Sống lại những hình ảnh của văn nghệ kháng chiến

20/04/2018 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong Ngày hội “Sách - Tri thức kiến tạo tương lai” diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày 19/4 đã có rất nhiều sự kiện diễn ra đồng loạt, nhưng đáng chú ý và thu hút đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ chính là buổi giới thiệu cuốn sách ảnh Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu.

Sách giống như một “bộ sử” bằng ảnh đen trắng về các gương mặt văn nghệ sĩ kháng chiến cũng như đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp. Sách tập hợp gần 300 bức ảnh vừa có yếu tố nghệ thuật, vừa là nguồn tư liệu quý, nên ngay khi vừa bày lên kệ, lập tức đã được bạn đọc “sao chép” tại chỗ bằng smartphone…

Những khoảnh khắc “một đi không trở lại”

Xem Văn nghệ kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu, có thể nói bạn đọc như lạc vào một thế giới hình ảnh vô cùng phong phú và truyền cảm. Thế giới ấy không chỉ gói gọn trong một đối tượng văn học nhất định hay giai đoạn văn nghệ cụ thể mà có tầm ý nghĩa lớn hơn nhiều. Bởi vì văn nghệ kháng chiến chính là nơi hội tụ những gương mặt hàng đầu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nền văn nghệ ấy vừa hình thành, nhiều nghệ sĩ đã có mặt ở những tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu

Xem sách, bạn đọc được “gặp lại” những văn nghệ sĩ lớp trước như Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.... qua lớp sau một chút nhưng đã trở thành nòng cốt của cả đội ngũ như Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, đến những người thực sự khởi đầu sự nghiệp ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Sáng, Lương Ngọc Trác…

Chú thích ảnh
Các văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở xóm Chòi, xã Yên Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên năm 1949. Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.

Và thật vinh dự cho tay máy Trần Văn Lưu khi ông không chỉ có mặt trong đội ngũ những văn nghệ sĩ tiên phong ấy mà còn chính là người do cơ may, duyên số hay một sứ mệnh được giao phó đã ghi lại qua ống kính của mình những hình ảnh “một đi không trở lại” về họ, về một thời văn nghệ trong trẻo, huy hoàng để rồi giờ đây, ông được mệnh danh là "người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến".

Những bức ảnh lịch sử về văn nghệ kháng chiến cách đây hơn nửa thế kỷ đến nay vẫn khiến người xem kinh ngạc vì chất lượng ảnh vẫn rõ nét như mới chụp ngày hôm qua. Đó là nhờ cách “chống ẩm rất… thủ công của cha tôi là, mỗi khi chụp xong một cuộn phim, ông đều dùng giấy báo gói lại, nhét vào bao tải rồi quẳng lên gác bếp” - ông Trần Chí Nghĩa, con trai và là người nối nghiệp nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu kể lại.

Chú thích ảnh
Nhà thơ, đạo diễn Thế Lữ và các cộng sự đang hóa trang chuẩn bị cho vở diễn tối ngày 14/4/1949 tại Hội nghị Văn nghệ bộ đội. Bức ảnh này về sau được Trần Văn Lưu gửi đi dự cuộc thi ảnh của tờ Réponses Photo một tạp chí chuyên về nhiếp ảnh của Pháp và đã giành được giải Nhì. Bức ảnh này cũng được chọn làm bìa sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” 

Vẹn nguyên giá trị thời đại 

Ông Trần Chí Nghĩa cho biết thêm, khi còn sống, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu từng đau đáu về việc sẽ xuất bản cuốn sách ảnh về văn nghệ kháng chiến, nhưng vì “cơm, áo, gạo, tiền” ông vẫn chưa thể làm được việc ấy. 

“Trước khi mất, cha tôi dặn chúng tôi hãy thay ông in những bức ảnh ông chụp thành sách. Và sau 15 năm cha tôi mất, như một cái duyên, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (ông Nguyễn Huy Thắng) trong một lần đến nhà chơi, sau khi tôi cho anh ấy xem những bức ảnh của cụ để lại thì gần như ngay lập tức anh Nguyễn Huy Thắng đề nghị gia đình phối hợp với NXB Kim Đồng in thành sách…”.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thái Hằng tại Việt Bắc - Ảnh: Trần Văn Lưu

Ròng rã hơn một năm trời, những cuộn phim của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu để lại cùng những phong bì ghi chú thích rất cẩn thận đã được người nối dõi ông tự tay tráng thành ảnh, in thành sách, hoàn thành tâm nguyện của cha mình.

Chú thích ảnh
Nhà nhiếp ảnh Trần Văn LƯu đã ghi lại hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đứng giữa hai ông bà Thế Lữ - Song Kim như một tình cảm đặc biệt của vợ chồng nghệ sĩ dành cho nhà viết kịch

Ông Nguyễn Huy Thắng nhớ lại, hồi đầu mùa Hè năm ngoái, ông tìm đến tư gia nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu ở Hàng Bông với mục đích là để hỏi các con của nhà nhiếp ảnh về những bức ảnh chụp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho một cuốn sách sắp in. Tình cờ, ông được ông Trần Chí Nghĩa mang ra “khoe” di sản ảnh của cha mình. 

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Văn Cao tại quán cà phê của ông ở chợ Me qua góc máy của Trần Văn Lưu
Chú thích ảnh
Nhà thơ Tố Hữu và vợ Vũ Thị Thanh khi mới cưới - Ảnh: Trần Văn Lưu

“Càng xem, tôi càng “choáng” và lập tức đề nghị gia đình cho tôi được tiếp cận với tư liệu, phối hợp với NXB Kim Đồng in di sản ảnh của Trần Văn lưu thành sách. Tôi cho rằng, mặc dù những con người, những thông tin và thời gian chứa trong mỗi bức ảnh đã lùi xã hơn nửa thế kỷ, nhưng gia tài ảnh gần 300 bức của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại đối với nền văn nghệ nước nhà, không chỉ hôm nay mà là mãi mãi” - ông Nguyễn Huy Thắng xúc động nói. 

Bộ sưu tập quý giá về văn nghệ sĩ thời kháng chiến Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Cuốn sách, có thể nói đây là bộ sưu tập những bức ảnh vô cùng quý giá về nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng trong kháng chiến và sau hòa bình lập lại, bên cảnh những bức ảnh khác giúp tái hiện bối cảnh họ đã sống và sáng tác hết sức cảm động. Đồng thời, cuốn sách giúp chúng ta thấy được cuộc đời và sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu - một sự nghiệp có thể còn chưa được đánh giá đúng mức nhưng thật đáng trân trọng”.

Kết quả giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất

Trong khuôn khổ Ngày hội “Sách - Tri thức kiến tạo tương lai” diễn ra hôm qua (19/4) tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam đã tiến hành trao giải thưởng thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất.

Kết quả, có ba tác phẩm đạt giải A Sách hay gồm: Vi tảo biển dị dưỡng Labyrinthula, Schizochytrium, Thraustochytrium mới ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức (Đặng Diễm Hồng chủ biên, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) gồm 2 tập (Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp TP.HCM) và cuốn sách Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam (Kiều Thu Hoạch, NXB Thế giới).

Ngoài ra còn có 9 tác phẩm được giải B và 10 tác phẩm được giải C sách hay. Ba tác phẩm đạt giải A Sách đẹp gồm: Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội (NXB Khoa học Xã hội), Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (NXB Tổng hợp TP.HCM), Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên (NXB Tài Nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam).

Ngoài ra còn có 5 tác phẩm nhận giải B và 5 tác phẩm nhận giải C hạng mục Sách đẹp.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm