Nhìn lại 'văn hóa đi chùa' (kỳ 3 & hết): Phật giáo đích thực là một nền giáo dục

01/04/2019 10:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo 2 kỳ “Văn hoá đi chùa”, nêu lên thái độ, cách cư xử cần có của mỗi người khi đến nơi cửa Phật; tới kỳ này (cũng là kỳ cuối), Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu một góc nhìn về giá trị giáo dục của đạo Phật. Hy vọng qua bài viết này, mỗi chúng ta khi đến chùa tham quan, vãn cảnh hay lễ Phật đều có thể tìm thấy cho mình những giá trị hữu ích từ sự “vô lượng, vô biên” của Phật pháp.

Nhìn lại 'văn hóa đi chùa' (kỳ 2): 'Bốc thuốc' cho du khách

Nhìn lại 'văn hóa đi chùa' (kỳ 2): 'Bốc thuốc' cho du khách

Xung quanh chuyên đề về “văn hóa đi chùa”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã có những kiến giải cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về nguyên nhân, cũng như phương hướng để từng bước khắc phục những hiện tồn.

1. Phật giáo (Buddhism) là một tri thức đặc biệt, là một nền giáo dục khai phóng, trí tuệ. Ðể đạt được lợi ích thực sự, chúng ta phải hiểu tính chân thật của Phật giáo. Phật Thích Ca là một nhà giáo dục, Phật pháp là nền giáo học và ngài đã chỉ dạy mọi người một cách không mệt mỏi và phân biệt. Giữa Ðức Phật và người học Phật là liên hệ thầy trò.

Cách xưng hô trong Phật giáo đã chứng minh điều đó. Người học Phật gọi Phật là Đức bổn sư, trong kinh văn đầy đủ là “Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, bổn sư chính là người thầy khai sáng. Thứ nữa, “Hòa thượng” trong tiếng Ấn Độ là upādhyāya, nghĩa là “Thân giáo sư”, chỉ vị lão sư đích thân dạy bảo.

Hòa thượng là bậc thầy mô phạm của người thọ giới, tôn xưng của trò đối với bậc thầy. Khi một tăng sĩ được gọi là Hòa thượng thì vị đó tương đương với giám hiệu của một trường học ngày nay, là người chăm lo về đường hướng giáo dục của các tăng sĩ. Nền giáo dục ấy với thể chế của trường học hoàn toàn giống nhau, có huấn đạo, có giáo vụ, giáo thọ, có tổng vụ.

Ở Việt Nam, các vị tăng, ni thường được gọi là sư, một số nơi gọi là thầy (như ở Huế) cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Ngày xưa, đức Phật tổ chức tăng đoàn thành một hội chúng, có học có tu. Mỗi Tăng, Ni đều dành hết cả cuộc đời mình cho việc học tập, thực hành những gì đã học, rồi sau đó mới truyền đạt lại cho người khác.

Chú thích ảnh
Phật viện Nalanda ở bang Bihar của Ấn Độ thành lập từ thế kỷ 5, nơi đây được coi là trung tâm đào tạo Phật giáo lâu đời nhất thế giới

Tiêu biểu là Phật học viện Nalanda, là một trung tâm học tập rất quy mô của Phật giáo suốt từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 12. Khu đại học này từng được ghi nhận là có hơn 10.000 học viên và 2.000 giáo sư, bao gồm nhiều ngành học khác nhau, và cũng là một trong những trường đại học mang tầm quốc tế đầu tiên. Nalanda nghĩa là “người trao trí tuệ”. Di tích này hiện nay ở bang Bihar, Ấn Độ.

Thời Đường có chế độ Tòng Lâm, tương đương giáo học của đại học hiện tại qua sự phân phối công việc, chức trách. Chủ tịch Tòng Lâm là hiệu trưởng đại học, hòa thượng thủ tọa tương đương với giáo vụ trưởng, duy na tương đương với huấn đạo trưởng, giám viện tương đương với tổng vụ trưởng. Tính chất làm việc đều giống nhau, nó cũng có một cơ cấu học thuật hoàn chỉnh.

Hiện tại các trường học Phật giáo như hệ thống trường trung cấp, cao cấp Phật học, viện đại học trong và ngoài nước cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Theo số liệu, Việt Nam hiện có 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, 9 lớp Cao đẳng Phật học, 33 Trường Trung cấp Phật học và gần 100 lớp Sơ cấp Phật học.

Và một người muốn học Phật nhất định phải thân cận thiện tri thức, tức thân cận phải thân cận minh sư. Chữ “minh” là quang minh, "trí sáng như mặt trời, mặt trăng", một vị người thầy chân thật có đạo đức, có trí tuệ.

2. Phật pháp đặc biệt xây dựng trên nền tảng hiếu đạo. Phạm vi của chữ hiếu sâu rộng vô cùng. Phật dạy trước tiên từ “hiếu thuận cha mẹ”. Việc này cùng với dạy bảo của nhà Nho cũng hoàn toàn giống nhau. Chữ hiếu ấy còn là hiếu với tất cả mọi người, đất nước, vũ trụ, vạn vật… Hiếu đạo là căn bản nhất của việc làm người. Hiểu đạo lý làm người trước mới học đạo được. Đức Phật cũng đã thực hành nhiều phương tiện để nói về hiếu đạo. Từ hiếu mới phát khởi từ bi, yêu thương con người, vạn vật.

Học Phật có bốn điều cần nhận thức và thực hành đúng: Thứ nhất “hiếu dưỡng cha mẹ”: phải biết ơn sinh thành dưỡng dục, hiếu thảo với cha mẹ là chính đạo; thứ hai “phụng sự sư trưởng”, tức cung kính với các vị thầy, bậc trưởng thượng của mình như Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hết lòng tu học theo tấm gương và lời chỉ dạy ấy; thứ ba “từ tâm bất sát” là không giết hại, tuyệt không nên sát sanh mà gieo tâm từ bi, hành thiện, tuân thủ chữ Hiếu với chúng sinh; thứ tư “tu mười nghiệp thiện” từ thân, khẩu, ý, gạn lọc vô minh, lấy đó làm điều kiện thực hành việc học Phật.

Trọn bốn điều này đều nằm trong chữ hiếu. Hiếu đạo chiếm địa vị tương đối quan trọng trong Phật pháp. Phật pháp chân thật là đời sống tự do dân chủ bình đẳng, một lý tưởng cao độ của nhân loại.

3. Giáo học của Ðức Phật có ba điểm chính yếu, đó là Giới (sìla), Định (samàdhi) và Tuệ (pannà). Trí tuệ là mục tiêu, còn thiền định là tiến trình thực hành để đạt được trí tuệ. Trì giới là phương tiện giúp hành giả đạt trạng thái định, tâm thanh tịnh thì được trí tuệ. Trong đó, giới là quan trọng nhất, người tu học phải lấy giới làm thầy.

Toàn bộ hệ thống giáo lý đạo Phật được bảo tồn trong ba Tạng Kinh Ðiển, tức là ba Tạng Kinh, Luật và Luận không bao giờ xa rời ba điểm này. Thâm nhập Kinh tạng là định, tuân theo Luật là trì giới và thấy được chân lý, thật tướng vạn sự từ Luận tức là trí tuệ.

Phật giáo là một hệ thống giáo dục nhắm tới việc chứng ngộ chân tính. Phật nói về sự bình đẳng tuyệt đối, vì rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh tức là chân tính và trí tuệ vô thượng. Trong Sanskrit, cổ ngữ của Ấn Ðộ, trí tuệ Phật giáo được gọi là “Anuttara-Sanyak-sambhodi”, tức “Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” hay “trí tuệ tối thượng, hoàn hảo”. Ðức Phật dạy rằng mục đích chính yếu của việc tu tập là đạt trí tuệ vô thượng này. Ngài còn dạy rằng ai cũng có tiềm năng chứng ngộ trạng thái trí tuệ tối thượng, vì nó là một thành phần cốt yếu trong chân tính của con người, chứ không phải là một cái gì ở bên ngoài ta cả.

Lại nói về quy y, quy là quay đầu, y là nương tựa. Quay đầu từ mê lầm điên đảo về nương vào chánh tri chánh kiến; từ bỏ thân tâm ô quay đầu nương vào tâm thanh tịnh. Quy y Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng để quay đầu, nương tựa giữ tín, nguyện, hạnh mà tu học, đạt được trí tuệ chân thật.

Đạo Phật ngay từ đầu đề cao vai trò của trí tuệ thay vì niềm tin mù quáng. Phật từng nói tiếp thu giáo pháp của Phật mà không hiểu cũng không khác gì một cái thìa đựng mật, nhưng không thể biết mùi vị của mật là gì, Phật lại nói: “Chớ có tiếp thu giáo pháp của ta chỉ vì kính nể Ta, trái lại hãy thử thách nó như là lửa thử vàng vậy”.

Xét trong bối cảnh hiện nay, để tinh thần tu học Phật giáo là cứu cánh, là con đường giải thoát, con đường trí tuệ hòng cứu vãn được phong hóa xã hội thì mục đích giáo dục chính là vậy.

4. Trọng tâm giáo học của Phật chính là sự thông suốt nhân sinh và vũ trụ. Trong Thiền tông gọi là “minh tâm kiến tánh”, Mật tông gọi là “tam mật tương ưng”, còn Tịnh độ thì gọi là “nhất tâm bất loạn”. Tông chỉ của Phật giáo là phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Vũ trụ là hoàn cảnh sinh hoạt của ta, nhân sinh chính là ta. Ta vì mê lầm, bị che lấp không thấy rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Mê đã làm mất đi chính mình, mê mất đi chân tướng hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình. Từ đó, cách nghĩ, cách nhìn sai lầm. Nghĩ sai, thấy sai thì sẽ làm sai. Nhân quả là của ta, không phải người khác tạo ra, ta tự làm và tự gánh lấy. Pháp cú nói: “Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô”.

Muốn đạt đến sự lìa khổ được vui, phải phá mê khai ngộ, chân thật nhận rõ chính mình, nhận rõ chân tướng hoàn cảnh sinh hoạt của ta vậy. Sự thanh tịnh của thế gian phát xuất từ sự thanh tịnh nội tâm của cá nhân. Với tâm thanh tịnh, người học Phật sẽ đạt được trí huệ và thế giới xung quanh cũng sẽ tự nhiên hòa hợp.

5. Giáo học của Phật giáo phân làm năm giai đoạn, từ cạn vào sâu, tuần tự mà tiến. Phật Thích Ca Mâu Ni ở đời, giảng nói kinh pháp tổng cộng 49 năm. Ngài giảng kinh A Hàm đến Phương Đẳng, Bát Nhã. Bát Nhã là trung tâm của Phật pháp, là khóa trình chủ yếu, thời gian giảng hết 22 năm. Kinh Bát Nhã tổng cộng có 600 quyển. Cuối cùng Ngài giảng kinh Niết Bàn mất 8 năm. Rồi quay trở lại cảnh giới của Hoa Nghiêm. Phật giảng kinh nói pháp có trình tự, thứ bậc, từ thấp đến cao.

Phật Giáo có tới 84.000 pháp môn, tức là có vô số pháp môn thực hành khác nhau, nhưng tất cả đều đưa tới ba mục tiêu: giác ngộ, tri kiến chân chính, và thanh tịnh. Như vậy tất cả các pháp môn đều bình đẳng, không có pháp nào cao hơn pháp nào. Tiếp nhận pháp môn tùy thuận vào căn cơ của mỗi người, rất không nên định cao thấp, đúng sai... Mà có khởi tâm như vậy thì lại chính là phân biệt, chấp trước vậy.

Những gì chúng ta biết, chúng ta học hôm nay theo đà tịnh tiến sẽ thấy những điều chưa hoàn thiện. Cho nên Phật nói: “Trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào”, cho thấy rằng chân lý không dùng ngôn ngữ để hiểu thấu lẽ, phải tự mình chứng nghiệm. “Qua sông bè để lại” là vậy. Gặp Pháp tùy duyên, “Pháp vi diệu rất sâu vô thượng, trăm nghìn ức kiếp khó gặp được”, cho nên đừng đánh mất cơ hội học Phật của bất kỳ ai. Mỗi người đều có căn tánh riêng, hoàn cảnh khế hợp riêng, nên tùy phương tiện, điều kiện mà tu học vậy. Ở mỗi pháp môn đều có người thành tựu, tùy căn cơ mà tu học.

Phật pháp là vô lượng, vô biên, không bờ bến. Cũng như ta phải công nhận rằng nội tâm con người là cả một thế giới mênh mông sâu thẳm, khôn lường khó định. Chúng ta cũng chưa trả lời hết các câu hỏi: “Chúng ta từ đâu tới?”, “Điều gì khiến chúng ta hiện hữu ở cõi đời này?”, “Sống để làm gì?”, “Chết sẽ đi về đâu?”, thì cũng cần nên tiếp thu một phần giáo dục của Đức Phật để tìm ra đáp án “thù thắng” (vượt trội) nhất cho mình vậy.

Lê Vũ Trường Giang (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm