'Billy Don’t Be A Hero' - Làm anh hùng làm chi?

02/05/2017 06:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Billy Don’t Be A Hero không chỉ đơn thuần là một ca khúc ăn khách mà nó còn là một câu chuyện làm tấy đau nước Mỹ vào thời điểm cuộc chiến tại Việt Nam đang đi vào hồi kết. Thông qua hình ảnh của chàng lính Billy, bài hát chỉ ra những nỗi đau không gì bù đắp nổi đằng sau cuộc chiến vô nghĩa.

Vào những ngày cuối tháng 4/1974 bài hát Billy Don’t Be A Hero đã làm nổ tung các bảng xếp hạng âm nhạc ở Mỹ và đem lại một sự nghiệp rực rỡ cho nhóm nhạc Bo Donaldson & The Heywoods.

Chuyện nước Mỹ nhưng do người Anh khơi mào

Một cách chính thức, Billy Don’t Be A Hero không phải là bài hát viết về cuộc chiến ở Việt Nam. Nó là câu chuyện xoay quanh cuộc nội chiến Bắc - Nam ở nước Mỹ và người viết ra là hai tác giả người Anh: Mitch Murray và Peter Callander.

Billy Don’t Be A Hero là sáng tác đầu tay của bộ đôi Mitch Murray và Peter Callander. Lúc đầu, nhạc sĩ Peter Callander định sáng tác theo hướng kể về một cậu bé có tên Billy làm phục vụ dưới một tàu khách. Nhưng sau đó câu chuyện có vẻ không gây được hứng thú nên cuối cùng cả hai quyết định chuyển mạch chuyện sang không gian của cuộc nội chiến Bắc - Nam ở Mỹ.

Nhóm Bo Donaldson & The Heywoods

Billy Don’t Be A Hero là một ca khúc phản chiến nhưng nó không gồng gánh những quan điểm to tát hay ra những tuyên ngôn đao to búa lớn. Bài hát này đơn thuần chỉ là một câu chuyện nhỏ, khá riêng tư, được kể bằng giọng nhẹ nhàng, mạch lạc nhưng mũi tên nó phóng ra lại gây sát thương khủng khiếp.

Câu chuyện bắt đầu với cảnh chàng lính Billy bịn rịn chia tay vợ trước giờ nhập ngũ. Khi ban nhạc quân hành bắt đầu chơi nhạc thì những người lính áo xanh (quân chính phủ liên bang) lần lượt bắt đầu bước vào hàng. Người vợ gục đầu vào vai Billy và nức nở khóc, cô thổn thức: “Billy, đừng làm anh hùng, đừng dại dột với cuộc đời của anh. Hãy nhớ trở về để em tiếp tục được làm vợ của anh”.

Khi đến lượt Billy chuẩn bị bước vào hàng thì người ta nghe được giọng với theo của người vợ “Billy, đừng thành anh hùng. Hãy cúi đầu anh xuống thật thấp, đừng ngẩng cao. Hãy mau về với em nhé”.

Năm 1974, nước Mỹ đang cần hình ảnh của những anh hùng, thậm chí cả siêu anh hùng để gỡ gạc lại hình ảnh thất bại trên chiến trường Việt Nam nhưng hình ảnh trong bài hát của Mitch Murray và Peter Callander đã đi ngược lại mong muốn ấy.

Và rồi đỉnh điểm đã diễn ra ở đoạn 2 của bài hát với mùi khét lẹt của súng đạn khi Billy cùng đồng đội của mình đang ở thế giằng co căng thẳng trong một cuộc đấu súng. Cả tiểu đội đang bị mắc kẹt bên sườn đồi, một cứ điểm quan trọng mà họ phải giữ bằng được. Rồi giọng của vị chỉ huy vang lên như khóc “Tôi cần một người tình nguyện xông ra ngoài vòng tuyến để gọi tiếp viện”. Ngay lập tức, một cánh tay giơ lên, là của Billy.

Nguyên văn ca từ của nhạc sĩ Peter Callander trong đoạn này là “Anh ấy đã quên sạch những lời vợ dặn”.

Đoạn cuối của bài hát được kết thúc bằng hình ảnh của một bức thư báo tử, trong đó nói rằng Billy đã hy sinh như một anh hùng…

Nhóm Paper Lace

“Cuộc chiến” Anh - Mỹ

Bài hát Billy Don’t Be A Hero sáng tác xong vào đầu năm 1974 và Mitch Murray cùng Peter Callander đều rất muốn giao bài này cho một tên tuổi lớn để chuyển tải. Khi cả hai đang tìm kiếm người thể hiện thì vợ của nhạc sĩ Peter Callander là Connie đề xuất một ý tưởng khá táo bạo. Lúc ấy, bà vừa trông thấy một nhóm nhạc có tên Paper Lace đang thi trong một cuộc thi âm nhạc truyền hình ở Anh quốc có tên gọi Opportunity Knocks. Sự mới mẻ và tràn đầy năng lượng của các chàng trai nhóm nhạc này đã thu hút Connie và bà thuyết phục chồng mình hãy dành cho họ một cơ hội.

Sau khi xem Paper Lace trình diễn trên TV thì Mitch Murray và Peter Callander quyết định giao tác phẩm của mình cho nhóm nhạc vùng Nottingham (phía Bắc London). Cùng với đó, họ phối bài hát theo nhịp quân hành, vừa thúc giục, vui tươi, sôi động nhưng trong không khí trẩy hội ra quân ấy, giọng hát của nhóm Paper Lace sẽ khiến người nghe lạnh người bởi phần ca từ như thể những mũi tên cắm vào cảm xúc của họ.

Và kết quả cũng chẳng bất ngờ lắm. Ngay khi vừa phát hành vào ngày 16/3/1974 thì Billy Don’t Be A Hero đã lập tức vươn lên quán quân tại Anh quốc. Bài hát đứng đầu mấy tuần lễ liên tiếp và sau đó bắt đầu vươn xa.

'Donna Donna' - Bài hát không tuổi

'Donna Donna' - Bài hát không tuổi

Ngày 7/4 tới đây, Sảnh Danh vọng Rock ‘n’ Roll sẽ vinh danh những nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi cho âm nhạc nước Mỹ. Trong số này có một nghệ sĩ rất quen thuộc với Việt Nam - Joan Baez.

Ở bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng bắt đầu biết rằng có một bài hát phản chiến đang gây náo động. Ngay lập tức nhiều hãng đĩa nhảy vào mua bản quyền phát hành bài hát này tại Mỹ, trong số đó hãng Mercury là nhanh tay nhất và họ cũng đã ấn định ngày phát hành tại Mỹ.

Nhưng khi ngày ấn hành đã được thông báo thì bỗng một tuần trước đó, ngày 15/6/1974 thị trường âm nhạc Mỹ đã náo động khi Billy Don’t Be A Hero xuất hiện dưới một phiên bản khác của hãng đĩa ABC. Nhóm nhạc thể hiện ca khúc này là Bo Donaldson & The Heywoods.

Hóa ra hãng đĩa ABC khi không mua được quyền phát hành ở Mỹ nhưng họ đã “lách” bằng cách cho một nhóm nhạc khác chơi lại. Ông chủ hãng ABC, Jay Lasker, lệnh cho nhà sản xuất Steve Barri bằng mọi cách phải có bài hát này và phải được “Mỹ hóa”.  

Sau khi suy nghĩ điên đầu, nhà sản xuất Steve Barri quyết định mời nhóm nhạc Bo Donaldson & The Heywoods chơi lại bài hát này, bởi một điều đơn giản “đây là một câu chuyện nước Mỹ và cách hay nhất là phải được kể bởi chính người Mỹ”. Bo Donaldson & The Heywoods là một nhóm nhạc người Ohio và lúc ấy tên tuổi vẫn còn khá làng nhàng.

Lần thứ 2 Billy Don’t Be A Hero lại chiến thắng và lần này còn vang dội hơn ở Anh. Phiên bản của Bo Donaldson & The Heywoods đã đứng quán quân nhiều tuần lễ trên bảng xếp hạng ở Mỹ và sau đó nó còn dìm phiên biên gốc của Paper Lace (phát hành sau một tuần) xuống tận vị trí 96 trên bảng Top 100.

Nước Mỹ vào tháng 6/1974 ấy đã chấn động với Billy Don’t Be A Hero, một bài hát nhẹ nhàng nhưng sức mạnh tinh thần bên trong đã làm cảm xúc rất nhiều người bùng nổ. Nước Mỹ đang đi đến đoạn cuối của cuộc chiến tại Việt Nam, một chiến trường đã ngốn không biết bao nhiêu sinh mạng người Mỹ và giờ giá trị mà nó mang lại đang thật sự vô nghĩa.

Billy Don’t Be A Hero không phải là bài hát của một thời mà đến giờ nó vẫn được hát lại, vẫn được trích dẫn trong các bài hát, bộ phim, văn học như là câu chuyện của nước Mỹ hiện đại và không chỉ bó gọn trong cuộc nội chiến Nam - Bắc, cuộc chiến ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều vùng chiến sự mà người Mỹ gửi quân đến.

Hình ảnh bức thư báo tử trở thành một biểu tượng gây ám ảnh. Rất nhiều người vợ đã tan nát cõi lòng khi nhận được những bức thư báo tử gửi về từ chiến trường. Dù chồng họ đều trở thành những anh hùng nhưng họ chỉ cần người chồng của mình trở về.

Và chi tiết cuối cùng của bài hát mới thật sự là hình ảnh gây xúc động mãnh liệt nhất, có tính phản chiến mạnh mẽ nhất. Người vợ của Billy cuối cùng cũng đón Billy trở về nhưng bằng một bức thư báo tử. Trong bức thư viết rằng chồng của cô đã hy sinh như một anh hùng và cô hãy tự hào về điều ấy.

Phản ứng của người vợ ra sao? Cô đã ném bức thư ra xa.

Thêm một câu chuyện Mỹ được kể bằng giọng Anh
Nhóm Paper Lace sau khi thành công vang dội tại Anh với ca khúc Billy Don’t Be A Hero nhưng đã thua sát ván tại Mỹ bởi nhóm nhạc Bo Donaldson & The Heywoods. Nhưng họ không phải buồn lâu bởi ngay lập tức bài hát The Night Chicago Died của họ đã thắng tuyệt đối ở bảng xếp hạng tại Mỹ. Đáng nói là bài hát này cũng là sáng tác của bộ đôi Mitch Murray - Peter Callander và bài này phát hành cùng thời điểm với Billy Don’t Be A Hero của Bo Donaldson & The Heywoods. Đáng nói hơn, The Night Chicago Died cũng là một câu chuyện Mỹ được kể bằng giọng người Anh. Bài hát nói về cuộc chiến băng nhóm ở Chicago dưới thời Al Capone.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm