Ngô Quang Hải: 'Tôi sống như thanh niên 20'

20/06/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá


Ở độ tuổi mà bạn bè hầu hết vợ con đề huề, Ngô Quang Hải vẫn giữ sự hồn nhiên của người đàn ông 'tuổi 20' như anh tự nhận. Dù vậy, ẩn bên trong vẻ trẻ trung, đạo diễn Hà Nội nặng lòng với nhiều câu chuyện cuộc sống.

Trong chiều Sài Gòn ồn ào, tất bật, tại quán cà phê điện ảnh của một rạp chiếu, đạo diễn Chuyện của Pao và người bạn bình thản ngồi chơi cờ. Khi phóng viên đến, đạo diễn gốc Bắc quay sang cười vui vẻ: "Cho anh xin đánh nốt vài nước cuối!". 18h30, khi người bạn đứng dậy ra về "tớ đi đón vợ con đây!", Quang Hải thong thả xếp bàn cờ.

Vào giờ mà nhiều đàn ông ở tuổi anh có thể đang quây quần bên mâm cơm cùng gia đình, Ngô Quang Hải vẫn là kẻ nhàn tản, cắn vội chiếc bánh rán kẹp trong túi giấy và bắt đầu cuộc trò chuyện.



Đạo diễn Ngô Quang Hải.

* Vì sao anh nghỉ quá lâu như thế mới quay lại điện ảnh?

- 3 năm trước, tôi đã có ý định bỏ nghề làm phim. Cuộc sống với tôi lúc ấy quá khắc nghiệt. Một con người có thể chịu đựng hoặc sự vất vả về vật chất, hoặc sự khó khăn về tinh thần. Nhưng nếu cùng lúc cả hai thứ thì thật khó trụ được. Nó như cú đánh cân não vào đầu mình. Mà trong quan niệm của tôi, cuộc sống phải gắn với niềm vui, vì thế, tôi không muốn tự làm khổ mình. Tôi muốn dẹp chuyện làm phim để nhẹ nhõm.

Nhưng không hiểu sao, vẫn có cái gì đó thôi thúc tôi trở lại với điện ảnh. Khi nhà đầu tư gặp tôi để quyết định xem có hợp tác được với nhau trong dự án mới không, họ hỏi: "Điện ảnh là thế nào với anh?". Tôi trả lời: "Đó là sự sống còn. Là cuộc sống của tôi!".

* Cảm giác của anh thế nào sau nhiều năm im ắng giờ lại tất bật với phim trường?

- Bạn tôi đùa: "Quang Hải trở lại lợi hại gấp hai lần". Còn tôi thì nói: "Quang Hải trở lại thiệt hại gấp hai lần" (cười). Nói thế chứ, tôi rất bình tĩnh trước mọi việc. Chỉ mong một ngày có 48-72 tiếng để làm xuể các công việc.

* Đến nay, anh mới thành công với bộ phim đầu tay "Chuyện của Pao" lãng mạn, đầy chất thơ. Còn phim mới "Mùa hè lạnh" sẽ mang yếu tố căng thẳng. Vì sao có sự biến đổi này?

- Phim đầu tiên của tôi rất dịu dàng, nhưng suốt những năm tháng đầu khi chưa đến với điện ảnh tôi toàn "luyện" các phim căng thẳng nổi tiếng của thế giới. Tôi đã học hỏi từ nhiều nguồn, nhiều người để tìm nguyên lý: làm được một phim dịu dàng nhưng vẫn gây căng thẳng cho khán giả.

* Trong "Mùa hè lạnh", nhân vật Kiên là chàng trai trẻ xứ Bắc vào Nam lập nghiệp, trải qua cuộc tình đẹp, đầy bất trắc với hai người phụ nữ. Đâu đó bóng dáng của anh qua nhân vật chính này. Anh nói sao?

- Tôi viết kịch bản phim, xây dựng nhân vật Kiên từ nhiều nguồn cảm hứng: từ người bạn thân đã mất, từ chính cuộc sống của tôi, từ những gì tôi quan sát, trải nghiệm về cuộc đời này và cả từ sách vở.

Dù vậy, tôi không ôm đồm quá nhiều thứ trong phim. Thông qua nhân vật Kiên và cuộc sống của anh ta, tôi muốn nói về hành trình của một người trẻ khi đứng trước biến động của cuộc sống.

* Phim anh nói về cuộc sống của những người trẻ. Nhưng người trẻ ở thế hệ anh khác với hiện tại. Làm sao anh bắt kịp nhịp sống của họ?

- Tôi không phân biệt độ tuổi khán giả để làm phim. Điều duy nhất tôi muốn thực hiện là bộ phim phải mang tính nhân văn và hay.

Ở tuổi này, chưa có vợ con, thật ra tôi vẫn đang sống như một thanh niên 20 tuổi. Vì thế, tôi tự tin là mình hiểu họ. Những lúc vào rạp xem phim với bạn gái, tôi vẫn hòa mình vào không khí của người trẻ, vẫn bật cười, rung động, suy nghĩ, phản ứng theo cách của họ.

Người trẻ không phải lúc nào cũng hào nhoáng. Và không phải lúc nào họ cũng quan tâm đến những thứ hào nhoáng như xe hơi, nhà lầu... Họ vẫn rất cần điều gì chạm vào trái tim.

Đạo diễn "Chuyện của Pao" trở lại điện ảnh sau 6 năm gián đoạn.

* Sau "Mùa hè lạnh", anh tiếp tục với các dự án nào?

- Đầu tháng 9 hoặc tháng 10 tôi tiếp tục bấm máy phim Ngừng đặt cược. Tôi không muốn nghỉ xả hơi mà muốn làm liên tục. Hai phim này cũng chỉ là sự khởi đầu cho nhiều công việc khác tôi làm sau đó.

* Khán giả thường thấy hình ảnh của anh gắn với những "bóng hồng". Vậy trong cuộc sống đời thường, ngoài người đẹp, anh quan tâm vấn đề gì?

- Tôi quan tâm nhiều đến các vấn đề của xã hội, ví dụ như chuyện tồn tại cái ác: vụ Lê Văn Luyện thảm sát tiệm vàng, chuyện một sinh viên giết bạn gái... Nhiều câu chuyện rúng động nhân tâm làm tôi suy nghĩ về sự phát triển của xã hội hiện nay và nhận thức của con người trong cuộc sống.

Tất nhiên tôi không phải là nhà xã hội học mà chỉ là một đạo diễn bình thường. Vì thế, dù đau đáu với những vấn đề này tôi chỉ có thể lý giải chúng qua công việc chuyên môn của mình là làm phim.

* Sở thích của anh là gì?

- Đọc sách, ngồi với bạn bè trà dư tửu hậu, chém gió lăng nhăng, lê la hè phố, đánh cờ với các cụ, thua vẫn vui...

* Anh chơi cờ với bạn thì cũng có lúc bạn anh ra về với vợ con. Cảm giác anh ra sao khi bạn bè đã đề huề gia đình, còn anh vẫn bình chân như vại với cuộc sống độc thân?

- Với công việc, có thể phân định được ai giỏi ai dở, thành công hay thất bại. Còn cuộc sống riêng, đôi khi còn do định mệnh, do ông trời sắp đặt chứ không phải do mình giỏi, dở... Tôi không chạnh lòng vì những chuyện như thế.

Tôi đã chứng kiến nhiều thứ trong cuộc sống rồi nên không tự mình đặt sự nặng nề vào lòng. Chuyện gia đình, duyên số cái gì đến nó sẽ tự đến. Tôi không đi tìm nữa. Mà có tìm thấy thì cũng chưa chắc đúng.

* Đời sống tâm linh có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Ngày trước, tôi từng có hơn 20 bức tượng Phật cổ, có tượng cao như người thật, hoặc hơn, có tượng bé nhưng rất đẹp. Bức thì dát vàng, bức có màu nâu trầm. Tôi sống với tượng từ nhỏ, đã quen với cảm giác bình yên bên tượng. Sau này, khi lớn lên, đời sống gia đình đổ vỡ, một bữa mẹ tôi từ quê ra thăm, đến nhà tôi nấu cho bát canh cá rô rau cải. Ăn xong mẹ bảo: "Cả đời mẹ không xin con điều gì, mẹ chỉ xin con cho mẹ mang tượng về chùa".

Để mẹ yên lòng, tôi đã để mẹ mang hết tượng Phật, hầu đồng, A Nan, Ca Diếp về một ngôi chùa cổ ở Hải Dương. Tượng đi hết rồi, tôi ốm khoảng hơn một tuần. Phải mất một thời gian tôi mới quen với cảm giác trống trải, sống mà không có những bức tượng xung quanh...

Đời sống con người là hữu hạn. Tôi không mê tín nhưng tôi rất tin vào tâm linh, vào nhân quả của thiện và ác để biết sống tốt.


"Tôi yêu thương tất cả những phụ nữ từng đi qua đời mình".

* Anh tự tin mình là người tốt nhưng những người phụ nữ đi qua đời anh lại ít nói tốt về anh. Theo anh vì sao?

- Tôi không phải Casanova hay Don Juan. Tôi cũng không làm nghệ thuật để đi tán gái. Tôi không quan trọng việc những phụ nữ từng đến với tôi nói gì về mình. Có thể có lúc họ nói về tôi chưa được tốt nhưng thâm tâm họ nghĩ tốt về tôi. Tôi biết chắc như vậy...

Thực lòng tôi rất thương yêu tất cả những phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình. Tôi nghĩ tôi đã sai khi từng lên tiếng giải thích, nói lại về mối quan hệ trước đây. Tôi sẽ không bao giờ nói lại những chuyện riêng tư như thế nữa. Thật không hay và không nên khi đi tranh luận với phụ nữ.

* Anh thích đọc sách, thích nói chuyện triết lý, mà phần lớn người đẹp chân dài thích cách suy nghĩ đơn giản về cuộc sống. Anh làm sao nói chuyện được với họ?

- Tôi mừng cho họ và cả cho tôi. Không phải lúc nào cả hai phải giống nhau mới có thể đến với nhau hay trò chuyện.

* Anh làm phim để lý giải cách chọn cuộc sống của một con người. Còn bản thân anh, anh muốn sống cuộc đời như thế nào?

- Sống tự nhiên như gió trời. Và có một cuộc đời thanh khiết. Bà ngoại tôi trước khi mất ở tuổi 95 đã dặn dò con cháu là sống sao cho đừng ân hận, nếu có sai lầm thì phải sửa... Tôi nghĩ cho đến khi chết, ai cũng sẽ muốn được sống cuộc sống của chính mình chứ không phải cố gắng chạy theo những quy tắc xã hội. Mà đôi khi, có những quy tắc mà con người tự đặt ra rồi tự trói mình vào.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm