải thưởng (Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ…) chứ không tăng cường ngôi sao ăn khách. Thế nhưng chỉ sau vài suất ra mắt thì đã đuối ngay và đến nay vẫn chưa có vở thứ hai. Ông Nguyễn Châu Tú, tổng giám đốc công ty, bộc bạch: “Tôi vẫn rất yêu và muốn làm cải lương nhưng đụng vào mới thấy làm cải lương thời nay nó khó trăm đường…”. Thế là thêm một nỗ lực dang dở để sân khấu cải lương được sáng đèn.


Nhóm Thắp sáng niềm tin (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) vừa kỷ niệm
sinh nhật lần thứ 5 của mình. Hiện hoạt động của nhóm rất khó khăn


Ngôi sao hội tụ: vẫn không thể sáng đèn

Năm 2008, một loạt những chuyên đề sân khấu cá nhân của các nghệ sĩ ra đời đã làm nức lòng người hâm mộ như: Dòng nghề tâm sử của “gia tộc cải lương” Bầu Thắng - Minh Tơ; NSƯT Vũ Linh: Nhất long, lục phụng, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm: 20 năm đôi tình nhân sân khấu, Cẩm Thu: Bài ca tặng mẹ, Chiêu Hùng: Dòng sông và nỗi nhớ, Bình Tinh: Tạ tình tri ân, NSƯT Kim Tử Long: Hoài niệm trong tôi… Các chuyên đề mang tính kỷ niệm này được bản thân nghệ sĩ đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng nên được khán giả rất đón nhận. Đặc biệt những suất diễn của NSƯT Vũ Linh, Kim Tử Long đã tạo nên những cơn “địa chấn” khán giả vì đã lâu rồi hai nghệ sĩ thuộc hàng tài danh bậc nhất thế hệ nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975 mới quay lại sàn diễn. Tuy nhiên mẫu số chung của những chương trình này vẫn là sự hiện diện của những trích đoạn cũ trong những vở tuồng đã quen thuộc với khán giả hàng chục năm nay.

Bên cạnh đó, một loạt những chương trình tổng hợp khác với công thức: tập hợp nhiều ngôi sao, diễn trích đoạn cũng thường xuyên được tổ chức và có vẻ “ăn nên làm ra” khi luôn kéo được khán giả đến kín rạp dù giá vé khá cao. Tiết mục biểu diễn cũng toàn… đồ cũ chưa nói đến việc bị xào qua, nấu lại từ chương trình này sang chương trình khác, tới mức chỉ nghe giới thiệu thành phần nghệ sĩ là có thể đoán được các tiết mục biểu diễn: nếu NSƯT Vũ Linh thì sẽ là các trích đoạn Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (với nghệ sĩ Trinh Trinh), Hòn vọng phu, Giũ áo bụi đời (với NSƯT Thanh Thanh Tâm), Tình sử Dương Quý Phi (với nghệ sĩ Tú Sương); NSƯT Kim Tử Long thường chọn diễn Lục Vân Tiên, Bến phà kỷ niệm, Bài ca cổ Thành phố buồn; NSƯT Lệ Thủy thường xuyên diễn lại Tô Ánh Nguyệt, Lá sầu riêng, Đêm lạnh chùa hoang… cùng NSƯT Minh Vương; gặp NSƯT Bạch Tuyết thế nào cũng nghe Đời cô Lựu, Tiếu ngạo giang hồ, Thái hậu Dương Vân Nga… Đây đều là những lớp diễn hay nhất trong những vở tuồng vào loại hay nhất của sân khấu cải lương nhưng xem hoài thì cũng phải ngán như món ngon ăn nhiều quá ắt bội thực.

Nếu những chuyên đề sân khấu cá nhân của nghệ sĩ được chuẩn bị khá chu đáo thường đảm bảo được tính nghệ thuật thì những chương trình tổng hợp thông thường dù có nhiều ngôi sao thì chất lượng vẫn rất khó đoán. Có những chương trình chỉ là sự ghép nối rời rạc của những trích đoạn, nghệ sĩ tập tuồng vội vã thậm chí không có thời gian tập tuồng nên tình trạng quên tuồng, rồi hát cương hoặc để hồn vía nhân vật trên mây vì mải liếc vào cánh gà chờ nhắc tuồng… thường xuyên diễn ra. Những chương trình tổng hợp thường không có đời sống sân khấu vì chỉ “diễn một suất duy nhất” kiếm lời rồi thôi. Gần đây một số chuyên đề sân khấu cá nhân đã tạo được tiếng vang được khán giả ủng hộ của NSƯT Vũ Linh, Kim Tử Long và nghệ sĩ Bình Tinh đã được tái diễn nhưng vẫn phải có sự bổ sung tiết mục mới để lôi kéo khán giả và lượng khán giả đến xem cũng giảm khá nhiều so với lần diễn đầu.

Nhiều người trong nghề cho rằng các chương trình tổng hợp với những trích đoạn chỉ là giải pháp tình thế, mang tính thời vụ để sân khấu cải lương “cầm cự”, để người nghệ sĩ có điểm diễn chứ không phải là một cách làm nghề lâu dài, không mang tính định hướng để khôi phục và phát triển cải lương. Chỉ có những vở diễn dài hơi được biểu diễn thường xuyên mới có thể là nền tảng của loại hình nghệ thuật này. Nhưng không riêng gì những nghệ sĩ trẻ như nhóm TSNT, ngay cả lực lượng hùng hậu những nghệ sĩ ngôi sao cũng gặp rất nhiều khó khăn khi diễn tuồng dài. Năm 2007, cặp nghệ sĩ tài danh Minh Vương - Lệ Thủy khởi xướng thành lập Sân khấu Vàng với mục đích dàn dựng và biểu diễn những vở tuồng có chất lượng “vàng” nhằm khôi phục lại vẻ đẹp của sân khấu xưa. Những Sông dài, Tô Ánh Nguyệt, Lá sầu riêng, Đoạn tuyệt… đều “cháy vé” ngày công diễn nhưng đến suất thứ hai thì chỉ còn non nửa rạp và nhiều vở đã không sống nổi qua suất hát thứ ba. Thậm chí vở cải lương hài vui nhộn Một ông hai bà, là một kịch bản hoàn toàn mới lại khá nhẹ nhàng phù hợp với xã hội hiện nay, chỉ hát được một suất rồi ngưng. Khi NSƯT Vũ Linh - Thanh Thanh Tâm bắt tay nhau dàn dựng Tình sử Dương Quý Phi, Mạnh Lệ Quân quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ăn khách: NSƯT Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà, Tú Sương… thì cũng chỉ diễn được hai suất… Cuối cùng lại qui về chuyện thiếu kịch bản mới, đủ sức lay động lòng người?

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm