'Giải mã' giải Gấu Vàng danh dự của Willem Dafoe tại LHP Berlin

22/02/2018 19:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ những vai phản diện cho tới vai Chúa Jesus, nam diễn viên gạo cội người Mỹ Willem Dafoe (62 tuổi) đã thể hiện khả năng hóa thân vô cùng đa dạng trong sự nghiệp của mình. Và, đó là lý do để sau hơn 100 vai diễn, ông được trao giải Gấu Vàng danh dự tại LHP Berlin lần thứ 68 (đang diễn ra từ 15/2).

Đáng nói, với những cống hiến đặc biệt cho điện ảnh thế giới của Dafoe, LHP Berlin năm nay còn trình chiếu một số bộ phim xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông.

Diễn viên đa tài

Dafoe vốn nổi tiếng với những vai phản diện tàn nhẫn. Vậy nên nhiều người kinh ngạc khi ông nhận vai Chúa Jesus trong phim The Last Temptation of Christ (1988) của nhà làm phim Mỹ Martin Scorsese. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ông vào vai Chúa Jesus trên màn bạc.

Bộ phim gây tranh cãi này đã vấp phải sự phản đối của nhiều người trên thế giới. Bởi, phim ra rạp chỉ vài tháng sau khi bộ phim hành động Off Limits do Dafoe thủ diễn chính đến với khán giả. Trong phim này, Dafoe thủ vai một cảnh sát quân sự.

Chú thích ảnh
Nam diễn viên gạo cội Willem Dafoe

Willem Dafoe sinh năm 1955 ở Appleton, Wisconsin và bắt đầu học kịch năm 17 tuổi tại Đại học Wisconsin – Milwaukee. Tuy nhiên, Dafoe bỏ học sau 3 học kỳ khi ông gia nhập công ty kịch thử nghiệm, Theatre X. Ông bắt đầu chú tâm tới điện ảnh trong những năm 1980.

Nhân vật trong phim sử thi viễn Tây Heaven's Gate (1980) là vai diễn màn bạc đầu tiên của Dafoe. Bộ phim này bị coi là một trong những "thảm họa" lớn nhất của lịch sử điện ảnh, song những lời phê bình tiêu cực không gây ảnh hưởng tới sự nghiệp của Dafoe.

Sau một chuỗi vai phụ, Dafoe nhận được vai diễn chính trong phim chính trị To Live and Die in L.A. (1985). Bộ phim này được chiếu tại LHP Berlin năm nay trong chương trình tôn vinh Dafoe.

Dafoe không phải là một ngôi sao phim bom tấn, dù ông đã thủ diễn trong một số phim thành công thương mại. Ông thường tham gia những dự án đầy tính táo bạo của các nhà làm phim "nhìn xa trông rộng". Những bộ phim như vậy là một trọng tâm của LHP Berlin. Bởi vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi Dafoe là một vị khách thường xuyên tại LHP này và thậm chí từng là thành viên giám khảo LHP năm 2007.

Trong sự nghiệp của mình, Dafoe đã hợp tác với nhiều đạo diễn nổi tiếng như Martin Scorsese, Oliver Stone, Wes Anderson, Alan Parker, David Lynch, Lars von Trier.

Dafoe tạo bước đột phá thực sự với chân dung một trung úy Mỹ phục vụ ở Đông Nam Á trong nhiều năm trong phim Trung đội (Platoon – 1986) của nhà làm phim Olivier Stone. Màn diễn của Dafoe ấn tượng đến mức ông được đề cử giải Oscar. Tuy nhiên, ông đã để tuột Tượng Vàng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất về tay nam diễn viên Anh Michael Caine.

Năm 1988, Dafoe xuất hiện ở mọi nơi. Ông còn thủ diễn chính trong phim được đề cử 7 giải Oscar Mississippi Burning của nhà làm phim Anh Alan Parker. Trong phim, Dafoe thủ vai một điệp viên FBI trẻ trong những năm 1960, tới một thị trấn ở bang Mississippi để điều tra về sự biến mất của các nhà hoạt động nhân quyền trước khi bị vướng vào một âm mưu mang nặng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Song những năm 1990 không phải là thời kỳ thành công của Dafoe. Ông phải nhận 2 đề cử giải Mâm xôi Vàng Màn diễn tồi nhất với các vai diễn trong phim Body of EvidenceSpeed 2: Cruise Control.

Nhưng năm 2000, Dafoe đã xua đi được sự xui xẻo vây bủa mình khi ông hóa thân thành diễn viên phim câm Đức Max Schreck trong phim Shadow of the Vampires. Với vai diễn này, ông được đề cử giải Oscar thứ hai.

Chú thích ảnh
Willem Dafoe trong phim "Wild at Heart"

Gương mặt lớn của điện ảnh thế giới

Đầu thiên niên kỷ mới, Dafoe tham gia một loạt phim bom tấn gặt hái doanh thu và được giới phê bình ca ngợi. Mỗi năm, Dafoe đóng khoảng 2 - 3 phim, thường hợp tác với các đạo diễn hàng đầu của Mỹ và châu Âu. Những vai diễn ấn tượng nhất của Dafoe phải kể đến nhân vật John Carpenter trong Auto Focus (2002), bộ phim mang tính nghiên cứu về chủ nghĩa khoái lạc và nghiện "làm chuyện ấy" của Paul Schrader.

Đáng nói, Dafoe còn thành công với vai Green Goblin trong phim Spider-Man (2002) và sau đó là chân dung một người Đức lắm mưu mô trong phim The Life Aquatic with Steve Zissou (2004) của đạo diễn Wes Anderson. Trong phim này, khán giả ấn tượng với khiếu hài hước của Dafoe.

Dafoe nổi tiếng ở châu Âu tới mức người ta dễ dàng quên đi ông là một diễn viên Mỹ. Ngoại hình và lối diễn xuất của Dafoe đã khiến ông trở thành diễn viên yêu thích của nhiều đạo diễn châu Âu. Dù vậy, nhiều cảnh "giường chiếu" đầy bạo lực trong phim đã gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt.

Có thể năm nay, Dafoe sẽ là chủ nhân một Tượng Vàng khi ông được đề cử Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai Bobby Hicks, một nhà quản lý của một khách sạn ven đường, người trông coi những đứa con của một người mẹ bất thường trong phim The Florida Project.

Trailer The Florida Project, phim "Willem Dafoe" được đề cử Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất:

LHP Berlin chiếu phim về vụ thảm sát trẻ nhỏ đẫm máu năm 2011 ở Na Uy

LHP Berlin chiếu phim về vụ thảm sát trẻ nhỏ đẫm máu năm 2011 ở Na Uy

Đạo diễn Erik Poppe cho biết bộ phim mới nhất của ông là một phần trong quá trình xoa dịu vết thương sau một trong những thảm họa khủng khiếp nhất ở Na Uy – vụ thảm sát 69 người, phần lớn là thiếu niên, tại một trại hè trên đảo Utoya.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm