K-pop đang lặp lại 'cuộc xâm lược của nước Anh' trong quá khứ với thị trường Mỹ?

18/01/2018 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhóm nhạc K-pop nam BTS đang tạo bước đột phá vào thị trường chủ đạo ở Mỹ. Trước đó, K-pop được mô tả là một hiện tượng lan truyền trên mạng và chỉ tạo được danh tiếng ở bên ngoài nước Mỹ. Nhưng quan niệm ấy đang thay đổi.

Một số chuyên gia nhìn nhận thành công ở mức hiện tượng của BTS là sự báo hiệu cho cuộc thay đổi văn hóa mang tính cách mạng, có thể so sánh với "Cuộc xâm lược của nước Anh" ở Mỹ trong những năm 1960.

"Cuộc xâm lược của nước Anh" là cách gọi về thành công đặc biệt của nhiều ban nhạc rock Anh ở Mỹ để thống trị bảng xếp hạng tại xứ cờ hoa trong giữa những năm 1960. Beatles, Dave Clark Five, Kinks và Rolling Stones là những ban nhạc "mũi nhọn" trong sự thống trị ấy.

BTS chinh phục fan Mỹ nhờ hip-hop

Oh In Gyu, Giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, Đại học Hàn Quốc, nhận định có một sự tương đồng giữa "cuộc xâm lược của nước Anh" và "hiện tượng BTS".

Chú thích ảnh
Nhóm nhạc BTS tại lễ trao giải Âm nhạc Mỹ 2017

"Rock là một thể loại có nguồn gốc ở Mỹ. Các ban nhạc Anh đã nhân rộng dòng nhạc này và Beatles cùng nhiều ban nhạc Anh khác đã thống trị thị trường Mỹ trong những năm 1960 "- ông nói – "Những gì mà chúng ta thấy hiện nay là nhóm nhạc K-pop BTS đang rất nổi tiếng trong lượng công chúng tuổi vị thành niên Mỹ, với những sản phẩm âm nhạc đầy lôi cuốn mang dòng hip-hop của họ. Hip-hop là sản phẩm của nền văn hóa da màu ở Mỹ, song rapper RM, thành viên trụ cột của BTS, trình diễn và sáng tác hip-hop chẳng khác gì các nghệ sĩ Mỹ".

Theo Oh In Gyu, các nhóm nhạc K-pop khác sẽ được hưởng lợi từ danh tiếng của BTS và thời kỳ "vàng" của K-pop sẽ mở ra.

Stephanie Choi, thuộc trường Đại học California, Santa Barbara, cho rằng công nghệ là nhân tố chính đằng sau thành công toàn cầu của BTS. Theo Stephanie, sức ảnh hưởng của truyền thông chủ đạo ở Mỹ đã suy giảm do sự nổi lên của mạng xã hội, đặc biệt là YouTube. Và BTS đã tạo dựng được một lượng fan hùng hậu trên khắp thế giới sau khi các video nhạc và màn diễn của họ gây sốt trên YouTube.

Còn giáo sư Oh In Gyu cho rằng, BTS là một "phiên bản" đã được nâng cấp của K-pop.

"Công chúng Bắc Mỹ và châu Âu đã mệt mỏi với các nhóm nhạc K-pop bởi tất cả đều na ná nhau - khi đây là những nhóm nhạc được ba công ty lớn gồm S.M, JYP và YG "tạo dựng" nên với cùng một "công thức". Ban đầu, BTS là một nhóm nhạc hip-hop và gây được tiếng vang lớn trong số người hâm mộ hip-hop ở Bắc Mỹ và châu Âu" – ông nói – "Nhóm nhạc này trở thành một hiện tượng toàn cầu sau khi họ lồng ghép một số yếu tố K-pop, như những màn vũ đạo mang tính đồng bộ, vào các màn trình diễn của mình”.

Chú thích ảnh
Wonder Girls "đột nhập" vào thị trường Mỹ từ năm 2009 nhưng không thành công

Công cuộc “khai phá” của các nhóm nhạc đi trước

Giáo sư Oh cho rằng các rapper Hàn Quốc nổi danh ở hải ngoại nhờ chương trình tìm kiếm tài năng Show Me the Money được phát sóng trên kênh âm nhạc cáp Mnet từ năm 2012. Mỗi tập của chương trình này sau đó được phát trên YouTube.

G-Dragon, Dok2 và CL, rapper chính của nhóm nhạc nữ 2NE1, là những gương mặt chủ đạo của chương trình này. Nhờ vậy, hồi năm 2016, G-Dragon của Big Bang đã thu về được 44 triệu USD, “vượt mặt” cả ban nhạc rock Mỹ Maroon 5, một trong những ban nhạc có thu nhập cao nhất ở xứ cờ hoa với doanh thu đạt 33,5 triệu USD.

Trong khi đó, CL đã trở thành ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên lọt vào Top 61 bảng xếp hạng Billboard hồi năm 2014 với album Crush. Cô còn xuất hiện trên kênh CNN và được mô tả là ca sĩ có tiềm năng trở thành siêu sao.

Sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng Mỹ tới K-pop là kết quả nỗ lực kéo dài nhiều năm của 3 công ty giải trí lớn của Hàn Quốc nhằm đưa dòng nhạc này vào thị trường chủ đạo Mỹ.

Cụ thể, năm 2009, JYP đã đưa nhóm nhạc nữ Wonder Girls tới Mỹ. Thời điểm đó, Wonder Girls là một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. Nhóm nhạc này từng trình diễn mở màn cho tour diễn của ban nhạc Jonas Brothers ở xứ cờ hoa. Tiếp đó, Wonder Girls lưu diễn cùng Jonas Brothers lưu diễn khắp 50 thành phố, song tour diễn này không gây được tiếng vang ở Mỹ. Ca khúc của Wonder Girls chỉ đứng thứ 76 trong bảng xếp hạng Billboard, trong khi album của họ chỉ tiêu thụ được 20.000 bản.

Rút kinh nghiệm từ JYP, người sáng lập ra S.M. Entertainment là Lee Soo Man đã hợp tác với YouTube để truyền tải màn diễn của các nhóm nhạc K-pop và sự thử nghiệm ấy đã tạo nên một sự thay đổi lớn. Nhóm nhạc nữ Girls' Generation của S.M đã trở thành một hiện tượng và mở rộng lượng fan K-pop vượt khỏi châu Á.

Psy đã lập một cột mốc khác cho K-pop. MV Gangnam Style của anh đã nhận được hơn 3 tỷ lượt truy cập trên YouTube kể từ khi bắt đầu được đưa lên địa chỉ này từ năm 2012. Psy là ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên tạo dựng được tên tuổi trên toàn cầu. Tuy nhiên, danh tiếng của anh không kéo dài và các nhạc phẩm sau đó không gây được sự quan tâm nhiều.

"Gangnam Style là một hiện tượng, song Psy không có được lượng fan hùng hậu như các nhóm nhạc biểu tượng khác"- Stephanie Choi nói.

Lượng người hâm mộ K-pop trên khắp thế giới đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Theo các chuyên gia, năm 2013 lượng fan K-pop là khoảng 30 triệu người, nhưng năm 2017 đã tăng lên là 70 triệu người.
BTS có đưa K-pop 'lên đỉnh'?

BTS có đưa K-pop 'lên đỉnh'?

Với thành công vang dội của BTS trong năm 2017, nhiều khả năng K-pop sẽ được đưa lên một tầm cao mới.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm