140 năm những nàng thiên nga không nghỉ

30/07/2015 07:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, vở ballet Hồ thiên nga (The Swan Lake) kết hợp giữa tác phẩm múa kinh điển với công nghệ biểu diễn hiện đại sẽ được nhà hát danh tiếng của Nga Talarium Et Lux giới thiệu vào tối 1/8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Suốt chiều dài gần 140 năm qua, Hồ thiên nga vẫn là sự mong chờ của công chúng khắp nơi, là chuyến hành trình tư tưởng để phân định trắng-đen, thiện-ác, để cảm nhận tâm hồn Nga…  

Không thể nghỉ ngơi

Hồ thiên nga trở thành vở ballet được biểu diễn nhiều nhất trong lịch sử. Đến nỗi, năm ngoái, tạp chí Dance Gazette đã đặt cho 6 vị giám đốc nghệ thuật của những nhà hát ballet nổi tiếng nhất thế giới một câu hỏi rằng: Hồ thiên nga đã có thể nghỉ ngơi một thời gian được chưa?

Khởi nguồn cho câu hỏi này là những hoài nghi rằng ballet đang mắc kẹt vào những tác phẩm kinh điển mà Hồ thiên nga là một ví dụ, rằng vì những kiệt tác này mà những vở ballet mới không ai xem. Và nếu chỉ sống bằng di sản thì tương lai ballet sẽ thế nào?

Cả 6 vị giám đốc này đều thừa nhận nên có một “khoảng thở” cho thiên nga trong vòng ít nhất là 3 năm và nhiều nhất là 5 năm để các nhà hát có thể tạo ra những tiết mục khác. “Nhưng điều đó là bất khả”, Tamara Rojo, biên đạo Nhà hát ballet Quốc gia Anh, nhận định.

Bởi Hồ thiên nga bao nhiêu năm qua vẫn là vở đinh của tất cả các cuộc trình diễn, là nguồn sống của các nhà hát và vẫn tiếp tục là tương lai của họ. “Những hợp đồng dài hạn đã được ký kết sẽ không thể bị hủy bỏ, công chúng đặt vé cả năm trời mới tới lượt xem thì làm sao Hồ thiên nga có thể nghỉ được”.

Cũng cần nhớ lại rằng, sau thành công vang dội của bộ phim Thiên nga đen, thì vở Hồ thiên nga lại càng đắt show. Từ Nga đến Mỹ, từ Pháp đến Nam Phi phòng vé nào cũng trưng biển “Sold out” (Hết vé). 43 nghìn vé cho 15 buổi biểu diễn tại Paris của Nhà hát Saint Petersburgh hết sạch trong vòng 2 ngày.

Các nhà hát ballet ở New York tổ chức hàng loạt tuần lễ Hồ thiên nga và công chúng xếp hàng dài dằng dặc để tìm bằng được một suất xem Gillian Murphy và Sara Mearns biểu diễn. Ở Nga, nhà hát Bolshoi phải phát trực tiếp vở diễn qua màn hình HD bên ngoài thì mới hạ hỏa được phần nào cơn nóng giận của những người dầm tuyết mà không mua được chỗ đứng bên trong…

Nhiều kịch bản

Năm 1875, nhà soạn nhạc Tchaikovsky được người bạn của mình là Vladimir Begichev (Giám đốc Nhà hát Nhà hát Moscow Imperial - Bolshoi sau này) mời viết nhạc cho vở ballet mới có tên gọi Swan Lake.

Tchaikovsky vui vẻ nhận lời một phần vì cần tiền, phần khác vì đã từ lâu ông ấp ủ mong muốn thử tay vào thể loại này. Có giai thoại rằng, vào năm 1871, Tchaikovsky đã sáng tác một vở ballet kịch câm cho 2 người cháu của mình với tên gọi gần giống như vậy, The Lake Of The Swan nhưng chưa thành hình cụ thể.

Năm 1876, phần âm nhạc cho vở ballet này hoàn thành. Tchaikovsky viết nó trong 2 năm. Từ đây, ông đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về các vở ballet, đưa thứ nghệ thuật giải trí này lên thành một nghệ thuật trừu tượng, sâu sắc.

Hồ thiên nga lần đầu tiên ra mắt công chúng vào ngày 4/3/1877 tại Nhà hát Bolshoi với phần biên đạo của một người Đức, Julius Wenzel Reinsinger-  được xem là một chuyên gia có tài nhưng thiếu óc sáng tạo. Hồn cốt của những nàng thiên nga đen và trắng không được Reinsinger làm cho nổi bật, không hiểu được ý đồ tác giả và làm cho vở múa dưới tầm tư tưởng mà Tchaikovsky muốn gửi gắm.

Ba năm sau, vở này được biên đạo múa người Bỉ Joseph Hansen dàn dựng lại với một vài cảnh được làm đậm hơn nhưng cũng chẳng khá hơn. Suốt 3 năm (1880-1883), Hồ thiên nga diễn được 33 buổi, công chúng có chú ý nhưng chẳng nhập tâm.

Kể từ đó cho đến khi Tchaikovsky qua đời (1893) những nàng thiên nga gần như mất hút.

Năm 1893, ngay sau khi Tchaikovsky tạ thế, tại buổi biểu diễn tưởng nhớ ông, Lev Ivanov, một biên đạo múa Peterburg, đã cho trình diễn hồi hai của vở đã được chỉnh sửa. Choáng ngợp trước màn trình diễn lạ thường này, biên đạo lừng danh của nhà hát Mariinsky, Marius Petipa, đề nghị Ivanov hợp tác để dựng trọn vở.

Ngày 15/1/1895 (120 năm trước), tại Nhà hát Mariinsky ở Sait Petersburg, lần đầu tiên Hồ thiên nga ra mắt với chiếc áo mới. Công chúng gần như nín thở khi xem. Lần đầu tiên họ thấy những trò ảo thuật trên sân khấu ballet khi những những nàng thiên nga bị phù phép được tạo hình với đôi tay bắt chéo trên bộ váy và mái đầu cúi thấp.

Lần đầu tiên họ được chứng kiến một vai nữ chính kép (vừa là thiên nga trắng, thoắt lại thành thiên nga đen) trổ tài với những động tác múa chưa bao giờ thấy trước đó. Lúc ấy, không một vũ công Nga nào có thể đảm nhiệm được vai này và nhà hát đã mời nữ diễn viên ballet người Ý Pierina Legnani.

Legnani thôi miên công chúng bằng những màn trình diễn đỉnh cao. Cô thực hiện những động tác fouettes (quay liên tiếp trên mũi chân ở một chỗ với tempo nhanh) khiến khán giả há hốc. Chính vì màn biểu diễn của Legnani mà từ đó trở đi vai chính kép của Odette/Odile đã trở thành một chuẩn mực cho bất cứ nữ diễn viên ballet cổ điển nào muốn lưu lại danh tiếng của mình.

Đến nay, Hồ thiên nga có hai trường phái dàn dựng khác nhau. Một bản là của nhà hát Mariinsky (có thêm một vài sáng tác mới của nhạc trưởng Drigo), bản kia của nhà hát Bolshoi theo đúng nguyên bản của Tchaikovsky với phần biên đạo của Grigorovich.

Nếu Hồ thiên nga của nhà hát Mariinsky mang nhiều nét cổ tích, bóng dáng tâm hồn Nga, bi kịch và lãng mạn, nhiều nét huyền thoại với lời thoại đẹp và chuyện tình cảm động thì vở của nhà hát Bolshoi lại mang không khí tưng bừng của lễ hội, của những vũ điệu hào nhoáng nơi cung đình.

Một thời, bản dàn dựng của Grigorovich phải thay đổi rất nhiều so với ý tưởng ban đầu, đặc biệt là phần kết. Nhiều lãnh đạo Liên Xô lúc ấy không cho phép nàng Odetta, biểu tượng của niềm tin, của cái đẹp, chết trong tay của số phận.

Phải mãi tới năm 2000, vở Hồ Thiên Nga mới được sửa lại theo đúng ý đồ của Grigorovich, kịch bản theo sát ý tưởng  của Tchaikovsky nhất. Phiên bản này cũng đã đưa ra ánh sáng nhân vật nữ chính, người sau đó trở thành huyền thoại của ballet Nga, cũng là vợ của Grigorovich, nghệ sĩ Primaballerina Bessmertnova.

Hơn một thế kỷ qua, những nàng thiên nga vẫn là niềm cảm hứng của những người làm nghệ thuật và nó là thước đo cho bất cứ nhà hát nào. “Một khi biểu diễn thành công, thì số phận của nhà hát sẽ tồn tại”, Giám đốc Nhà hát ballet Nam Phi, Fiona, Budd, đã nói như vậy.

Đoàn diễn viên gần 100 người từ Nga của nhà hát Talarium Et Luxe sẽ đem đến Việt Nam đúng phiên bản The Swan Lake đã được trình diễn thành công tại nhiều nước trước đó như Đức, Pháp, Ý, Israel, Trung Quốc...

Sân khấu Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ được “chỉnh sửa” thành một sàn ballet đúng chuẩn thế giới theo yêu cầu từ phía Nhà hát Talarium Et Lux. Cảnh trí của vở diễn được tạo nên từ năm màn hình điện tử lớn. Bối cảnh 3D sẽ đưa khán giả vào câu chuyện cổ tích như những nhân chứng sống, gắn những hình ảnh, ánh sáng, âm thanh sinh động của truyền thông đa phương tiện với từng vũ điệu uyển chuyển của các vũ công.

Sau gần 2 năm đàm phán và thương lượng, Công ty Cổ phần Đào tạo và Tư vấn Truyền thông AAA đã thuyết phục thành công và mời tới Việt Nam Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux - một trong những nhà hát ballet hàng đầu thế giới hiện nay biểu diễn 01 đêm duy nhất tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia vào ngày 01/08/2015 .

* Nhà tài trợ chính:
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone  

* 02 Nhà đồng tài trợ:
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam  
Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam  

* Đơn vị tổ chức sản xuất chương trình:
Công ty Cổ phần Đào tạo và Tư vấn Truyền thông AAA   
(Website: www.aaa.net.vn)

Liên hệ mua vé:
- Truy cập website: www.hothiennga.net
- Hoặc liên hệ theo Hotline: 0901.777.390 (Ms. Bảo Ngọc)

Lưu ý: Số lượng vé bán ra rất hạn chế.

Cung Tuy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm