Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 3): Nhìn từ kinh nghiệm của vài nước châu Á

08/12/2017 20:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Việt Nam hiện nay một số tờ báo chính thống vẫn còn viết tên của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, Tổng thống Nga là V.Pu-tin, Thủ tướng Nhật Bản là S.A-bê, Thủ tướng Lào là Thoong-lun Xi-xu-lít… Tùy quan điểm, mà cách viết này có thể được xem là đúng là chuẩn, hoặc chưa đúng chưa chuẩn. Nhiều nước ở châu Á, vốn không dùng ký tự Latin, cũng gặp phải vấn đề này, họ ứng xử ra sao.

1. Chữ quốc ngữ của Việt Nam hiện nay đang dùng ký tự Latin, nên có thuận lợi hơn trong việc viết tên riêng, viết các thuật ngữ có dùng ký tự Latin. Nhưng cũng sẽ gặp trở ngại, khó khăn khi viết những chữ không thuộc phiên âm Latin, ví dụ như tiếng Ả Rập, một hệ chữ abjad và được viết từ phải sang trái.

Tháng 3/2006, Việt Nam ban hành Thông tư Hướng dẫn viết hoa và phiên chuyển tên riêng, thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Trước đó, Việt Nam từng có Quyết định 240 ngày 5/3/1984 ra đời trên cơ sở Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hóa chính tả (GS Phạm Huy Thông làm chủ tịch) và Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ (GS Nguyễn Cảnh Toàn làm chủ tịch) ra đời trước đó một năm.

Chú thích ảnh
Việt Nam có nhiều từ điển chính tả tiếng Việt khác nhau, chứng tỏ cách viết tiếng Việt sẽ có khác nhau

Tại Hàn Quốc, theo TS Bùi Phan Anh Thư (Trưởng khoa Khoa KHXH&NV, Đại học Công nghệ TP.HCM), Viện Quốc ngữ quốc gia sẽ quy định sẵn quy luật phiên âm các ngoại ngữ, thuật ngữ của tiếng nước ngoài sang tiếng Hàn và ngược lại. Họ lập cả công cụ trên mạng (m.korean.go.kr) để giúp việc chuyển đổi này dễ dàng và thống nhất. “Sở dĩ có điều này, vì nếu để tự do, thì mỗi nơi sẽ phiên âm và viết mỗi kiểu, kết quả càng rối rắm hơn. Thống nhất ngay từ đầu như vậy vẫn có những nhược điểm, hạn chế, ví dụ người Hàn không đọc được Đ và NG trong tiếng Việt, nên khi phiên âm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng về lâu dài thì thành một quy ước chung, cũng dễ sử dụng” -  TS Bùi Phan Anh Thư cho biết.

Chú thích ảnh

Trong tiếng Nhật, theo nghiên cứu sinh Tanaka Aki (Đại học Ngoại ngữ Tokyo), Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ sẽ ra quy định về việc phiên âm các ngoại ngữ, thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Nhật và ngược lại. Hiệp hội Các nhà truyền thông kỹ thuật Nhật Bản sẽ đồng hành trong việc triển khai các công cụ phiên âm đến mọi người, mọi nhà. Tiếng Nhật được cấu thành từ 3 loại chữ thiết yếu là kanji, hiragana, và katakana, nhưng khi viết tiếng nước ngoài, họ sẽ dùng katakana. Ví dụ Việt Nam, chữ kanji (Hán ngữ) sẵn có, cũng đã được Việt Nam dùng chính thức trong các văn bản chữ Hán, nhưng sang tiếng Nhật sẽ viết theo katakana với âm là Bê-tô-na-mư (ベトナム).

Chú thích ảnh

Theo TS Nguyễn Đình Đăng thì việc chuyển theo phát âm này có nhiều điều không chuẩn, vì chữ cái hiragana và katakana của Nhật không có phụ âm, mà luôn kết thúc bởi nguyên âm. Ngoài ra người Nhật không phân biệt được R và L, thành ra LA và RA phát âm như nhau. Ngữ âm của Nhật cũng không có V, thường được thay bằng B, một số âm khác cũng không có như KH, NG…

Tiếng Hoa phổ thông tại Trung Quốc cũng vậy, về mặt hành chính - ngoại giao, họ quy định một cách phiên âm và thống nhất cách viết trên toàn quốc. Ví dụ Tổng thống Trump sẽ được viết là 特朗普 (bính âm: tè lǎng pǔ), đọc theo âm Hán Việt sẽ là Đặc Lãng Phổ.

2. Nguyên tắc chung của Thông tư Hướng dẫn viết hoa và phiên chuyển tên riêng, thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt quy định: “Phiên chuyển tên riêng nước ngoài bằng các âm, vần và chữ Việt dựa vào cách đọc trực tiếp của nguyên ngữ có thể biết được. Trường hợp chưa đọc được nguyên ngữ thì phiên chuyển gián tiếp qua ngôn ngữ khác”.

Chú thích ảnh

Tiểu mục 3.6. của Thông tư này còn viết: “Thuật ngữ phổ biến gốc tiếng nước ngoài cũng được phiên chuyển theo các nguyên tắc trên. Viết liền tránh việc dùng gạch nối, nhưng các âm tiết vẫn phải theo kết cấu ngữ âm Việt Nam, như atmôtphe, axêtilen, pôlivitamin, nơtơrôn, kilôgam, milimet”.

Thế nhưng thực tế cho thấy cách dùng vẫn không thống nhất giữa các loại văn bản khác nhau. Ngay trong nội bộ văn bản hành chính hoặc giáo dục, cũng có nhiều cách viết khác nhau. Nhất là khi gặp các từ mới, khái niệm mới du nhập, Việt Nam thường “thả nổi” về mặt phiên âm, cách viết. Chính điều này mà nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và nhà quản lý đang nghĩ đến việc soạn thảo Luật Ngôn ngữ. Nhiều năm trước, Viện Ngôn ngữ học từng có một nghiên cứu về việc xây dựng Luật Ngôn ngữ, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.

* Kỳ 4: Luật Ngôn ngữ có thể gặp khó khăn ở diện rộng

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 2): Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ và văn tự

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 2): Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ và văn tự

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam, từ câu chuyện "cải tiến chữ Quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền, có thể thấy tiếng Việt đã được người dân và giới chuyên môn quan tâm trở lại.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm