Bình dị như 'mẹ chồng quốc dân' Ngân Quỳnh

11/11/2021 07:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngân Quỳnh được xếp vào nhóm “ngôi sao nở muộn” của showbiz Việt - khi rất nhiều khán giả chỉ biết tới chị ở tuổi 54 qua vai diễn bà mẹ chồng trong Về nhà đi con. Trước đó, chị đã chớm thành công ở độ tuổi 20, nhưng 10 năm sau phải xóa hết làm lại từ đầu khi từ Huế rụt rè trở về Sài Gòn tìm cơ hội.

'Mẹ chồng' Ngân Quỳnh kể chuyện cãi lời mẹ, bỏ nhà theo Văn Chung

'Mẹ chồng' Ngân Quỳnh kể chuyện cãi lời mẹ, bỏ nhà theo Văn Chung

Trong tập 6 "Tâm đầu ý hợp" phát sóng lúc 21h30 tối nay (9/6) trên kênh HTV7, khán giả sẽ được lắng nghe những câu chuyện dễ thương, giản dị nhưng không kém phần xúc động của hai cặp vợ chồng nghệ sĩ Ngân Quỳnh – Văn Chung, Cao Minh Đạt – Trúc Trương. 

Ngân Quỳnh sinh năm 1966 với tên trong giấy tờ là Hồ Hồng Hạnh. Ông cố ngoại chị là kép Hai Núi nổi tiếng trong thời kỳ tiền phong của hát bội. Ông ngoại chị là kép chánh Hai Long. Bà ngoại chị là nghệ sĩ Tư Helene. Mẹ chị là nghệ sĩ Kim Hoa. Cha chị là kép Hoài Châu. Chị gái chị là ngôi sao cải lương Thanh Hằng, và em gái chị là đào nữ nổi tiếng Thanh Ngân.

Sinh ra trong một gia đình có bề dày nghệ thuật đặc biệt như thế, không lạ khi Hồng Hạnh hát hay, diễn giỏi từ nhỏ.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Ngân Quỳnh

Bình dị ngay từ tình yêu

Vào tuổi 17-18,chị đã bước lên sân khấu cải lương. Chị được ký hợp đồng hát cho đoàn cải lương Tiền Giang với nghệ danh Kim Hồng Hạnh. Sau đó, chị về đoàn Trung Hiếu và đổi nghệ danh thành Ngân Quỳnh. Từ đây, Ngân Quỳnhđược đoàn cải lương Sông Hương (Huế) mời về hát với mức lương rất tốt. Và như thế, Ngân Quỳnh đã cống hiến cho bà con yêu nghệ thuật cải lương miền Trung và miền Bắc suốt nhiều năm - dù vẫn còn xa lạ với khán giả miền Nam.

Những ngày tháng lưu diễn xa quê, Ngân Quỳnh được nhiều người săn đón. Họ đều là những kép chánh, hoặc người có địa vị xã hội cao. Nhưng như lời kể, Ngân Quỳnh đều từ chối, khi có sự thiếu tin tưởng về tính chung thủy của những người đàn ông này. Để rồi, chị đã yêu một người bình dị nhất, một đài trưởng của đoàn cải lương Sông Hương, anh Văn Chung. Họ kết hôn và có một con trai.

Chú thích ảnh
Ngân Quỳnh và chồng là Văn Chung

Thập niên 1990, cải lương vào thời kỳ xuống dốc, cộng với việc con trai nhỏ hay bệnh vì phải theo đoàn hát vất vả, Ngân Quỳnh quyết định rời bỏ sân khấu cải lương. Đó là một quyết định khó khăn và rất đau lòng.

Để mưu sinh, chị đi hát tại Huế. Rồi, Ngân Quỳnh đăng ký học nhạc lý tại nhạc viện Huế để hoàn thiện các kĩ năng của mình. Năm 1997, Ngân Quỳnh đoạt giải 3 tiếng hát phát thanh truyền hình toàn quốc. Dẫu vậy, tiền lương ca sĩ ở một thành phố nhỏ quá chật vật cho một gia đình 3 người. Chị bàn với chồng về TP.HCM tìm phương cách tồn tại. Anh cùng chị vào Nam, thuê nhà và hy vọng.

Chú thích ảnh
Ngân Quỳnh vào vai bà Giang rất thương con dâu Anh Thư (Bảo Thanh thủ vai) trong phim “Về nhà đi con”

Thời gian đầu về Sài Gòn, Ngân Quỳnh là một nghệ sĩ vô danh. Chị buộc phải nhờ đến lời giới thiệu của chị ruột, ngôi sao Thanh Hằng, để tìm lịch diễn. Khởi đầu chị hát ở các show tạp kỹ. Bầu show nghe chất giọng và phong cách hát lôi cuốn của chị nên truyền tai nhau, từ đó cái tên Ngân Quỳnh xuất hiện nhiều tại các phòng trà và sân khấu ngoài trời. Dần dần, Ngân Quỳnh đắt show, sống được với nghề tại đất Sài Gòn. Anh chị tích cóp mua được một căn nhà nhỏ, che nắng che mưa.

Vì yêu thương vợ con, chồng chị chấp nhận lùi về phía sau, đảm nhận vai trò quản lý cho chị, chở chị đi hát, chăm sóc gia đình. Đó là sự hy sinh lớn đối với một người đàn ông. Ngược lại, dù lúc ấy, chị đã qua tuổi 30, nhưng còn trẻ và nhan sắc mặn mòi. Như lời kể, cũng có những quý ông làm quen và tỏ tình sau khi nghe chị hát hằng đêm tại phòng trà, nhưng Ngân Quỳnh gạt phắt vì chị yêu anh, chị tin vào luật nhân quả và tin rằng con trai sẽ hưởng đức từ mẹ. Chị nói: “Chồng tôi không có nhiều tiền, nhưng anh ấy là duy nhất”.

Chú thích ảnh

Đoạn đời sau tạm viên mãn

Tổ nghiệp thương, đưa đầy Ngân Quỳnh đến với phim ảnh. Ông chủ hãng phim Phước Sang, bà chủ hãng phim Huỳnh Thanh Diệu, rồichủ hãng phim khác thích phong cách Ngân Quỳnh vàliên tiếp mời chị vào các bộ phim do họ sản xuất. Nhưng tuổi 40, chị chỉ được giao vai mẹ, hay nhân vật trung niên. Đó là những nhân vật không có điểm nổi bật, nên đóng phim liên tiếp nhiều năm, chị vẫn ở trong trường hợp khán giả biết mặt mà không nhớ tên.

Nghề chọn người, Ngân Quỳnh tiếp tục đóng phim với lịch dày đặc. Không thể cân đối việc đóng phim và đi hát, chị quyết định rời khỏi sân khấu ca nhạc, tập trung hết sức vào phim ảnh. Chị có đủ tiền để mua căn nhà lớn hơn rồi bảo rằng tất cả nhờ vào sự quản lý khoa học của chồng. Nếu không có anh, chị sẽ xài phí, rồi biết đâu sẽ rơi vào cảnh khó khăn như bao nghệ sĩ tiền bối khác.

Chú thích ảnh
Ngân Quỳnh vào vai bà Bích trong phim” Gạo nếp gạo tẻ”

Rồi, được một thời gian, con trai du học ngành đồ họa tại Úc, anh và chị phải bán căn nhà lớn cho con hoàn thành giấc mơ. Nhờ trời, cậu con trai rất thần tượng tình yêu đẹp và công sức nuôi dạy của cha mẹ nên học hành chăm chỉ. Giờ đây, chàng trai trẻ này đã làm việc cho một hãng phim hoạt hình của Úc. Sự trưởng thành ấy là món quà vô giá với Ngân Quỳnh.

Trong nghề, dần dần, chị có nhiều vai diễn chạm vào cảm xúc của khán giả. Đến phim Về nhà đi con, Ngân Quỳnh bắt đầu có cách làm việc khác hơn trước. Đó là nghiền ngẫm kịch bản thật kỹ lưỡng để hiểu được sự tinh tế trong tâm lý nhân vật. Bộ phim thành công vang dội, Ngân Quỳnh qua vai người mẹ chồng bao dung được khán giả bình chọn “mẹ chồng quốc dân”.

Ngay sau đó, chị có thêm một vai mẹ chồng trong phim Gạo nếp gạo tẻ, nhưng tính cách khác hẳn với vai mẹ chồng của Về nhà đi con. Hai vai diễn kể trên đã nâng danh tiếng Ngân Quỳnh lên một đẳng cấp khác. Hiện tại, khán giả truyền hình đang say mê dõi theo chị qua vai mẹ trùm trong phim Mẹ trùm. Đây là một nhân vật có số phận đặc biệt và tính cách nhân vật biến hóa từ phản diện sang chính diện. Một vai diễn gai góc, cực nhọc nhưng mang lại cho chị cảm giác bay bổng trong ý niệm về sáng tạo nghệ thuật.

Như thế, sau nhiều thăng trầm, Ngân Quỳnh cũng đã trở nên nổi tiếng trong “dải ngân hà” nghệ thuật của dòng tộc. Và suốt quãng đời đã qua, điều dễ thấy nhất ở Quỳnh là sự kiên nhẫn và thủy chung với gia đình, để rồi có được một gia đình hạnh phúc trong sự “biết đủ” ấy.

Tam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm