Văn học châu Âu vào Việt Nam (Kỳ 2 & hết): Sự lên ngôi của văn học vùng đệm

25/05/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với việc cập nhật những nền văn học lớn như đã nói ở kỳ 1, độc giả Việt trong 10 năm trở lại đây ngày càng hồ hởi với việc đón nhận những nền văn học vốn được xem là “vùng đệm” về mặt địa lý của châu Âu. Trong khái niệm mang tính cục bộ của châu Âu thì “vùng đệm” thường được dùng để chỉ các quốc gia nằm ở vùng phân cách giữa Đông Âu và Tây Âu.

Chính vị trí tiếp giáp và giao thoa này đã biến thành lợi thế khi các nền văn hóa Đông Tây không ngừng được tiếp thu và trao đổi tại đây. Đó chính là nguồn gốc cho sự giàu có về mặt tư liệu và nghệ thuật của văn chương.

Mảnh đất mới, bề dày sâu

Trong các tác phẩm của mình, nhà văn đương đại nổi tiếng gốc Czech Milan Kundera hơn một lần khẳng định vai trò cũng như giá trị văn chương của các nền văn học mà ông gọi là vùng đệm như Czech, Hungary, Rumania, Slovakia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...

Chú thích ảnh
Những tác phẩm của Hamvas Bela được dịch sang tiếng Việt vì may mắn có dịch giả Nguyễn Hồng Nhung biết tiếng Hungary và yêu thích tác phẩm của ông

Do điều kiện lịch sử khách quan, phải đến đầu thế kỷ 21, các tác giả của những nền văn học trên (ngoại trừ văn học Ba Lan thời "Đông Âu") mới được dịch rải rác sang tiếng Việt. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các nền văn học trên nhỏ bé tới mức cập nhật cũng được mà không cập nhật cũng không sao. Ngược lại, có thể thấy xuất thân từ đây những tên tuổi lớn của văn chương thế giới hiện đại như Franz Kafka, Milan Kundera (gốc Czech), Gunter Grass (gốc Ba Lan), Henric Sienkievicz (Ba Lan), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ) hay Hamvas Bela, Marai Sandor của văn học Hungary. Với giải thưởng Nobel văn chương thì vùng văn học này đang giữ không dưới chục giải.

Một điều khá lý thú là khi những tác giả của các nền văn học này xuất hiện ở nước ta thì lập tức nhận được những phản hồi tích cực nơi bạn đọc. Ngoại trừ những tên tuổi kinh điển đã được bạn đọc nước ta biết đến từ thế kỷ trước như Kafka, Gunter Grass, Henric Sienkievicz... thì mức độ đón nhận của bạn đọc đối với các tác giả khác không khỏi khiến người ta ngạc nhiên.

Chú thích ảnh
Triển lãm về sách châu Âu tại Việt Nam

Milan Kundera hầu như được cập nhật tác phẩm mới thường xuyên ở nước ta, tính đến này số sách của ông dịch ra tiếng Việt đã hơn 10 tác phẩm, Marai Sandor được in 5 tác phẩm trong 5 năm, nhà văn triết gia Hamvas Bela thì được in 4 bộ tác phẩm quan trọng, trong đó Minh triết thiêng liêng của ông do dịch giả Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Hungary vinh dự được nhận giải thưởng dịch thuật của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2017.

Đến nay người Việt đã không ngại ngần mà nói rằng nền văn học vùng đệm của châu Âu luôn gây kinh ngạc với những tác giả mới được dịch sang tiếng Việt. Điều này đã góp thêm sự xác tín về tính đúng đắn trong nhận định của Milan Kundera ở trên.

Vấn đề vẫn nằm ởcông tác dịch thuật

Khi văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt dưới hình thức xã hội hóa và thương mại thì người đọc có nhiều lựa chọn hơn. Và văn học “vùng đệm” đến với bạn đọc Việt cũng nằm trong xu hướng đó. Tuy nhiên, đến nay, việc dịch các tác phẩm, tác giả nổi tiếng của vùng văn học này ra tiếng Việt vẫn hoàn toàn ngẫu hứng và chưa có một chiến lược vĩ mô hoàn chỉnh nào cả.

Chú thích ảnh
Sách văn học châu Âu dù ở dòng văn chương vùng đệm vẫn là nguồn kích thích độc giả Việt

Các tác giả trên xuất hiện ở nước ta chủ yếu vẫn do sự yêu thích của các dịch giả, thậm chí khi giới thiệu sang trọng bản in Việt ngữ, một số dịch giả còn thổi phồng hóa cuốn sách mình dịch như một đỉnh cao. Chẳng hạn, nếu không có thông tin từ mạng internet thì có lẽ nhiều người sẽ hiểu lầm tác phẩm Cô đơn trên mạng của Janusz L.Wisniewskilà một kiệt tác của văn học Ba Lan đương đại. Trong khi đó, những tác giả được đánh giá cao hơn như Olga Tokarczuk, Magdalena Tulli, Wiesław Mysliwski thì không mấy ai biết vì không được dịch.

Ở nước ta có Trung tâm văn học dịch thuộc Hội Nhà văn VN nhưng khả năng điều phối, định hướng về dịch thuật văn học ở cấp độ vĩ mô dường như là điều quá giới hạn. Đó là một bất lợi thấy rõ khi nhìn sang những Viện dịch thuật ở các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan. Tại các quốc gia này, Viện dịch thuật gần như là nơi cập nhật những tác phẩm quan trọng của vặn học đương đại thế giới và hỗ trợ chuyển ngữ sang tiếng bản địa để phục vụ nhu cầu của người đọc. Gần như những tác phẩm nào nổi tiếng trên thế giới thì chậm lắm là trong vòng một năm, bạn đọc Hàn Quốc đã được đọc chúng bằng tiếng Hàn. Đây là điều mà bạn đọc Việt vẫn ao ước.

Chú thích ảnh
Poster Ngày sách châu Âu tại Đường sách TP.HCM

Thêm một nguyên nhân đáng tiếc nữa đó là việc cập nhật tình hình văn học đương đại trên thế giới lẽ ra phải được tiến hành đầu tiên ở môi trường đại học thì tại Việt Nam, việc này lại diễn ra ở môi trường học thuật bên ngoài trước.

Các quốc gia phát triển luôn mong muốn mang văn hóa nước mình quảng bá khắp thế giới. Trong chiến lược quảng bá ấy, Liên minh châu Âu nói riêng và các quốc gia phương Tây khác nói chung luôn mang văn học đi tiên phong. Và họ tạo rất nhiều điều kiện để hỗ trợ quảng bá văn học ở nước ta. Nhưng như thế vẫn chỉ là điều kiện cần, trong khi đó điều kiện đủ vẫn nằm ở nhân tố môi trường dịch thuật trong nước chúng ta. Việc xây dựng môi trường này hoàn toàn có thể bắt đầu từ những người quan tâm trong giới văn học, hay trong các khoa về xã hội nhân văn ở các trường đại học trên khắp cả nước.

Văn học châu Âu vào Việt Nam: Cuộc so kè của những 'đại gia'

Văn học châu Âu vào Việt Nam: Cuộc so kè của những 'đại gia'

Liên tục trong tháng 5, 2 chuỗi "Ngày hội sách châu Âu" diễn ra tại TP HCM và Hà Nội. Xa hơn, đây là lần thứ 8 sự kiện nay được tổ chức, như một minh chứng cho dòng chảy của những tác phẩm văn học từ lục địa già vào Việt Nam.

Văn Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm