Bóng đá Việt rất cần… tiếng hát

13/12/2018 06:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuồng nhiệt không kém xứ sở bóng đá nào trên thế giới, vậy nhưng có lẽ cách cổ vũ của chúng ta vẫn còn khá đơn điệu, với thói quen chỉ thiên về tiếng hô  vang “Việt Nam! Việt Nam!” trong những lúc “cháy hết mình”. Và, đó là một sự… lãng phí.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Ông “đào mộ cổ” có trái tim nghệ sĩ

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Ông “đào mộ cổ” có trái tim nghệ sĩ

Nhiều người không khỏi thắc mắc khi thấy một người chuyên tiếp xúc với các ngôi mộ cổ, xác ướp như PGS.TS Nguyễn Lân Cường lại có tâm hồn nghệ sĩ đến thế. Chuyên gia khảo cổ này còn được biết đến với tư cách một nhạc sĩ.

Là chuyên gia khảo cổ, vậy nhưng PGS Nguyễn Lân Cường cũng là một fan cuồng nhiệt của bóng đá. Ông chia sẻ cùng Thể thao &Văn hóa (TTXVN) những suy nghĩ của mình, trong thời điểm trận chung kết lượt về AFF Cup đã rất gần.

1. Tôi không thể quên được đêm lịch sử cách đây 20 năm – đêm 2/9/1998. Tuyển Việt Nam gặp Thái Lan trên sân vận động Hàng Đẫy ở vòng bán kết Tiger Cup – tiền thân của AFF Cup bây giờ. Khi ấy, đang là Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (khóa III), tôi được phân công đứng ngay sau cầu môn của đội tuyển Thái Lan để chụp ảnh.

Vô vàn cảm xúc diễn ra trong trận đấu ấy, khi chúng ta quật ngã Thái Lan sau nhiều năm chờ đợi. Phút 12, khi Trương Việt Hoàng mở tỉ số, cả rừng người trên khán đứng bật lên. Và tiếng hô như sấm rền vang vọng suốt nhiều phút: Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!...

Phút 70, Hồng Sơn nâng tỉ số lên 2 – 0. Và 10 phút sau, Văn Sỹ Hùng ghi bàn thắng cuối cùng. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên cổ động viên ào xuống sân, hò hét, cởi phăng áo ném tung lên trời, Không ai bảo ai, họ theo đường Nguyễn Thái Học, qua Hai Bà Trưng và đổ về Bờ Hồ. Dòng người và xe máy ùn ùn kín đường xen lẫn tiếng hô: Việt Nam chiến thắng…

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Lân Cường (phải) và HLV Calisto trong đêm Gala 2008

Và tôi bỗng nhận ra: cổ động viên không có bài hát nào về bóng đá để hát, trong giây phút phấn khích này.

Bởi thế, cũng trong chính đêm ấy, tôi đã hoàn thành ca khúc Việt Nam chiến thắng mà câu kết là “… Hà Nội đêm nay không ngủ, Việt Nam chiến thắng! Việt Nam! Hồ Chí Minh”. Chỉ 3 ngày nữa thôi, chúng ta sẽ lấy chiếc cúp vàng vô địch.

Để rồi 3 ngày sau, tối 5/9/1998, như bao người Việt Nam khác, tôi thẫn thờ khi chúng ta thua Singapore ở trận đấu cuối cùng.

10 năm sau, tối 28/12/2008. Trận chung kết lượt về AFF Cup diễn ra trên sân Mỹ Đình. Đến phút 90, tỉ số vẫn là 1-0 nghiêng về Thái Lan, chúng ta cần thêm một bàn thắng nữa.

Và, như hàng triệu người Việt Nam khác, niềm hạnh phúc trong tôi vỡ òa, khi Công Vinh ghi bàn thắng quyết định vào lưới Thái Lan vào phút 91. Trong phút giây đặc biệt ấy, niềm vui trong tôi như được nhân lên, khi trên Đài Tiếng nói Việt Nam và trên sân Mỹ Đình cùng vang lên ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca khúc Việt Nam chiến thắng của tôi.

Vài ngày sau đó, trong đêm Gala tôn vinh đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô Hà Nội, tôi cùng 8 em sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia đã hát vang bài Việt Nam chiến thắng. Và, thật vinh dự khi tôi được tận tay trao 32 đĩa CD của ca khúc này cho huấn luyện viên Calisto và đội tuyển.

2. Khá thú vị, những cột mốc của bóng đá Việt Nam đang diễn ra theo chu kỳ 10 năm: 1998, 2008 và 2018. Thêm 10 năm nữa trôi qua, cuối tháng 1/2018 này, cả một rừng người đổ ra đường đón đội tuyển U23 Việt Nam trở về, với chức Á quân tại giải U23 châu Á.

Và một lần nữa, trên suốt chặng đường dài hơn 30km đón đội tuyển, tôi lại không thấy vang lên những ca khúc về bóng đá. Hiếm hoi, chỉ có ca khúc Việt Nam ơi! của Minh Beta…vang lên giữa tiếng hô, tiếng trống, tiếng kèn.

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Lân Cường (phải) và cầu thủ Thanh Bình

Thậm chí, ngay cả đêm Gala tối hôm đó tại sân Mỹ Đình,dù ba ca khúc khá nổi tiếng đã được trình bày là: Việt Nam ơi! của Minh Beta, Sáng mãi niềm tin của Quang Vinh và Niềm tin chiến thắng của Lê Quang, chúng ta cũng không biểu diễn một ca khúc nào riêng biệt, mang đậm hơi thở của bóng đá Việt Nam.

Chúng ta không trách những nhà tổ chức sự kiện, và cũng không trách khán giả.  Tôi tự hỏi: phải chăng việc quảng bá những ca khúc viết về bóng đá của các nhạc sĩ chưa đến được với họ?

Bởi thế, cuối năm 2012, tôi tuyển chọn và biên soạn để cho ra mắt tuyển tập Việt Nam chiến thắng với 39 ca khúc của 35 tác giả  kèm thêm 205 bức ảnh bóng đá của phóng viên Đức Cường, Phan Sang và một số bài tùy bút, thơ cuả Nguyễn Thụy Kha, Anh Ngọc và Phạm Văn Tình.

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Lân Cường và cầu thủ Công Vinh

Và mới đây, nhờ biên tập viên Phan Ngọc Thạch, chúng tôi đã đưa âm thanh của 9 ca khúc bóng đá lên trang web: Baicadicungnamthang.net. Độc giả chỉ cần chọn playlist Việt Nam chiến thắng sẽ hiện ra 9 ca khúc về bóng đá: Bài ca fair play (Đức Trịnh, Văn Dung), Tiến lên Việt Nam (Hồ Trọng Tuấn), Việt Nam chiến thắng! (Lân Cường), Tôi yêu bóng đá (Trần Tiến), Đội bóng chúng ta (Nguyễn Lân Hùng), Lên đi Việt Nam (Thanh Tùng), Bay lên đường bóng Hải Phòng (Nguyễn Cường), Lăn đi bay lên – Trái bóng ơi! (Quách Thái Kỳ) và Việt Nam vô địch - Việt Nam chiến thắng (Trần Danh Viện).

Tất cả, chỉ với một mong muốn: những ca khúc bóng đá của người Việt, mang đậm màu sắc Việt Nam, sẽ có dịp vang lên sau mỗi chiến thắng của Đội tuyển Quốc gia. Và còn gì hạnh phúc hơn, nếu chúng ta vô địch vào ngày 15/12 tới, còn tôi lại có dịp được nghe những ca khúc ấy vang vọng trên đường?

PGS Nguyễn Lân Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm