Bài 3 & hết: Sách lậu thập diện mai phục

27/01/2010 08:36 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Đã hơn 5 năm sau khi VN tham gia công ước Berne (26/10/2004) và hơn 4 năm Luật xuất bản mới (1/7/2005) có hiệu lực. Thế nhưng, hiện tại, nạn xâm phạm bản quyền, in lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm so với trước ngày tham gia công ước Berne, nếu không muốn nói là càng ngày càng tinh vi hơn, táo tợn hơn.

Sách “hot” luôn là miếng ngon …

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) vừa đích thân ra Hà Nội để chứng kiến một cảnh đau lòng khi nhìn công sức, tâm huyết của đơn vị mình bị “cướp trắng” ngay trước mắt mà không thể làm gì ngoài kêu trời không thấu. Ông Phước cho biết: “Có khoảng hơn 60 đầu sách của First News bị xâm phạm bản quyền từ đầu năm đến nay, hầu hết là những cuốn được đầu tư công phu bán rất chạy. Bộ Hạt giống tâm hồn bị in lậu nhiều nhất. Riêng sáu cuốn Bảy thói quen để thành đạt, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Quà tặng diệu kỳ, Tin vào chính mình5 ngôn ngữ của tình yêu mà chúng tôi đã mua bản quyền, tại Hà Nội có đến hai nơi in lậu cạnh tranh nhau! Các hình thức in lậu cũng vô cùng khác nhau, như: sao chụp in lại như sách gốc, sắp chữ in lại, thay đổi bìa, đổi tên sách, in theo các bản dịch không được nhượng quyền, kể cả photocopy – đặc biệt là các bộ sách TOEFL iBT, TOEIC, IELTS nhiều cấp độ mà First News đã mua bản quyền của Compass và Barron’s bị hầu hết các trường và trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội photo đổi bìa thay tựa đem bán cho học viên với giá cao hơn sách thật, học viên buộc phải mua sách photo này vì cứ nghĩ đây là giáo trình trung tâm “soạn” riêng để dạy, vì tựa không trùng với bất kỳ tựa sách nào nhưng ruột sách khi photo còn nguyên logo First News(?) - y như trường hợp trường ngoại ngữ Đông Âu và IWEP ở TP. HCM đã làm năm 2008…”.

Ngày 21/10/2008, trước sự chứng kiến của báo, đài… Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM đã kiểm tra đột xuất Trường ngoại ngữ Đông Âu tại cơ sở 79 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1 và bắt quả tang tại cơ sở này có rất nhiều sách vy phạm bản quyền bằng cách photocopy bán cho học viên với giá cao hơn sách gốc. Sau đó, Sở đã xử phạt hành chính đơn vị này 20 triệu đồng. Đây có thể được xem là một trong những mức phạt hành chính cao nhất về vy phạm bản quyền từ trước đến nay.
Tất nhiên, ai cũng biết sách phải “hot”, bán phải chạy thì các đầu nậu sách lậu mới nhảy vào “ăn cướp”. Phải nói rằng, các đầu nậu sách lậu “mũi rất thính” trong việc “ngửi thấy” những cuốn sách sẽ “hot”. Thậm chí mũi của họ còn thính hơn cả những người làm sách chân chính, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết Hừng đông của nhà văn Stephenie Meyer được NXB Trẻ mua bản quyền và chuyển ngữ sang tiếng Việt. Khi Hừng đông vừa được NXB Trẻ rao lên trang web của mình là sẽ phát hành thì trước ngày chính thức cuốn sách này ra thị trường, không hiểu sao sách lậu đã có mặt trên vỉa hè?!

Trước tám tháng, giờ vài ngày!

Ông Huỳnh Văn Hội - Phó Tổng giám đốc công ty phát hành sách FAHASA - cho biết: “Trước đây phải tám tháng thì mới làm nhái được sản phẩm, nhưng hiện nay một sản phẩm có uy tín bị làm “nhái” chỉ sau một thời gian ngắn. Lợi dụng những tiện ích của kỹ thuật số, các nhà in lậu đã nhanh chóng sao chép và phát tán số lượng lớn sách giống hệt sách nguyên bản in từ nước ngoài và chất lượng không kém so với sách gốc. Thời gian cung ứng hàng của sách in lậu còn nhanh hơn sách gốc nhập khẩu. Trong khi các nhà nhập khẩu sách cần ít nhất một tháng mới có thể nhập sách về từ các nước châu Á và hai tháng nếu sách ở Anh, Mỹ, Úc... Đây thực sự là một thử thách lớn cho thị trường sách ngoại văn hợp pháp”.

Chuyện sách lậu ngang nhiên cướp trắng công sức của những người làm sách chân chính đã đành, như trường hợp cuốn Hừng đông vừa nêu của NXB Trẻ, thấy rằng giới làm sách lậu chẳng những thách thức mà còn cười mỉa những đơn vị xuất bản đàng hoàng. Ông Nguyễn Văn Phước bức xúc: “Trước khi chúng tôi mua bản quyền cuốn Đắc nhân tâm từ gia đình tác giả Dale Carnegie theo tinh thần công ước Berne, thì cuốn này đã bị vi phạm bản quyền rất nghiêm trọng rồi. Thế nhưng, sau khi mua bản quyền in rất đẹp, dịch thuật công phu thì Đắc nhân tâm càng bị xâm phạm trắng trợn hơn. Những kẻ in lậu đã không thèm in những bản dịch có trước đó nữa mà chuyển sang in sách mua bản quyền của First News”. Ông Phước kể về chuyến đi xem “thiên hạ” lấy sách của mình ở Hà Nội: “Trên các tuyến phố như Đường Láng, Đinh Lễ, sách của First News bày bán rất nhiều, tôi chắc chắn đây là sách lậu 100%. Nhưng khi vào một số nhà sách ở phố Phạm Văn Đồng, lúc đầu thấy sách của First News trưng bày ở mặt tiền, tôi mừng lắm nhưng khi hỏi chủ nhà sách là lấy sách từ đâu, có hóa đơn gì không thì họ bảo không có”.

Cũng như nhiều người làm xuất bản khác, First News đã tốn không ít tiền và thời gian để đi xem sách của đơn vị mình bị in lậu như thế nào. Trước đây, thường thì, sau mỗi chuyến đi, ông Phước cay đắng nhận ra rằng: Chỉ tốn thêm tiền để mua sách lậu về làm bằng chứng so với sách gốc chứ chưa có ích gì. Gần đây First News đã kết hợp chặt chẽ với đội phòng chống hàng giả PC15 Công An TP. Hà Nội phục kích, theo dõi và bắt tại trận nhà in đang in lậu cuốn Đắc nhân tâm và nhiều đầu sách khác, thu hàng chục ngàn sách thành phẩm và toàn bộ bản kẽm...

Kiện ngược…

Trong năm 2009 này, đã diễn ra một sự việc hy hữu mà tất cả những người làm sách chân chính đều ngỡ ngàng. Ấy là vụ việc công ty cổ phần phát hành sách TP.HCM - FAHASA bị một lái sách “kiện ngược” khi FAHASA “đưa tên” đơn vị của lái sách này vào danh sách những đơn vị vi phạm bản quyền nhiều nhất.

Chuyện là, ngày 9/7/2009, FAHASA phối hợp với 6 NXB nước ngoài có văn phòng đại diện tại TP.HCM họp báo và hội thảo về “Sách vi phạm bản quyền của các NXB nước ngoài - Thực trạng và giải pháp phòng chống”. Trong buổi họp báo và hội thảo này, FAHASA đã trưng ra 1.000 tựa sách không có bản quyền in trong nước để so sánh với sách gốc do FAHASA nhập khẩu. Trong số 1.000 tựa sách bị vi phạm bản quyền, FAHASA nêu luôn tên đơn vị nào đã xâm phạm. Đứng đầu danh sách những đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất là công ty TNHH phát hành Sài Gòn (Nhà sách Quỳnh Mai).

Chuyện cũng chẳng có gì đáng để… ngỡ ngàng nếu như ngày 22/7/2009, ông Lương Vĩnh Kim - giám đốc nhà sách Quỳnh Mai - không gửi đơn “tố cáo” đến các cơ quan chức năng và báo đài rằng: Buổi họp báo của FAHASA nêu trên phạm luật báo chí (mặc dù có giấy phép chấp thuận cuộc họp báo của Sở TT&TT TP.HCM - PV) và xâm hại nhiều lợi ích và an ninh quốc gia.

Chưa hết, ngày 6/8/2009, cũng ông Kim gửi đơn tố cáo tiếp đến các cơ quan chức năng bằng những lời lẽ “đao to búa lớn” rằng: các NXB nước ngoài không được tố cáo sách vi phạm bản quyền ở Việt Nam!? Ông Kim còn lập luận: “tri thức là của chung nhân loại cần được chia sẻ” để biện minh cho hành động xâm phạm tác quyền của mình.

Giới làm xuất bản chân chính và dư luận ngỡ ngàng rằng, trong thời buổi làm ăn toàn cầu này, lại có một người làm xuất bản với những hành động và phát ngôn như thế. Nếu có nhiều trường hợp như ông chủ nhà sách Quỳnh Mai, thì có lẽ vấn nạn in lậu, vi phạm bản quyền ở ta đã “công khai hóa” mất rồi.

Thế nhưng, tối ngày 8/12/2009, Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM và các đơn vị chức năng kiểm tra nhà in Hoa Mai (217/2 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) đã phát hiện hàng nghìn đầu sách vi phạm bản quyền. Đáng lưu ý là, có hàng ngàn cuốn sách được in trên thùng và trên bìa sách tên nhà sách Quỳnh Mai. Ngoài ra, trong kho của nhà in này, đoàn thanh tra còn phát hiện hàng chục ngàn cuốn sách của khoảng 300 tựa sách mà 6 NXB nước ngoài và FAHASA đã từng lên tiếng cảnh báo hồi tháng 7/2009.
Trạc Tuyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm