Bảo tàng tư nhân lớn nhất miền Trung: Vẫn chỉ là một khu trưng bày lộn xộn

08/11/2011 14:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong khuôn viên 5 ha và với gần 3.500 hiện vật đang trưng bày (trong hàng chục ngàn món đã sưu tập được), Bảo tàng Chu Lai (Quảng Nam) được đánh giá là bảo tàng tư nhân lớn nhất khu vực miền Trung. Trong tư cách người xem có đôi chút kinh nghiệm, chúng tôi mất gần 2 ngày để chiêm ngưỡng bảo tàng này, trong tâm trạng vừa thán phục vừa luyến tiếc.

Chính thức được UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thành lập vào tháng 4/2011, đến nay, Bảo tàng Chu Lai (biển Rạng, xã Tam Nghĩa, Núi Thành, Quảng Nam) đã khá ồn ào trên các phương tiện truyền thông về quy mô và mức độ đầu tư tiền tỷ của nó. Bảo tàng có sưu tập đa dạng từ thời cổ đại cho tới thời nhà Nguyễn và sau này; trong đó có những sưu tập chuyên sâu, ví dụ như súng thần công (hơn 140 khẩu), các hiện vật về văn minh Chăm (hơn 2.000 món), về nhà Tây Sơn (hàng trăm món), về Hoàng thành Thăng Long... Bảo tàng Chu Lai do ông Phạm Xuân Long (còn gọi Phi Long) đề xướng ý tưởng, đầu tư chính và chu cấp phần lớn cổ vật. Ông Long từng phát biểu: “Tôi chỉ kinh doanh địa ốc chứ không kinh doanh đồ cổ. Bởi đó là hồn văn hóa của dân tộc. Hơn 20 năm sưu tập, tôi thuộc lòng lai lịch, giá trị và ý nghĩa từng món. Lịch sử các triều đại có lúc mạnh yếu khác nhau nhưng văn hóa thì muôn đời bất diệt”.

Thán phục…

Theo ông Phi Long, chủ đầu tư Chu Lai resort và Urban thì Bảo tàng Chu Lai thuộc Chu Lai resort, với khuôn viên chung vào khoảng 25 ha; được bao bọc bởi Phi Trường resort rộng 26 ha, Thiên Đàng resort rộng hơn 100 ha và Khu liên hợp Nam Quảng Nam resort - Urban rộng 41 ha. Từ quốc lộ 1A (thị trấn Núi Thành) rẽ vào đường đi sân bay quốc tế Chu Lai, khoảng 7km thì gặp bờ biển và rẽ phải 3km thì đến nơi.

Đầu rồng bằng gốm. Bảo tàng Chu Lai chú thích: “Đầu rồng thời Lý (thế kỷ 11-12), hiện vật phát hiện tại di tích Hoàng thành Thăng Long”

Bảo tàng nằm sát mép biển, nơi mà những mùa bão lớn (như năm 1999) thì sóng có thể “đưa lưỡi” đến vách tường. Đang trong quá trình hoàn chỉnh dần dần, đồ sộ nhất là khu trưng bày văn hóa Chăm Pa, sẽ chính thức mở cửa trong nay mai. Đi qua một vài vòng, người xem sẽ thấy hơn 250 cổ vật gốm sứ thuộc văn minh sông Đồng Nai (có cái được chú thích đến 4.500 năm), khoảng 1.000 cổ vật được chú thích là di vật thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn... và cả văn minh Tây Nguyên.

Ngoài rất nhiều di vật chưa có điều kiện trưng bày, trong một phát biểu với báo chí, ông Phi Long cho biết riêng khu văn hóa Chăm (với khoảng 2.000 hiện vật) còn có nhiều món bằng vàng, bạc, đồng, đá, ngà... với giá trị lên đến hàng triệu USD. Ông cũng hé lộ về việc các chuyên gia Pháp từng thẩm định một bộ linga - yoni với giá ước đoán vào khoảng 5 triệu USD (?).

Ông Phi Long cho biết để có được số hiện vật này, không chỉ dùng tiền là được, mà nhiều khi phải trao đổi, xin hoặc được tặng. Chính vì vậy mà đến nay vẫn chưa có một con số chính thức về tiền đầu tư, nhưng có thể ước đoán hàng triệu USD.

Đồ sộ, trưng bày “cởi mở” và “bội thực” với hiện vật là cảm giác chung của người thưởng lãm. Đây cũng là điểm riêng nếu so với các bảo tàng chuyên biệt khác, thường rất ít hiện vật, trưng bày khép kín, ra vào khó khăn.

Luyến tiếc…

Thông thường với các bảo tàng chuyên nghiệp phải cần đến chức danh “curator” (giám tuyển; “cura” trong tiếng Latin có nghĩa “chăm nom”), Bảo tàng Chu Lai chưa có nhân vật này nên còn khá luộm thuộm trong việc tuyển lựa và trưng bày hiện vật. Như đã nói, người xem có cảm giác “bội thực” là vì các hiện vật mới ở dạng “tập kết”, phân loại và đặt tên sơ bộ, chưa tạo được đường dây trưng bày một cách khoa học, logic.

Thần công dùng để trang trí, vì không có lỗ khai hỏa; súng thật đế giả. Bảo tàng Chu Lai chú thích: “Súng thần công lớn có trục quay thời Trịnh - Nguyễn, thế kỷ 17-18”

Đó là chưa nói, với cổ vật, việc giám định thật giả và tìm kiếm câu chuyện lịch sử của từng món là hết sức quan trọng, phải mất rất nhiều năm nữa thì Bảo tàng Chu Lai mới có thể làm được điều này. Bởi số lượng hiện vật ở đây quá nhiều, xuất phát từ nhiều nguồn, mà chuyên gia trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn khá ít, khó tập trung giải quyết. Đơn cử như bộ sưu tập súng thần công, rõ ràng chủ nhân muốn tập trung vào các khẩu do người Việt đúc qua các triều đại phong kiến, nhưng nếu để ý, thì trong này vẫn có các khẩu được đúc thời “du lịch”, có khẩu còn đề “Made In Japan”. Phần lớn đế (giá) súng được làm giả, một điều tối kỵ trong việc trưng bày cổ vật, vì nó dễ làm người xem bình thường có cảm giác “tất cả đều thật”. Khắt khe hơn, với những trường hợp như thế này phải chú thích rõ: súng thật, đế giả. Phải cho người xem biết từng khẩu đúc vì mục đích gì, để chiến đấu hay trang trí lấy uy.

Một câu hỏi cần đặt ra là tiểu sử của nhiều hiện vật có xuất xứ “nghiêm ngặt”, làm sao bảo tàng tư nhân này lại sở hữu được? Chúng ta còn nhớ, lúc 6g30 ngày 1/8/2010 (giờ Việt Nam), Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hóa thế giới bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử; tính liên tục; di tích và di vật đa dạng, phong phú. Vậy thì với những hiện vật như “đầu rồng”, “đầu phượng”... được chú thích là có xuất xứ từ Hoàng thành Thăng Long, hiện Bảo tàng Chu Lai trưng bày, ở đâu ra?

Nhiều khu trưng bày còn khá lộn xộn về lịch sử cổ vật, ví dụ như súng thần công “chung chạ” với kiếm Nhật; di vật Hoàng thành Thăng Long với đồ gốm của các làng nghề chẳng có liên quan, hoặc tiền đúc thời chiến quốc (khoảng 206 TCN); cổ vật Chăm được cuốn trong các khăn lụa thời “souvenir”... Về mặt thị giác, bảo tàng này vẫn chưa giải quyết hợp lý, vài nơi khảm hoặc áp mảnh sành nhiều màu sắc gây phân tâm.

Và cuối cùng là mức độ an toàn, bảo tàng tỏ ra khá tự tin khi đem sưu tập thuộc nhiều nền văn minh (mà chủ yếu là sông hồ) về đặt sát bờ biển, chỉ với sự ăn mòn của muối, liệu “tuổi thọ” hiện vật sẽ trụ được trong bao lâu. Với sự phiêu lưu như thế này thì chắc các tổ chức giám định và các công ty bảo hiểm cổ vật khó mà can dự vào. Cho nên, việc cấp thiết của Bảo tàng Chu Lai hiện giờ là cần có ngay một giám tuyển và một giám đốc sáng tạo có chuyên môn đặc biệt về trưng bày. 

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm