Hành trình tìm kiếm bộ xương người cổ đầu tiên ở Tây nguyên

06/09/2018 07:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi lần từng bước dọc theo chiếc thang gỗ dựng thẳng đứng do anh em tự tạo để xuống hang. Bộ xương đã lộ dần cả phần sau của hộp sọ, mặt úp sấp, được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Ngày hôm sau, tôi làm lộ dần xương hàm dưới và những chiếc răng sữa. Đây là bộ xương của 1 em bé gái 4 tuổi.

Có thể nói việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên, là 1 bước ngoặt của ngành cổ nhân học nước ta

Xương chồi lên ở trong hang là xương gì?

Năm 2018, tôi lại trở về với Buôn Mê Thuột, với Tây Nguyên hùng vĩ mà 43 năm về trước - năm 1975, khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, tôi đã cùng GS.TS. Hans Dr. Kahlke – Viện trưởng Viện cổ sinh Đệ tứ kỷ Weimar (CHLB Đức) và một vài anh em ở Viện Khảo cổ học đi khảo sát vùng cao nguyên đầy nắng và gió này.

Ngược dòng thời gian về 10 năm trước – cuối năm 2007, TS La Thế Phúc ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cùng anh Nguyễn Thanh Tùng – hướng dẫn viên du lịch Công ty Thương mại và Du lịch Phú Gia Phát tỉnh Đắk Nông, đã phát hiện ra một loạt hang động núi lửa ở thôn Nam Tân, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Nhưng mãi 7 năm sau, tháng 4 năm 2014 mới có đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô tỉnh Đắk Nông”, mã số TN17/TO6, thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 -2020, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN chủ trì. TS La Thế Phúc là chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Trung Minh - Phó chủ nhiệm đề tài, mới được thực hiện.

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Lân Cường tại ngôi mộ số 2 trong hang C6-1

Vì đề tài có liên quan đến khảo cổ học nên Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Trung Minh đãmời một số nhà khoa học của Hội Khảo cổ học VN tham gia.

Ngày 15 tháng 12 năm 2017, tại Bảo tàng Thiên nhiên TSLa Thế Phúc thông báo kết quả nghiên cứu điều tra thăm dò (thám sát) khảo cổ hang động núi lửa thuộc huyện Krông nô, tỉnh Đăk Nông. Theo lời TS Phúc đã phát hiện ra xương chồi lên ở trong hang C6’…

Tôi mừng lắm, vì nếu đúng như vậy thì đây là phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam có di cốt người trên vùng đất Tây Nguyên.Trước đây PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật hàng nghìn mét vuông ở các di chỉ Lung Leng, Biển Hồ, Trà Dôm,Làng Gà… phát hiện hàng vạn công cụ đá… nhưng chưa bao giờ tìm được một mẩu xương hay một cái răng người nào.

Vào đến Krông Nô, tôi gặp ngay PGS.TSNguyễn Khắc Sử - Hội Khảo cổ học VN, TSLa Thế Phúc - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, TS Lê Xuân Hưng – Trưởng bộ môn Khảo cổ học – Dân tộc học của Trường đại học Đà Lạt cùng các nhà khảo cổ trẻ: Phan Thanh Toàn,Vũ Tiến Đức, Nguyễn Thành Vương, Phạm Thị Phương Thảo... Cả đoàn ở ngay nhà của anh Nguyễn Thanh Tùng.

Theo TS La Thế Phúc ở khu vực này đã phát hiện được một miệng núi lửa mang tên núi lửa Chư B'Luk, thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, đã phun trào cách nay khoảng 500.000 – 600.000 năm. Miệng núi lửa này cao 601m sovới mực nước biển, chiều sâu của họng khoảng 63m. Các hang động núi lửaphần lớn thuộc loại thứ sinh, tạo thành do hiện tượng sập trần hang ở những nơi có lònghang rộngvà độ dày trần hang mỏng; nên hang thường có dạng vòm, trước cửahang ngổn ngang những tảng đá basalte là do rơi từ trần hang sập xuống, như: hang C3, C4, C6...

Cũng có một số ít miệng hang ở dạng nguyên sinh, được hình thành do thoát khí trong quá trình dung nham basalte đang lỏng và chuyển dần sang đông kết. Miệng hang kiểu thoát khí này thường có hình tròn, dốc đứng và có độ sâu lớn, như hang C7, sâu trên 10m, hang “Trăn” sâu khoảng 25 - 26m.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, thì dấu tích khảo cổ chỉ tìm thấy ở các hang núi lửa có miệng thứ sinh. Đó là các hang có cửa cao và rộng, ánh sáng chiếu sâu vào lòng hang. Hang thường có nhiều ngách, nhiều cửa, nên lòng hang thông thoáng. Các hang này thường phân bố gần các con suối đổ nước ra sông Srepok, nơi có nguồn nguyên liệu đá để chế tác công cụ và nguồn thủy sản dồi dào cung cấp thực phẩm cho con người, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt cho cư dân tiền sử.

Tôi ra ngay hang C6’ để xem chiếc “xương chi người” chồi lên như mọi người đã kể. Hang C6’ đã hiện ra trước mắt tôi. Hang khá lớn, trên vách hang còn lưu lại những ngấn của dòng chẩy nham thạch mấy chục vạn năm trước. Ngay giữa hang là một ụ đất xen lẫn những khối nham thạch rơi xuống. Anh Phúc chỉ cho tôi xem chiếc “xương đùi” chồi lên trên ụ. Trông giống xương chày người thật nhưng khi nhìn kỹ thì đầu xa của xương lại là xương chày của… hươu, nai!

Buồn quá. Thế là hy vọng tìm thấy xương người của tôi ở Tây Nguyên tạm khép lại….

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Lân Cường với sọ bé gái 4 tuổi khai quật trong hang C6-1 (đã được phục hồi)

Bộ xương của 1 em bé gái 4 tuổi từ hàng ngàn năm trước

4 ngày sau, ngày 18 tháng 3, tôi không ra công trường khai quật mà ở lại nhà để rửa hiện vật của hang C6-1. Khoảng 10g sáng, mắt tôi như sáng hẳn lên, khi trong đám hiện vật xen lẫn các công cụ đá, xương động vật, vỏ trai ốc của lớp 3-1 ô C2tôi phát hiện 1 chiếc răng khôn bên phải hàm trên của người. Mặt nhai đúng là răng người nhưng không hiểu sao lại có tới 4 chân răng. Thường thì răng này chỉ có từ 1 đến 3 chân.

Trưa đó tôi vội gửi ảnh chiếc răng hàm này cho 2 người bạn tôi: GS.TS. Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và GS.TS. Hoàng Tử Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Răng – Hàm – Mặt Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chỉ vài tiếng sau cả 2 nhà khoa học đều trả lời tôi: “18.C6-1.C2.L3.1. Chính xác, răng người đấy”!

Tôi và cả đoàn khai quật mừng quá, thế là có dấu vết đầu tiên của con người ở Tây Nguyên sau bao năm tìm kiếm dù chỉ mới là 1 chiếc răng hàm. Tối đó, trưởng đoàn khai quật, TSLê Xuân Hưng quyết định thịt 1 con gà và 1 thùng bia để liên hoan...

Ngày 22 tháng 3 năm 2018, khi đào ở vách tây của hang C6-1 tại lớp 4-6, ôC2chúng tôi lại phát hiện ra các đoạn xương đùi và xương chày của một cá thể trưởng thành và ký hiệu là 18.C6-1.C2.L4.6.M1. Xương nằm ở vách của hang nên chúng tôi quyết định không làm tiếp để dành lại năm sau sẽ mở rộng hố, lúc đó khả năng rất lớn là sẽ tìm được hộp sọ và cả bộ xương nguyên vẹn. Tối hôm đó Đoàn khai quật lại mổ 2 con gà và một thùng bia. Thế là chắc chắn 100% đã có di cốt người trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên.

Sáng hôm sau, tôi bay ra Bảo tàng Quảng Nam để nghiên cứu tiếp di cốt người của di chỉ khảo cổ học Bàu Dũ mà chúng tôi và các nhà khoa học Nhật, Úc đã khai quật năm 2017. Vừa được 2 ngày thì em Thảo - một thành viên trong đoàn báo tin vui cho tôi: “Thầy ơi! Lại phát hiện được một bộ xương trẻ em ở trong hố khai quật rồi”. Tôi lập tức mua vé máy bay để quay về Krông Nô.

Tới cửa hang C6-1, tôi lần từng bước dọc theo chiếc thang gỗ dựng thẳng đứng do anh em tự tạo để xuống hang. Bộ xương đã lộ dần cả phần sau của hộp sọ, mặt úp sấp, các xương cánh tay, trụ, quay, đùi và xương chàydựng đứng. Tôi trực tiếp làm rõ dần bộ xương và kết luận bộ xương được chôn theo tư thế ngồi bó gối.

Ngày hôm sau, tôi làm lộ dần xương hàm dưới và những chiếc răng sữa. Tôi nói với anh em trong đoàn đây là bộ xương của 1 em bé gái 4 tuổi. Đang định làm rõ cả phần dưới bộ xương thì con trai tôi ở Hà Nội báo tin: “Bố ơi! Bà ngoại mất đêm qua rồi…”. Thế là tôi lại phải bay ra Hà Nội ngay sáng hôm sau và dặn lại TS. Lê Xuân Hưng và CN Phan Thanh Toàn: “Các cậubó thạch cao bộ xương rồi gửi ra Hà Nội để mình phục dựng tiếp. Nhớ đừng để xót một mẩu xương nào”.

Chỉ mấy ngày sau đó, các nhà khảo cổ lại phát hiện ra ngôi mộ thứ 3 - ký hiệu 18.C6-1.C2.L4.9.M3, được chôn trong lớp đất màu xám trắng, kết cấu đất mịn và thuần. M3 phân bố sát vách Nam, hiện trạng của mộ được xử lý bước đầu, làm lộ rõ một phần xương chi và một số xương sườn; các xương xếp chồng lên nhau, phần thân và các bộ phận khác nằm trong vách Nam hố khai quật chưa xử lý. Rất có thể M3 đã được cải táng.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo cổ tại hang C6-1 ở Đắc Nông

Bí ẩn những chiếc răng bị mòn khi mới 4 tuổi

Hai tuần sau TS La Thế Phúc, để lại hết mọi thứ ở công trường chỉ xách chiếc va li có bộ xương bó thạch cao nặng tới hơn 20kg bay về Hà Nội. Họa sĩ Đào Ngọc Hân đã đổ khuôn từ bộ xương thật thành 4 bộ xương bằng compossit để sau này phục vụcho công táctrưng bày và đặt tại hang C6-1.Tôi tháo dỡ từng phần của hộp sọ và các phần xương khác.Xương mảnh và dễ vỡ nên chúng tôi phải tiến hành rất cẩn thận. Thân nhiều đoạn xương chi chỉ bé như chiếc đũa. Các đốt ngón tay, ngón chân nhỏ li ti như hạt đậu đen. Hộp sọ bị vỡ thành hơn 100 mảnh.

Sau gần 2 tháng rưỡi, tôi mới phục nguyên thành công được hộp sọ.Mặc dầu bị đất nén, hộp sọ hơivẹo sang phía phải, nhưng còn khá nguyên vẹn. Nền sọ bị tiêu mất, kể cả phần xương thái dương phải, nhưng còn giữ lại được hầu hết tất cả các xương, kể cả xương hàm dưới. Tôi bắt đầu đo đạc và tính toán các chỉ số.

Sọ có hình năm cạnh nếu nhìn từ trên xuống.Nhìn phía trước hộp sọ có trán nở rộng.Hốc mắt có hình gần tròn và thuộc loại cao trung bình nghiêng về thấp.Mặt trên thuộc loại thấp.Mũi thuộc loại quá rộng.Nhìn phía bên, mặt thẳng không vẩu và sọ khá cao. Theo chuẩn nền, cung huyệt răng thuộc loại ngắn. Còn giữ lại ở hàm trên 9 răng sữa, hàm dưới 8 răng sữa.Bờ trên hốc mắt sắc cạnh, mỏm chũm nhỏ xíu, nên có nhiều khả năng đây là di cốt của một bé nữ.

Vì là sọ trẻ em, các đặc điểm về chủng tộc không thể hiện rõ, nênchưathể có kết luận chuẩn xác. Tuy nhiên cũng thấy được một vài yếu tố đen như mũi quá rộng, răng hàm có kích thước lớn... Điều đáng chú ý đặc biệt là mặc dù đây là sọ trẻ em mới 4 tuổi, nhưng răng cửa sữa mòn vẹt, hiện tượng này chỉ có thể giải thích bằng nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến khiến các em nhỏ này cũng sớm bị mòn răng.

Như vậy, tính đến năm 2018, ở hang C6-1 đã phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt người và ít nhất trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 10 cá thể nữa mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh,1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.

Theo các kết quả phân tích bằng phương pháp C14 mới nhất của Mỹ và Nga thì ngôi mộ này: 18C6-1D2L4.8M2, có niên đại 6.100 năm cách ngày nay.

Môi trường ba zan không bảo tồn được di cốt, nhưng do con người cổ sống trong hang núi lửa này đã tìm nguồn thức ăn là nhuyễn thể, chính vỏ nhuyễn thể (trai, ốc, hến…) giàu can xi đã làm thay đổi môi trường của họ và giúp cho bảo quản được di cốt chôn trong hang.

Một nguyên nhân khác là nhiệt độ trong hang ổn định ở mức thấp, không thay đổi nhiều so với môi trường ngoài, khiến cho quá trình phong hóa xẩy ra chậm chạp.

Bước ngoặt của ngành cổ nhân học

Có thể nói việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên, là 1 bước ngoặt của ngành cổ nhân học nước ta, một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc và Indonessia… họ đều phát biểu rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa.

Chúng ta hy vọng rằng việc tiếp tục khai quật hang C6-1 (mộ số 1, số 3) vào năm 2019 sẽ tìm được hộp sọ của người trưởng thành. Đó là bằng chứng chính xác để tìm hiểu về người cổ sống ở Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Đường xuống hang
Chú thích ảnh
Hố khai quật tại hang C6-1
Chú thích ảnh
Dấu vết dòng nham thạch bám trên vách hang C6-1

PGS.TS Nguyễn Lân Cường

Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ Thành Nhà Hồ

Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ Thành Nhà Hồ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại khu vực Hào thành phía Bắc của di tích Thành Nhà Hồ.

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm