Bản chất của lịch sử là "nhạy cảm" (Bài 1)

14/09/2011 07:24 GMT+7 | Văn hoá

Trong làn sóng “thảm họa” nổi lên thời gian gần đây, điểm môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học vừa qua được nhận diện là một “thảm họa”, thậm chí là một thảm họa có “hệ thống”.

Theo thống kê của báo Tuổi trẻ TP.HCM: ở hầu hết các trường, điểm môn Sử trung bình trở lên chỉ chiếm 0,3 - 5%. ĐH Tiền Giang chỉ có 2% thí sinh thi đại học khối C đạt điểm Sử từ 5 trở lên. Con số này ở ĐH Quảng Nam là 1%, ở ĐH Đà Lạt là 2%, ở ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) chỉ có 0,4%. Tổng số bài thi đại học môn Sử đạt điểm 0 lên tới hàng ngàn. Những con số kinh hoàng như vậy đã xuất hiện nhiều năm sau mỗi kỳ thi đại học, đến nỗi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải khẳng định một sự thật: Đó là bình thường chứ không phải bất thường.

Chuyện “bất thường bình thường” này đã dấy lên rất nhiều tranh luận trong thời gian qua. Chỉ cần gõ hai chữ “học sử” vào mạng tìm kiếm Google, chỉ trong 0,14 giây đã có thể tìm thấy 142 triệu kết quả với rất nhiều phân tích, kiến giải tâm huyết. Số đông các ý kiến đều mong muốn phải thay đổi phương pháp dạy và học môn Sử trong nhà trường phổ thông cũng như phương pháp giáo dục lịch sử tới mọi người dân. Thậm chí mới đây, UBND TP.HCM còn cho biết sẽ thí điểm việc dạy Sử qua các video clip như một đột phá trong phương pháp dạy và học môn này.

Nhưng một phương pháp mới sẽ chỉ là hình thức nếu nội dung chứa đựng bên trong phương pháp ấy “có vấn đề”.

Lịch sử cần được “minh oan”, nói cách khác, đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử phải được đổi mới từ chính tư duy về lịch sử.

Tổ chức chuyên đề: KIỀU TRINH

(TT&VH Cuối tuần) - Kênh chính để truyền bá lịch sử là việc giảng dạy ở bậc phổ thông đang bế tắc. Liệu điều này có bắt nguồn từ việc lịch sử không được nhìn nhận đúng bản chất? Vị khách mời của chuyên mục - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Dương Trung Quốc, đưa ra những góc nhìn, quan điểm của ông xung quanh vấn đề này.

* Ông là một trong những chuyên gia sử học nhưng phóng viên các lĩnh vực đều thích săn tìm để hỏi về đủ thứ chuyện, mà chuyện nào ông nói cũng có duyên, đồng thời lại luôn “có sách, có chứng” đúng tinh thần lịch sử. Vậy thì ông nghĩ gì khi cứ sau mỗi kỳ thi, điểm môn Sử lại khiến người ta giật mình? Liệu có phải người Việt kém sử Việt không?

- Trước hết, phải xem xét cụ thể các kỳ thi xem có những “trục trặc” gì, rồi xem lại những vấn đề của môn Sử (từ chương trình đến sách giáo khoa, đội ngũ các thầy cô...), rồi hãy khái quát so sánh người mình với thiên hạ.

Theo tôi, cũng có những vấn đề chung liên quan đến tri thức lịch sử trong giới trẻ (và cả người lớn mắc) mà thời đại này đặt ra với nhiều quốc gia. Tôi vừa đọc một tài liệu nói về việc học sử ở Hoa Kỳ, một quốc gia có nền giáo dục mạnh. Học trò bên ấy cũng sợ học môn Sử, điểm kiểm tra kiến thức sử cũng rất thấp; họ còn nêu cả hiện tượng một vị nữ ứng cử viên phó tổng thống lẫn lộn tri thức lịch sử của địa phương đến vận động khiến dư luận phê phán... Nhưng hình như họ khác mình ở chỗ họ tìm cách khắc phục và không ngừng hành động khi thấy vấn đề và chịu sức ép của xã hội (cử tri).

Phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mới đây về hiện tượng điểm thi môn Sử thấp phản ánh một tình trạng có thực. Có điều dường như hành động của chúng ta chưa tương xứng với bức xúc của xã hội.

Thực ra, không chỉ ngành giáo dục mà nhiều lực lượng xã hội khác cũng đã có những nỗ lực nhằm thay đổi. Nhưng theo tôi, vẫn còn nguyên những vấn đề cơ bản…

Cái quan trọng nhất của tri thức sử học không chỉ là vận dụng trí nhớ - thứ lâu nay ta lầm lẫn mà nghĩ thế. Lầm lẫn ấy càng nghiêm trọng vì thời đại ngày nay, chuyện nhớ tư liệu đã được giải quyết rồi. Các cháu chỉ “click” một cái có hết thông tin ông nào, sinh ngày nào, nói ra sao. Cho nên bọn trẻ mới nhại câu của Cụ Hồ: “Dân ta phải biết sử ta/Cái nào không biết thì tra gu gờ (google)”. Cái khó nhất, quan trọng nhất là liên kết các sự kiện ấy lại. Sau đó phải làm sao vận dụng những bài học đó theo những yêu cầu của đời sống. Khi cần đánh giặc giữ nước ta học lại bài học của cụ Quang Trung, cụ Lê Lợi. Xây dựng nước ta học bài học của cụ Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn…

Phải nhìn thẳng vào quá khứ mới thấy được tương lai

Người Nhật chính là người phát hiện thấy sự cần thiết phải tôn vinh lại nạn đói năm 1945. Nhiều người Nhật đã đến nấm mồ tập thể của nạn đói để tưởng niệm. Họ còn nhắc người khác làm điều đó. Họ nói phải làm điều này vì tổ tiên chúng tôi đã có lỗi, phải học bài học đó - bài học làm 2 triệu người chết.

* Nhiều người cho rằng học trò giờ vẫn thuộc sử, có điều các em thuộc sử Tàu. Ông đánh giá điều này ra sao?

- Tôi nghe câu ấy nhiều lần và thấy cần khẳng định rằng không hẳn là như vậy. Cứ lấy việc các cháu xem nhiều phim lịch sử hay cổ trang của Trung Quốc mà cho rằng các cháu thuộc sử Trung Quốc là ngộ nhận, mặc dù phải thừa nhận rằng nghệ thuật điện ảnh khai thác các đề tài lịch sử của quốc gia phương Bắc này điêu luyện và lợi hại. Ngộ nhận này có lẽ chỉ vì mang quan niệm lịch sử là “nhớ” (nhớ mặt, nhớ người, nhớ sự kiện...). Điều đó không sai nhưng “hiểu” sử mới là quan trọng.

Còn nếu giới trẻ Việt Nam mà hiểu lịch sử Trung Quốc hay sử nhiều quốc gia khác thì phải coi đó là điều đáng mừng! Ngày xưa, tôi thấy các cụ học sử Trung Hoa (Bắc sử) rất kỹ. Có thế mới sống cạnh họ, biết học cái hay, biết chống cái tệ của họ. Hiểu biết sâu về Trung Hoa lúc thuận có thể thù tạc, ngâm ngợi thi ca cùng họ, khi cần thiết lại đủ sức tranh biện với họ...

Việc học sử dân tộc thì không chỉ trong sách vở, học đường mà học trong đời sống, từ gia đình đến xã hội... Vấn đề theo tôi, cái gốc của học sử chính là… lịch sử. Nói cách khác là phải xem lại, với lịch sử học sinh mình đang được dạy cái gì và dạy như thế nào…


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Dù ai cũng nói đến cái nguyên lý khách quan của lịch sử nhưng đó chỉ là lý tưởng thôi. Lịch sử bản chất cũng là chính trị, thích ứng với lợi ích quốc gia hay của một nhóm lợi ích nào đó. Ông Tư Mã Thiên cũng vậy. Vấn đề là quan niệm về lịch sử - đó là lịch sử như ta muốn hay lịch sử như nó vốn có.

Có một chuyện có thật thế này. Có cháu học sinh vào bảo tàng chuyên đề về lịch sử hiện đại, nói với cô hướng dẫn rằng cháu có một người bác hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc. Cô hướng dẫn giới thiệu cháu xem phần trưng bày về Chiến dịch Biên giới (thời chống Pháp). Nó xem niên đại rồi nói rằng năm 1950 bác nó chưa đẻ. Như thế là bác cháu bé này hy sinh trong trận đánh biên giới năm 1979. Nhưng bảo tàng này không có phòng trưng bày nào, thậm chí không có dấu vết ghi lại nào, về sự kiện lịch sử đó. Vậy thì cô hướng dẫn sẽ giải thích với cháu đó thế nào?


Cô dâu tham gia đội tự vệ Thủ đô

Đấy chỉ là một trường hợp rất cụ thể. Làm công việc nghiên cứu lịch sử, chúng tôi luôn đứng trước những quy định thành văn hay không thành văn quy định sự kiện này theo kết luận đã có của trên, nhân vật nọ đừng đề cập đến nữa, vấn đề ấy chưa đến lúc... Con đường nhận thức lịch sử tựa như đi trên đường có nhiều “lô cốt” thì làm sao mà gây hấp dẫn cho đám trẻ được...

Tóm lại, còn rất nhiều vấn đề phải nhận thức để tháo gỡ, có những vấn đề riêng của ta, có vấn đề chung của thời đại nhưng là một người làm công tác sử học tôi thấy cái gốc vẫn ở chỗ không thể vô cảm với bản chất nhạy cảm của lịch sử.

* Sự vô cảm này là điều GS Đinh Xuân Lâm đã phải kêu trời khi nhận xét về sách giáo khoa sử. Ông có thể gợi ý một vài câu chuyện để sách trở nên “nhạy cảm” hơn được không?

- Việc viết sách giáo khoa là một chuyên môn sâu tôi không lạm bàn. Nhưng để cho lịch sử trở nên hấp dẫn trước hết nó phải thật và biện chứng như cuộc sống chứ không phải như... ta tưởng.


Chiến dịch Điện Biên

Tôi ví dụ, khi viết (hay giảng) về Cách mạng Tháng Tám ta thường trình bày như một “kịch bản” (đại khái): Bác Hồ trở về nước, đưa ra Cương lĩnh Việt Minh để đoàn kết và tập trung vào mục tiêu độc lập rồi triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng để thành lập mặt trận phát động đấu tranh. Nhật hất cảng Pháp, Đảng nhận ra thời cơ đến gần, Nhật đầu hàng, Đảng họp hội nghị, ra lệnh tổng khởi nghĩa, lần lượt Hà Nội, Huế, Sài Gòn giành chính quyền, Bác và Trung ương Đảng về Hà Nội tổ chức ngày Lễ Độc lập, thế là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời… Và chắc nêu đủ những nội dung ấy, một bài thi sẽ đạt điểm chuẩn!?

Nhưng khi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự với những chiến sĩ Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu, thì câu chuyện không đơn giản thế. Đại tướng kể trong khi ông đang đối phó với Nhật ở Thái Nguyên thì nghe tin Hà Nội đã “cướp” được chính quyền. Tổng bí thư Trường Chinh là người rất thận trọng (như bí danh “Thận” của ông), yêu cầu phải xác minh. Khi biết chắc rằng Hà Nội đã giành chính quyền thì tất cả về Tân Trào xin ý kiến của Bác. Đang ốm, nghe báo cáo, Bác chỉ ra cái lệnh đơn giản: Về thôi! Thế là mọi người tìm mọi phương tiện nhanh nhất kéo về Thủ đô. Trong hồi ức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng lúc bấy giờ xung quanh Hà Nội nước lụt ngập mênh mông, nhưng cứ chỗ nào nhô lên một mái nhà hay ngọn tre là có cờ đỏ sao vàng. Cảnh tượng thật hào hùng và cảm động...


Điện Biên Phủ trên không

Cũng giống như ở Sài Gòn, người đứng đầu cuộc nổi dậy cướp chính quyền là Trần Văn Giàu cũng kể rằng vì đã từng thất bại trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (1941) nên nhiều người thận trọng có ý chờ đợi lệnh của trung ương mới khởi sự, nhưng tin Hà Nội đã giành được chính quyền như một hiệu lệnh để hành động... Lịch sử được trình bày như thế rất thật mà lại tôn lên được cái đặc sắc của cuộc tổng khởi nghĩa không chỉ là việc thực hiện một mệnh lệnh mà còn thể hiện tính năng động, năng lực lãnh đạo, tính tự giác của các tổ chức cách mạng biết nắm bắt thời cơ để chủ động hành động...

Sử yêu cầu nói sự thật

Môn Sử có yêu cầu phải nói sự thật. Còn lịch sử trong SGK giờ nhiều khi phục vụ chính trị một cách sống sượng. Cái gì cũng phải nói mặt tốt. Cho nên nhiều người tham gia soạn sách máy móc lắm. Ông ấy đòi phải nói rõ mỗi trận đánh Mỹ chết bao nhiêu. Nhưng bên ta tuyệt nhiên không nói con số thương vong. Nên chúng tôi nói đùa là nếu cộng lại trong SGK số lính Mỹ chết trận thì sẽ được con số đông hơn đội quân Mỹ mang sang Việt Nam. Chỉ con số - sự kiện để bắt nhớ như vậy thì làm sao có phân tích tìm ra bài học thiết thân được. Tôi nói với học sinh, chúng tôi cũng không nhớ hết đâu - GS Sử học Đinh Xuân Lâm.

Cũng như câu chuyện về ngày Lễ Độc lập ở Sài Gòn nhiều người viết cứ trần thuật “như thật” là cả triệu người dân Sài Gòn lắng nghe lời đọc Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Trong khi lịch sử không phải thế. Năm 1993, nhân giáo sư Trần Văn Giàu ra lại Hà Nội, chúng tôi tổ chức một cuộc gặp mặt kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Như ngẫu nhiên, tại đây đã diễn ra cuộc gặp mặt của 3 nhân vật. Cụ Trần Văn Giàu hồi cách mạng là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ chỉ tay hỏi cụ Nguyễn Hữu Đang từng là Trưởng ban Tổ chức ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 tại Hà Nội mà rằng: “Tại sao hồi đó cụ Đang báo tin cho ban tổ chức trong Sài Gòn là sẽ truyền thanh trực tiếp qua làn sóng điện cho đồng bào cả nước và Sài Gòn nghe Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập?”. Cụ Đang chỉ sang một cụ đứng cạnh là Nguyễn Dực, con của nhà cách tân nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh, chủ cửa hiệu trang âm đã đóng góp hệ trống trang âm cho các sự kiện đương thời ở Hà Nội. Cụ Dực thanh minh: “Thì đã chuẩn bị kỹ lắm, máy tiếp âm đặt trên ô tô chắn ngang trước cổng Phủ Toàn quyền cũ (lúc này quân Nhật vẫn được giao quyền canh giữ). Nhưng không ngờ đến phút cuối cùng đường truyền trục trặc nên không phát lên sóng được... Lỗi không phải ở cụ Đang, cụ thông cảm!”. Nghe vậy, cụ Giàu bảo: “Vì không có sóng mà bà con đã tề tựu từ lâu nên tôi đành đứng lên ứng khẩu nói về cuộc cách mạng và nền độc lập. Vài hôm sau, khi nhận được bản Tuyên ngôn của Cụ Hồ gửi vô, đọc lại thấy mình nói không sai tinh thần của Cụ nên mừng và tự hào lắm...”.

Bạn có thấy lịch sử sống động vì nó thực không?

Bài kết: Lối thoát hay... giá treo cổ?

Kiều Trinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm