Hai kỷ lục của âm nhạc giao hưởng TP.HCM

09/02/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu ở Hà Nội, sáng tác âm nhạc giao hưởng bắt đầu từ đầu thập niên 1960 thì tại TP.HCM những năm cuối thập niên 1970 mới bắt đầu manh nha những sáng tác giao hưởng.

Khán giả Hà Nội được xem Dàn nhạc Giao hưởng London diễn ở phố đi bộ

Khán giả Hà Nội được xem Dàn nhạc Giao hưởng London diễn ở phố đi bộ

Ngày 4/3 tới, tại khu vực vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), khán giả Hà Nội sẽ được thưởng thức 105 phút trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng London danh tiếng.

Tuy vậy, âm nhạc giao hưởng TP.HCM đã lập cho mình 2 “kỷ lục” với 2 nhà soạn nhạc danh tiếng: GS Nguyễn Văn Nam, được xem là người viết nhiều liên khúc giao hưởng nhất Việt Nam. Ông đã hoàn thành 9 bản giao hưởng, bản số 9 hoàn thành năm 2012. Có lẽ do già yếu và bệnh tật, mãi 6 năm sau (cuối năm 2018) ông mới hoàn thành bản thảo của giao hưởng số 10 với tiêu đề Những ngôi mộ không tên.

Còn GS-TS-NSND Quang Hải được xem là người viết concerto cho nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng nhiều nhất Việt Nam. Ông có 7 concerto bên cạnh 3 tổ khúc giao hưởng và một số giao hưởng đại hợp xướng, giao hưởng thanh xướng kịch.

Chú thích ảnh
Dàn nhạc của Nhà hát Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM tại Liên hoan các dàn nhạc châu Á (tháng 8/2008, Tokyo, Nhật Bản)

GS Ca Lê Thuần thì nổi tiếng với phần âm nhạc viết cho vũ kịch Ngọc trai đỏ và nhạc kịch Người giữ cồn. Đặc biệt, phần âm nhạc cho Ngọc trai đỏ được dàn nhạc biểu diễn riêng biệt như một tác phẩm độc lập.

Nhạc sĩ Vĩnh Lai cũng góp phần của mình vào bức tranh giao hưởng TP.HCM, tháng 5/2015 ông có giao hưởng Miền Đông thành đồng, tác phẩm đồ sộ với biên chế dàn nhạc 3 quản do dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM biểu diễn. Hiện nay ông sắp hoàn thành giao hưởng 4 chương Miền Tây trung nghĩa.

PGS-NGND Hoàng Cương và GS Thế Bảo cũng có một số tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng nhưng không nhiều.

Trên đây là nói đến thế hệ lớn tuổi viết giao hưởng, trong số đó, GS Ca Lê Thuần và GS Quang Hải thì đã quy tiên; GS Nguyễn Văn Nam hiện bệnh nặng.

Lớp nhạc sĩ kế cận thì không có nhiều, TS Trần Thanh Hà (Trưởng khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học của Nhạc viện TP.HCM), sau giao hưởng 4 ch+ương tốt nghiệp cao học (2004), từ đó đến nay anh chỉ viết những tác phẩm thính phòng.

Chú thích ảnh
Dàn nhạc và hợp xướng Nhà hát Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM trong Đêm nhạc Giáng sinh 2018

Nhạc sĩ Đinh Lăng (giảng viên, cùng khoa với Trần Thanh Hà) cũng tương tự, sau giao hưởng Nghệ sĩ (5 chương) tốt nghiệp cao học sáng tác năm 2000, anh chỉ viết những tác phẩm nhỏ cho dàn nhạc (trong đó có Concerto cho đàn tranh và dàn dây Việt Nam những cánh đồng bất tận được Nhà hát Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM biểu diễn tại Mỹ) mà không viết thêm giao hưởng nào nữa.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (giảng viên sáng tác của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại TP.HCM) cho biết, trong vòng 5 năm qua anh không viết tác phẩm âm nhạc giao hưởng nào nữa.

Ở Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM có nhạc sĩ Vũ Việt Anh và Nguyễn Mạnh Duy Linh có nhiều thuận lợi hơn trong việc biểu diễn tác phẩm bởi 2 anh là nhạc sĩ sáng tác của Nhà hát. Vũ Việt Anh có giao hưởng Vàng son biểu diễn trong Giai điệu mùa Thu 2011, từ đó đến nay anh chỉ viết các tác phẩm khí nhạc quy mô nhỏ và đang viết nhạc kịch musical Dế mèn phiêu lưu ký, nhưng chưa có thêm giao hưởng mới nào.

Nguyễn Mạnh Duy Linh là người sáng tác rất nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng như: Ouverture Khao khát thầm lặng (2016), Làn gió nhẹ bay (2016), Tổ khúc giao hưởng Hồi tưởng (2017) và bản giao hưởng đầu tiên của anh - Giao hưởng số 1 Huyền thoại mùa Xuân (2018).

Với lực lượng sáng tác giao hưởng và thực trạng như đã nêu trên, có lẽ ai cũng biết nền âm nhạc giao hưởng của thành phố được mệnh danh là “trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam” tương lai sẽ như thế nào…

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm