100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: 'Người ẩn mình khiêm nhường'

19/11/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Như “chứng từ” của một đời văn, cuốn sách Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri (vừa ra mắt) giúp độc giả có những hình dung chân thực nhất về cuộc đời của nhà văn Bùi Hiển - gương mặt được xem là thuộc về “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

Hội Văn nghệ Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc với 3 lần đổi tên qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1995) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1995 đến nay).

Nhận xét về ông, nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Là một người am hiểu Hán học và Tây học, suốt đời gắn bó với nhân dân, nhà văn Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học… đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người”.

Một niên biểu về lịch sử văn chương hiện đại

Còn trong cuộc tọa đàm về cuốn sách vào ngày 16/11 vừa qua, nhà nghiên cứu văn học Bích Thu gọi ông là “người ẩn mình khiêm nhường”. Điều này đúng khi nhìn lại sự nghiệp của Bùi Hiển - người đã để lại 32 đầu sách gồm: truyện ngắn, ký, phê bìnhtiểu luận. Khi còn sống, vốn là người cẩn trọng, chu toàn trong sáng tác, số lượng tác phẩm xuất bản của nhà văn Bùi Hiển mỗi khi được đưa ra ngoài đều có sự chọn lọc rất kỹ lưỡng.

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri”

Do vậy, Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri là nguồn tư liệu để công chúng có được cái nhìn toàn diện nhất về nhà văn khiêm nhường này. Sách lần đầu tiên công bố nhật ký và thư từ cá nhân giữa nhà văn Bùi Hiển với bạn bè văn chương và các thành viên trong gia đình. Tất cả được chọn lọc từ khoảng hơn 60 cuốn sổ ghi chép, nhật ký, hàng ngàn trang bản thảo, tư liệu cùng những kỷ niệm trong ký ức các thành viên gia đình nhà văn… với 4 phần chính: Con đường văn chương và Nhật ký, Ân tình bạn bè, Gia đình, Trong ký ức người thân.

Đáng nói, dù viết nhật ký, nhà văn Bùi Hiển vẫn thể hiện đậm dấu ấn cá nhân thông qua văn phong súc tích, giàu cảm xúc và lối quan sát vô cùng tinh tế. Nhật ký và những trang thư của ông cung cấp nhiều chi tiết đa dạng và sâu sắc về một thế kỷ nhiều biến động, đi sâu vào những nỗi niềm của đời sống văn chương cũng như tâm trạng và sinh hoạt của con người Việt Nam bình dị.

Chú thích ảnh
Tọa đàm ra mắt sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” có sự tham dự của nữ nhà văn Lê Minh Khuê, nhà nghiên cứu văn học Nguyên An và Trần Ngọc Hiếu

Bậc thầy truyện ngắn

Bùi Hiển bước chân vào văn chương có phần muộn vài ba năm so với bạn bè cùng thế hệ - một thế hệ Tây học vốn được xem là “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam. Tác phẩm đầu tay - truyện ngắn Nằm vạ - in trên báo Ngày nay năm 1940, sớm cho thấy phẩm chất và nội lực văn chương của ông.

Ngày đó, đánh giá về Bùi Hiển và Nằm vạ, nhà văn Thạch Lam viết: “Lối viết của công giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi”. Từ thời điểmấy, Bùi Hiển trở thành cái tên được tin tưởng, yêu mến, chiếm cảm tình của các nhà văn danh tiếng cùng thời…

Trong số những thể loại làm nên tên tuổi của nhà văn Bùi Hiển thì truyện ngắn được xem là sở trường của ông. Nhiều truyện ngắn của ông tạo ra dấu ấn đậm nét về phong cách sáng tác, có thể kể đến Nằm vạ (1940), Ma đậu (1940), Chiều sương (1941)...

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu cho rằng: “Nhà văn Bùi Hiển là một nhà văn cực kỳ quan tâm đến vấn đề chi tiết - linh hồn của tác phẩm”

Như nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ, Bùi Hiển là một trong những nhà văn có thể giúp cho người đọc hình dung được truyện ngắn là một thể loại có quy mô nhỏ nhưng có khả năng gây ấn tượng như thế nào, gây hiệu ứng như thế nào đối với công chúng.

Là một người có nhiều kỷ niệm với Bùi Hiển, nhà văn Lê Minh Khuê tâm sự: "Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ nhà văn Bùi Hiển có nói với tôi rằng các chi tiết làm nên văn học. Chi tiết trong đời sống phải thổi cho nó một cái hồn, và viết đừng sơ lược. Ông kể với tôi, có những lúc ông ngồi quan sát cây cối, quan sát chim chóc để ông tìm ra được các chi tiết phục vụ cho văn học”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Minh Khuê là người có nhiều kỉ niệm với nhà văn Bùi Hiển khi làm việc tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn

Nhìn lại di sản của nhà văn Bùi Hiển, có thể thấy ông đã tham dự vào đời sống văn chương trên nhiều lĩnh vực sáng tác, phê bình, tiểu luận, dịch thuật. Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài từ nông thôn đến thành thị, từ phong tục tập quán tới các truyện ngắn mang tính luận đề…

Dù ở lĩnh vực nào, viết về đề tài, đối tượng nào, Bùi Hiển luôn thể hiện sự chắt chiu, chọn lựa chi tiết kỹ lưỡng và tìm tòi cách thức thể hiện gần gũi mà tinh tế. Nhà nghiên cứu văn học Nguyên An cho rằng: “Bùi Hiển là nhà văn bẩm sinh, không có ai hướng dẫn, không qua trường lớp. Mà nhà văn bẩm sinh là gì? Là rất tỉ mỉ trong cuộc sống, quan sát tỉ mỉ, ghi chép tỉ mỉ, suy nghĩ cẩn trọng rồi mới viết”.

Chú thích ảnh
Nhà nguyên cứu văn học Nguyên An tại Tọa đàm ra mắt sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri”

Nhà văn Bùi Hiển (22/11/1919- 11/3/2009), là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm