MC Quỳnh Hương: 'Đích đến cuối cùng chỉ mong muốn chạm được yên mà thôi'

01/10/2018 19:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chừng vài năm trước đây thôi, nhiều khán giả thường chỉ biết đến Lê Đỗ Quỳnh Hương như là một người dẫn chương trình nổi tiếng của HTV: MC Quỳnh Hương. Nhưng trong tư cách người cầm bút, Lê Đỗ Quỳnh Hương đã bắt đầu việc viết và dịch từ rất sớm, có dấu ấn riêng trên một số tờ báo nổi tiếng dành cho tuổi mới lớn. Tập tản văn Yên - cuốn sách thứ 5 của Lê Đỗ Quỳnh Hương - vừa chính thức ra mắt độc giả sáng 29/9/2018 tại Đường sách TP.HCM.

Lê Đỗ Quỳnh Hương có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Chị quan niệm: “Có buông mới chạm được yên. Cũng như ngược lại, muốn yên, nhất định phải học cách buông”. Trong tập tản văn Yên, chị triển khai cái ý “yên” và “buông” này như thế nào? Nó có “bắt nguồn” hoặc tiếp nối gì từ 4 cuốn sách mà chị đã xuất bản trước đây?

- Thật tình, càng sống những năm sau này, mình lại hay ngẫm ngợi nhiều về khái niệm “yên”. Từ tác phẩm đầu tay An nhiên mà sống, tới Yên của ngày hôm nay là cả một quá trình dài, trưởng thành dần lên trong nhận thức, thông qua những ngày tháng miệt mài đối phó và cố gắng tìm cách giải những bài toán cuộc đời ngày càng khó. Có cái là những bài toán của bản thân, có cái quan sát được từ những người xung quanh. Cảm nhận rõ, cuộc đời quả thật là một chuỗi dài những dao động lên xuống, mà hình như cho dẫu người ta có bươn chải vùng vẫy kiểu gì, tất cả đích đến cuối cùng chỉ mong muốn chạm được yên mà thôi.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Đỗ Quỳnh Hương. Ảnh: NVCC

* Ai cũng muốn có một tuổi trẻ năng động và náo nhiệt, chắc chị cũng vậy? Nhưng đến tuổi nào đó, từ biến cố nào đó thì khiến mình nghĩ đến việc buông và yên?

- Tuổi trẻ mình, năng động thì có, vì lúc bấy giờ mình thực sự muốn làm được nhiều thứ, cho bản thân và gia đình một đảm bảo đời nhẹ nhàng thoải mái. Nhưng mình không thuộc tuýp người thích “náo nhiệt”, nên trẻ mấy cũng thích tĩnh tại như bây giờ thôi. Tuy vậy, không thể phủ nhận, hồi trẻ hơn bây giờ, mình còn vướng nhiều chấp nhất dẫn tới dễ phiền muộn, đau khổ hơn bây giờ.

* Đời sống khó mà đứng ngoài 3 chữ “danh, lợi, tình”, vì 3 chữ này mà “tham, sân si”, mà “hỷ, nộ, ái, ố”. Rõ ràng cái xấu, cái bi quan cũng nhiều tương tự cái tốt, cái lạc quan, đôi khi còn lấn lướt nữa. Vì sao chị chỉ muốn đứng gần với cái tốt, cái lạc quan trong các bài viết, để thấy cuộc đời tươi hồng hơn xám xịt, đen tối?

- Mình muốn nói về điều này như nguyên tắc “hai mặt của một bàn tay”. Bạn thấy chứ, bàn tay ta luôn có một mặt trắng và một mặt đen. Ai cũng muốn chỉ thích mặt trắng, nhưng liệu như vậy thì mặt tay đen có thể biến mất đi chăng? Không hề. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Bạn có không ưa những điều bi quan cỡ nào, chúng vẫn ngang nhiên xềnh xệch xộc vào cuộc đời bạn, làm cho bạn nhẹ thì lảo đảo, nặng thì “lên bờ xuống ruộng”. Vậy cách tốt nhất là ngay từ khi mình mới hơi bị lảo đảo, hãy nhận thức được chúng và cố gắng đừng nhìn tới chúng nhiều nữa. Không nhìn tới nó nữa không có nghĩa là nó không còn tồn tại, dĩ nhiên, nhưng như vậy ta đã luôn luôn lái ta về hướng buông, để vươn tới cái sự yên.

Con người ta hay lắm, như có cái ra-đa tự động. Quan trọng nhất là ý thức. Mình lái nó sang đường lạc quan, kiểu gì nó cũng lượm lặt được một mớ hạt vui vẻ trong cái đống hỗn độn giữa “hỷ, nộ, ái, ố” đó. Vậy là tốt rồi.

Chú thích ảnh
Tập tản văn “Yên” vừa được NXB Trẻ phát hành

* Các sách của chị đều bán chạy, nếu tự đánh giá hoặc cắt nghĩa một chút về không khí tác phẩm của mình, chị nghĩ điều gì làm nên sức hút đó?

- Chắc là vì… mình viết dễ hiểu (cười). Mình vốn dân miền Tây, mà dân miền Tây ăn nói hịch hạc, chân phương lắm. Đem vô văn viết cũng giản dị như vậy, muốn cầu kỳ hơn cũng không thể. Vậy là sẽ cùng tần số với một số đáng kể người thích đọc những cái gì đơn giản, dễ hiểu khác.

Thứ hai, có lẽ nhờ may mắn, từ nào đến giờ mình luôn có cơ hội được quan sát, lắng nghe nỗi niềm người khác. Từ khán giả Thay lời muốn nói với hàng trăm hàng ngàn câu chuyện đời qua gần 20 năm làm chương trình, rồi sau này, như một thói quen, bạn đọc trang Quynh Huong Le Do của mình trên facebook cũng hay rủ rỉ tâm sự, rồi chia sẻ, rồi hỏi thăm nhờ góp ý… Tự nhiên, mình trở thành một “cái kho” dữ liệu những tình tiết, những cảnh đời…, mà có người nói vui, mình giống như “người giữ sổ Nam Tào”.

Cho nên những gì mình viết ra thường là những gì nhiều người đang gặp phải, hoặc đang kinh qua. Đồng cảm ắt có nhu cầu đọc để tham khảo hay rút kinh nghiệm. Đơn giản vậy thôi.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Chú thích ảnh
Buổi ra mắt “Yên” thu hút đông đảo người dự. Ảnh: Thành Lâm

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

 

Chủ nhân những sách bán chạy

Từ 2015 đến nay Lê Đỗ Quỳnh Hương đã viết và xuất bản 5 cuốn sách: An nhiên mà sống (tái bản lần thứ 12), Chuyện nhỏ nhà Quỳnh (lần thứ 3), Thương còn không hết ghét nhau chi (lần thứ 4), Luật hấp dẫn của nụ cười (lần thứ 4). Cuốn An nhiên mà sống đã bán hơn 30.000 bản, vẫn còn tiếp tục được độc giả đón nhận.

Như Hà (thực hiện)

Ra mắt sách 'Tập tục đời người': Một lịch sử riêng sau lũy tre làng

Ra mắt sách 'Tập tục đời người': Một lịch sử riêng sau lũy tre làng

Ròng rã 20 năm khảo cứu và điền dã, cuốn sách của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng xoay quanh một lĩnh vực tưởng cũ, nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng: vai trò của tập tục làng, xã trong đối với nông dân Việt.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm