Mệnh lệnh của đất và của dân

17/05/2010 11:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng 14/5, tại TP.HCM, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đã vinh dự được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Trong những ngày tháng 5 này, ở tuổi 80, ông vẫn đang miệt mài viết kịch bản phim truyện về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là bộ phim thứ hai của nhà văn viết về “ông Sáu Dân” - tên thân mật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau một phim hoàn thành trước đó khoảng chục năm. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại ngôi nhà mới xây của ông ở quận 7, TP.HCM.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
* Bộ phim mới này có gì khác với phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt (hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, đạo diễn Lê Văn Duy) trước đó mà ông đã biên kịch?


- Phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt là phim chân dung, đạo diễn Lê Văn Duy làm lâu rồi, tôi không nhớ chính xác thời điểm nào. Còn phim này tôi đang viết kịch bản là phim truyện theo lời mời của đạo diễn Hồ Ngọc Xum do đơn đặt hàng của Đài Truyền hình Vĩnh Long. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum đặt tôi viết kịch bản này vì anh ấy biết tôi đã viết Ấn tượng Võ Văn Kiệt. Anh Hồ Ngọc Xum từng làm phim về cố Thủ tướng Phạm Hùng. Cả hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phạm Hùng cùng quê ở tỉnh Vĩnh Long.

* Được biết phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt do Lê Văn Duy đạo diễn đến nay vẫn chưa công chiếu?

- Sinh thời, khi phim làm xong, chính ông Sáu Dân chưa cho chiếu vì ông Sáu nói: “Còn nhiều đồng chí nữa xứng đáng để làm phim, vì các anh yêu quý tôi mới có phim này, nên để đó khi nào có nhiều phim về nhiều đồng chí nữa hãy công chiếu”. Điều đó cũng một phần thể hiện tính cách của ông Sáu Dân. Ấn tượng Võ Văn Kiệt hiện gia đình ông lưu giữ, được chiếu cho người nhà xem những lúc giỗ chạp...

* Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ được ông khắc họa như thế nào trong phim mới này?

- Phim này chủ yếu lấy bối cảnh năm 1973 khi ta vừa ký xong Hiệp định Paris. Lúc đó, ông Võ Văn Kiệt đang làm Bí thư Đảng ủy Quân khu 9 lấy tên là Tám Thuận. Ông còn có bí danh là “ông Sáu lục lạc” do nhân dân đặt, do nơi nào ông xuất hiện là nơi đó tưng bừng, phong trào đi lên liền.

Hiệp định Paris là hiệp định đình chiến nên Trung ương lệnh không được nổ súng. Vậy nhưng địch cố tình vi phạm Hiệp định, tấn công ta hàng ngày, khiến dân và quân ta phải bỏ mất làng, mất đất. Đứng trước tình thế này, ông Tám Thuận họp các Bí thư tỉnh ủy ở Quân khu 9 lại và thuyết phục họ là phải chống trả để giữ đất, giữ dân. Nhưng nếu nổ súng thì vi phạm lệnh của Trung ương nên rất nhiều người lo lắng. Ông Võ Văn Kiệt nói quả quyết: “Cứ đánh, nếu Trung ương kỷ luật thì tôi sẽ đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm. Chúng ta phải đánh địch, đó là mệnh lệnh của đất, của dân”.

Sau khi Quân khu 9 (miền Tây Nam bộ) đánh địch vì địch không tuân thủ Hiệp định Paris, ở nhiều nơi của miền Trung cũng nổ súng nhằm chia lửa với miền Tây. Đó là một trong những ấn tượng, thể hiện bản lĩnh của ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ. Tôi dự định lấy tên phim là Mệnh lệnh của đất và của dân.


Ông Võ Văn Kiệt (phải) trong thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ảnh tư liệu

* Nhưng phim này là phim truyện, hẳn phải còn những câu chuyện khác hấp dẫn “để kể” cho người xem?

- Tất cả các câu chuyện đều xoay quanh nhân vật chính là ông Võ Văn Kiệt thời điểm năm 1973. Có một chi tiết tưởng rằng đơn giản nhưng khó khăn vô cùng khi ông Tám Thuận vừa vận động, vừa ra quyết định cấm uống rượu trong toàn Quân khu 9. Sau Hiệp định Paris, bộ đội ta không được nổ súng lại chịu cảnh “chèn ép” của địch nên nhiều người buồn uống rượu dữ quá. Trong tình cảnh ấy, cấm rượu là một việc làm tế nhị nhưng ông Tám Thuận đã làm được.

* Nhân vật chính (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) có thật nên các nhân vật xung quanh chắc cũng có thật?

- Những nhân vật quan trọng trong câu chuyện phim đều có thật hết. Trong thời điểm ấy, Quân khu 9 rất khó khăn về tài chính nhưng lại có nhiều “đô la xanh” tiền viện trợ. Nhưng “đô la xanh” không xài được nên phải đổi. Việc đổi tiền được ông Tám Thuận giao trực tiếp cho nhiều người thân tín, trong đó có một nhà báo đang ở Sài Gòn. Nhà báo này tên là Nguyễn Khắc Hân, hiện vẫn còn sống. Hồi nhỏ anh Hân là bạn học với tôi còn giờ là bạn nhậu, vẫn gặp nhau và nhậu thường xuyên (cười). Chuyện anh Hân đổi tiền mang trực tiếp xuống vùng U Minh đưa cho ông Võ Văn Kiệt rất ly kỳ. Cứ thử tưởng tượng giữa rất nhiều rào cản của một guồng máy an ninh chế độ cũ, để đem được tiền từ Sài Gòn vào chiến khu cho ông Võ Văn Kiệt không dễ dàng gì.

Không chỉ là những nhân vật có thật, mà còn nhiều chuyện rất đời thường. Bây giờ con cá “thòi lòi” đã thành đặc sản trong các nhà hàng ở Sài Gòn. Nhưng hồi 1973 về trước, dân miền Tây không ai ăn thịt con cá này hết, vì nhìn nó rất... xấu xí. Chỉ vì năm 1973 khó khăn khan hiếm nguồn thực phẩm, nên anh nuôi ở Quân khu 9 mới bắt con “thòi lòi” làm thức ăn. Ông Tám Thuận cũng ăn con cá này thấy ngon, nên dần dần “thòi lòi” thành... đặc sản như hôm nay.

* Câu chuyện ông kể khá hấp dẫn, vậy ông sẽ viết thành bao nhiêu tập phim?

- Làm bao nhiêu tập là việc của đạo diễn, nếu thấy hấp dẫn thì đạo diễn cứ làm dài cũng được. Phần tôi, nhiều khi chỉ viết khoảng một trang giấy cũng có cái để đạo diễn làm thành một tập phim. Tức là tôi chỉ cung cấp cái cơ bản để đạo diễn làm phim. Tất nhiên, sau khi đạo diễn cho ra kịch bản phân cảnh, tôi sẽ là người hiệu chỉnh hoặc viết lại lời thoại.

* Với vốn sống phong phú và trí nhớ mẫn tiệp, sao đến nay ông không viết hồi ký cho riêng mình?

- Tôi đã nói là không bao giờ viết hồi ký. Vì tôi đọc hồi ký của nhiều người quen biết, phần nhiều họ không trung thực với chính mình. Trong hồi ký, “phần mình” bao giờ cũng tốt đẹp còn “phần người” thì... Cả bản thân tôi cũng vậy, tôi không dám tin là mình đủ trung thực với chính mình khi viết hồi ký. Muốn biết “hồi ký” của tôi ra sao, hãy đọc các tác phẩm của tôi, vì “hồi ký” của Nguyễn Quang Sáng nằm rải rác ở những gì đã viết.

* Xin cảm ơn nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng quyết tâm đến cuối tháng 5/2010 sẽ hoàn thành kịch bản phim truyện Mệnh lệnh của đất và của dân. Vì đầu tháng 6 ông sẽ ra Hà Nội đọc tham luận trong một hội thảo về dịch thuật giữa Việt Nam và Mỹ. Nhà văn nhớ lại, hồi viết phim Cánh đồng hoang, tôi chỉ mất một tuần là xong.


Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm