Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: Đừng 'bỏ quên' áo dài nam

23/11/2017 07:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa một lần được tôn vinh bằng những danh hiệu, tấm áo dài nam thậm chí còn chịu cảnh "lép vế" ngay cả với tà áo dài nữ giới tại Việt Nam. Mặc dù, xét tới những nội hàm văn hóa - lịch sử đi kèm tấm áo này, nó xứng đáng được coi là một phần của di sản văn hóa Việt.

1. Không phải ngẫu nhiên, áo dài nam được chọn làm chủ đề chính trong chuỗi hoạt động kỉ niệm ngày Di sản Việt Nam 23/11 (đang diễn ra tại phố cổ Hà Nội.) Ở đó, ngay trong đêm khai mạc vào cuối tuần trước, người xem đã được chiêm ngưỡng những mẫu áo dài nam truyền thống do nhóm Đình làng Việt nghiên cứu thiết kế, đặc biệt là các  mẫu áo dài dành cho sĩ tử.

Đặc biệt, trong buổi tọa đàm tiếp theo, các chuyên gia như nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức hay nhiếp ảnh gia Nguyễn Đỗ Bảo cũng đã có những chia sẻ rất chân thành về tấm áo dài nam, cũng như sự thiệt thòi mà trang phục ấy đang gánh chịu.

Chú thích ảnh
Trang phục áo dài nam, được nhóm Đình làng Việt giới thiệu. Ảnh: Đình làng Việt

Thực chất, các sử liệu cũ cho thấy: áo dài Việt Nam ra đời tại Đàng Trong từ thế kỷ XVIII- trong đó, Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho mẫu trang phục này để phân biệt với trang phục của những khách trú Trung Hoa. Cho đến cuối thế kỉ XIX, tấm áo này vẫn là trang phục phổ biến với một bộ phận tầng lớp trí thức, hoặc có địa vị trong xã hội.

Đi sâu vào tìm hiểu, có thể thấy rõ: mỗi chi tiết trên tấm áo dài nam đều có những ý nghĩa đặc biệt về tạo hình và triết lý. Chẳng hạn, tấm áo được may từ 5 khổ vải (ngũ thân) được cho là sự kết nối giữa mỗi người và "tứ thân phụ mẫu". Khác với các mẫu "cách tân" sau này, áo truyền thống cũng chỉ có 5 cúc, ứng với "ngũ thường" (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) cần có ở mỗi bậc nho sĩ. Đặc biệt, giống như phong thái khiêm cung, điềm đạm của các nho sĩ sữa, áo thường có màu sắc nhẹ nhàng giản dị, không thêu họa tiết, cho phép dùng với nhiều loại quần (không nhất thiết là quần trắng), nhiều loại giày...

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của người Pháp, cộng cùng cuộc xung đột giữa văn hóa phương Tây và văn hóa bản địa, áo dài nam dần bị đẩy lùi bởi những bộ âu phục “tân thời” cho nam giới. Nói như nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đỗ Bảo, thời Pháp thuộc, trang phục phổ biến của một gia đình Hà Nội khi ấy là "ông áo the khăn xếp, bà mặc áo tứ thân, con trai mặc comple, đội mũ phớt còn con dâu thì váy đầm".

Rồi, sau 1954, tại miền Bắc, áo dài nam lại càng có thêm những lý do để mai một. "Thời kỳ chiến tranh, chúng ta có xu hướng đơn giản tối đa các mẫu trang phục" – ông Bảo nói. "Cả sau chiến tranh cũng vậy, vì sự bất tiện lẫn lý do liên quan tới... phong kiến mà áo dài nam gần như bị triệt tiêu trong sinh hoạt đời thường."

Chú thích ảnh
Đại sứ Nga Konstatin Vnukov xuất hiện trong tà áo dài nam Việt Nam ở  lễ khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (phố cổ Hà Nội).

2. Sự thiếu tiện dung có thật trong đời sống, cũng như việc vắng bóng quá lâu trong đời sống hàng ngày, là lý do để áo dài nam bỗng trở nên "lạ mắt" trong cảm nhận của rất nhiều người. Trong khi đó, may mắn không rơi vào cảnh ngộ như vậy , áo dài nữ trải qua những đợt "cách tân" ngay từ  những năm 1930, và được tiếp nối sáng tạo dần qua từng thời kỳ để trở thành một trang phục dân tộc điển hình cho phái nữ như hiện nay.

Bởi vậy, năm 2013, trong đề án xây dựng Lễ phục Nhà nước (của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm), nếu áo dài nữ được 100% ý kiến nhất trí khi thăm dò thì áo dài nam chỉ được có... 3% tán thành. Còn lại, ngoài các ý kiến chung chung, có tới 12% ý kiến đề xuất nên dùng complet làm mẫu lễ phục dành cho nam giới.

"Nếu xét theo quy luật vận động của đời sống, thì việc áo dài nam mai một trong sinh hoạt hàng ngày cũng hợp lý thôi" – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đỗ Bảo nói – "Nhưng, thật đáng buồn khi nhiều người lại nhìn việc áo dài nam xuất hiện trong các sự kiện văn hóa bằng con mắt dè bỉu theo kiểu: giống hệt mấy ông lý trưởng thời xưa..."

Ở một góc độ khác, theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người từng thiết kế trang phục cho nhiều phim cổ trang, việc áo dài nam "tái xuất" chưa thật thuyết phục còn nằm ngay ở phần thiết kế. Theo lời ông, dù rất cố gắng, nhưng các mẫu áo dài nam "cách tân" gần đây vẫn không thật phù hợp với tinh thần và thẩm mỹ truyền thống của người Việt.

"Quả thật, mẫu áo dài nam bây giờ cũng không nên rập khuôn nguyên xi như cả trăm năm trước. Thế nhưng, khi cách điệu, tôi thấy rất nhiều mẫu sa vào việc chạy theo những họa tiết rắc rối,cầu kỳ, thậm chí có phần lòe loẹt và không còn thuần Việt" – họa sĩ Đức nói – "Có lẽ, cái khó nhất với các nhà thiết kế là việc họ lúng túng, không biết phát huy cái gì, phát huy như thế nào để tấm áo dài nam có thể đứng được trong đời sống hôm nay".

Có nghĩa, để có thể "sóng đôi" cùng áo dài nữ, như mong muốn của nhiều chuyên gia, tấm áo dài nam sẽ còn rất nhiều vật cản để vượt qua, kể từ góc độ thiết kế, thẩm mỹ cho tới thói quen sử dụng...

Không tôn vinh áo dài nam thì thật có lỗi!

Không tôn vinh áo dài nam thì thật có lỗi!

Mỗi chiếc áo dài nam đều có nguồn gốc, điển tích, lễ nghĩa… riêng, nếu không giữ được những giá trị lịch sử cho áo dài nam sẽ rất có lỗi - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, thành viên ban tổ chức, chia sẻ.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm