Bé sơ sinh bị đâm và nỗi bất an ở 'đất thiêng' của sự sống

11/08/2015 12:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Người ta vẫn thường nghĩ, các cơ sở y tế là nơi cứu người. Ở đó, những lương y làm nhiệm vụ thiêng liêng với lời thề Hippocrates để mang lại sức khỏe, mạng sống cho đồng loại. Ở đó, những sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời trong sự mừng vui khôn tả của người thân...

Thế nhưng, câu chuyện đau lòng vừa xảy ra với cháu Phát, con chị Duyên ở Vĩnh Long, dù thực sự là trường hợp hy hữu, cũng gây hoang mang cho bà chủ lắm. Bà đoán chắc, hàng vạn bậc cha mẹ, ông bà có con, cháu mới sinh đang “tạm trú” ở bệnh viện những ngày này.

Theo thống kê mới nhất, mỗi ngày ở Việt Nam có trung bình khoảng 4.200 trẻ ra đời. Nghĩa là từ ngày 7/8 - thời điểm xảy ra vụ án - đến nay, hàng vạn người có vợ/con sinh ở bệnh viện đều cảm thấy sự lo lắng khôn cùng.


Hiện bé Phát đang được tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Ảnh do bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cung cấp

Những đứa trẻ non nớt vừa rời bụng ấm của mẹ, cũng mới chỉ kịp có những phản xạ cơ bản với môi trường sống. Những bà mẹ mới sinh cũng còn rất yếu ớt khi vừa trải qua cơn “vượt cạn”. Ở trong trường hợp này, họ hầu như cần sự hỗ trợ của người thân chứ nói gì đến sự tự vệ.

Ấy vậy mà nguy hiểm vẫn rình rập họ! Không phải lần đầu tiên những đứa trẻ sơ sinh trở thành mục tiêu của tội ác. Dư luận từng chấn động vì vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở một bệnh viện phụ sản tại Hà Nội. Ai chẳng hoang mang khi kẻ gian trà trộn vào nơi mà người ta dường như mất cảnh giác nhất.

Được biết, lãnh đạo ở bệnh viện từng xảy ra vụ bắt cóc nói trên, sau đó đã xiết chặt công tác an ninh, thuê cả vệ sĩ bảo vệ bà trẻ và trẻ sơ sinh vô cùng nghiêm ngặt. Những người ra vào khu vực sau sinh phải có thẻ của bệnh viện, thậm chí phải xuất trình cả chứng minh thư nhân dân.

Thực ra, nếu thực hiện nghiêm túc các quy định an ninh của bệnh viện thì những vụ phạm tội không thể xảy ra. Quy định cụ thể là mỗi người nằm viện chỉ có một người nhà chăm sóc, và người ấy buộc phải mặc áo mà bệnh viện cấp.

Thử hỏi, nếu chúng ta cứ tôn trọng các quy định, nghĩa là không có bất kỳ sự xin xỏ, nể nang nào thì chắc chắn ông/ bà, bố/ mẹ, vợ/ chồng và con chúng ta sẽ an toàn ở nơi “đất thiêng” này.

Nhưng những điều nói trên chỉ đúng ở phần lý thuyết. Thực tế, thói quen của người Việt khi một người nằm viện thì sẽ có rất đông con/cháu, vợ/ chồng, anh/em theo cùng.

Bé trai sau khi phẫu thuật lấy con dao bầu ra khỏi đầu, được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức bệnh viện. Ảnh do bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cung cấp - TTXVN phát

Trong khi bệnh viện thì luôn quá tải, chỗ cho bệnh nhân nằm điều trị còn chả đủ nói gì đến chỗ cho người nhà đi theo. Thế mới xảy ra tình trạng lộn xộn, không thể kiểm soát được.

Nhiều người lên tiếng trách ngành y tế, trách các bệnh viện không kiểm soát tốt an ninh khu vực nhạy cảm này. Nhưng bà chủ bảo, như thế chỉ đúng một nửa vì cơ sở y tế không phải đơn vị bảo vệ an ninh.

Còn ở một nửa khác, nó nằm ở ý thức của mỗi người, nhất là khi họ nghiêm cẩn với bản thân mình thì cái xấu, cái ác không thể làm hại họ được!

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm