Anh cảnh sát giao thông 'dễ thương nhất Vịnh Bắc Bộ'

30/08/2017 07:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - "Mặc dầu là các em vi phạm nhưng anh em đã nói chuyện rất tình cảm, giao lưu qua bài hát, điệu nhạc để xích lại gần nhau hơn. Và mong các em lần sau nhớ lấy để không vi phạm luật an toàn giao thông nữa. Chúc các em trong cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau nữa - không phải gặp lại nhau qua xử phạt vi phạm hành chính như thế này mà gặp nhau ở một không khí khác, tình cảm hơn, thắm thiết hơn".

Đấy là câu nói chia tay nhóm thanh niên vi phạm luật của trung tá CSGT Cao Viết Tuấn. Clip "Bị phạt mà vẫn vui trống đàn là hết xui" ghi từ Nghệ An đang xôn xao cộng đồng, một lần nữa buộc chúng ta, và nhiều CSGT, phải suy ngẫm.

Xem đi xem lại clip, nếu không có lời bình, rất dễ nhầm đấy là một clip của các diễn viên hài, khi sự việc diễn ra lớp lang, vô cùng tự nhiên. Một CSGT đang cặm cụi ghi biên bản phạt. Nhóm thanh niên, một người cầm guitar, một người lấy ghế làm trống, một MC vừa quay vừa giới thiệu về trung tá Cao Viết Tuấn, rồi mời anh biểu diễn một bản nhạc cho thắm “tình quân dân”. Rất vui vẻ, anh Tuấn hát ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa với giọng “chất lừ”.

Chú thích ảnh
Biên bản vi phạm hành chính được công khai trên video. Ảnh cắt từ video clip

Tôi đem clip khoe vợ, “nàng” xem xong bò lăn ra cười, rồi khen: “Ôi anh CSGT dễ thương nhất Vịnh Bắc Bộ”!

Tin chắc, rất nhiều người đã “nhẹ cả lòng” khi xem clip trên. Có ai trong chúng ta ước có thêm nhiều hành vi đẹp tương tự trên những con đường thiên lý vốn đầy bất trắc như ở ta.
Nói thế bởi mỗi tuần, quá nhiều clip được tung lên mạng với đủ hình ảnh không đẹp, liên quan đến mối quan hệ giữa CSGT và người dân.

Định kiến chưa tốt về CSGT không cần phải bàn cãi, tất nhiên cũng không phải vô cớ. Nhưng, thái độ chấp hành luật giao thông của dân ta ở mức độ nào, hỏi cũng là trả lời.

Đã thành một phản xạ vô điều kiện, khi bị tuýt còi, nhiều người sau khi xin xỏ không được, đôi co, cãi tay đôi, rồi lập tức rút máy điện thoại ra quay CSGT, như hù dọa. Thành ra, giữa CSGT và người dân luôn ở thế đối cực, rất khó cảm thông và đối thoại.

***

Cả xã hội đau lòng khi văn hóa tham gia giao thông ngày càng xuống cấp. Để cải thiện, trong khi chờ văn hóa của người dân được đánh động, CSGT trên toàn quốc cần phải thể hiện quyết tâm thay đổi theo chiều hướng tích cực, không chỉ hình ảnh, thái độ bên ngoài với dân, mà là điều chỉnh nhiều giá trị cốt lõi của ngành này, để xã hội tin tưởng, tôn trọng, thay vì sợ hãi, thiếu thiện cảm.

Những 'bông hồng thép' của cảnh sát giao thông

Những 'bông hồng thép' của cảnh sát giao thông

Vào giờ cao điểm tại các ngã ba, ngã tư của thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), hình ảnh những nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông xinh xắn, duyên dáng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách.

Ngành nào, nghề nào cũng có người tốt, người xấu, CSGT không là ngoại lệ. Hẳn mọi người còn nhớ đến buổi làm việc cuối cùng của người CSGT già Lê Đức Đoàn năm 2014.  Ông Đoàn (sinh năm 1959, là chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội), suốt gần 40 năm với đã gắn bó với cầu Chương Dương gần 20 năm. Ông đã từng cứu sống trên dưới 40 trường hợp có ý định tự tử. Ca trực cuối cùng, nhiều tài xế đã bắt tay tạm biệt, nhiều tin nhắn của những người không quen biết gửi đến động viên. Và, những giọt nước mắt ông Đoàn ngày chia ly nghề nghiệp được đăng tải trên các báo, đã chạm đến tận trái tim của mọi người.

Nếu trong đội ngũ CSGT có nhiều người như ông Đoàn, và nhân vật vừa hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa ở xứ Nghệ, chắc chắn hình ảnh CSGT Việt Nam sẽ được nâng tầm.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm