Đầu Xuân nói chuyện trang phục đi lễ

05/02/2019 00:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người Việt xưa quan niệm đi lễ đầu Xuân là việc hệ trọng, liên quan đến đời sống cả năm của bản thân và gia đình. Bởi vậy, người Việt thường rất cẩn thận trong việc chọn trang phục, chỉn chu trong hành xử khi đi lễ, nhất là những ngày đầu Xuân, năm mới.

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng:  Hãy đi lễ hội theo cách... 50 năm trước

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng: Hãy đi lễ hội theo cách... 50 năm trước

Một lễ hội không thể gọi là giàu văn hóa, nếu chỉ có cảnh người tứ xứ đổ về, nườm nượp đặt lễ, sau đó ăn nhậu rồi... rút lui. Đáng buồn, đa phần du khách bây giờ đều tới lễ hội theo cách ấy.

* Đi lễ cũng cần phải có văn hóa

Từ xa xưa, người Việt nói chung và người theo đạo Phật nói riêng thường xuất hành ngày đầu Xuân bằng việc đi lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trong một năm mới. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm như là gạo, muối, diêm...

Nhà nghiên cứu dân tộc học, âm nhạc Dương Đình Minh Sơn cho biết: “Trước kia, người đến chùa, đi lễ, đặc biệt nữ giới, thể hiện bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc bằng những bộ trang phục như: Áo tứ thân, tay cầm chiếc nón quai thao, chân đi guốc mộc. Nam giới, các anh khóa và thanh niên vận bộ đồ trắng, chân đi guốc. Các cụ già mặc áo kép (trong áo trắng ngoài áo lương màu xanh lam), quần trắng tay kẹp ô, chân đi guốc. Đó là tâm thức trong việc khởi đầu về văn hóa của người Kinh trong những dịp đi lễ đầu Xuân năm mới của dân tộc".

Ngày nay, việc đi lễ đầu năm đã không còn giữ được nét đẹp mà ít nhiều đã bị "thương mại hóa", làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của việc đi lễ đầu Xuân, vãn cảnh chùa, hay du Xuân.

Nhiều người đi lễ không mang tâm thức, tâm linh, linh thiêng mà chỉ nghĩ đến việc mưu cầu đạt được thành tựu cho riêng mình bằng cái tâm "sân si". Thậm chí, có người "sân hận", việc đi lễ đầu năm không còn mang ý nghĩa và nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt.

Chú thích ảnh
Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu, trang phục đến chốn tâm linh cũng cần trang nghiêm. Các người mẫu trong trang phục Phật tử của NTK Kim Ngọc 

Đáng chú ý là phần trang phục nhiều người mặc khi đến chùa không được nghiêm trang. Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội Lương Ngọc Đức chia sẻ: Ngày xưa, các cụ ta đi lễ chỉ là đi lễ, không đi đâu nữa vì “du tất hữu phương” (đã đi là phải có phương hướng). Nhưng hiện nay, người Việt thường kết hợp đi lễ với nhiều việc khác nữa nên thiếu mất chất văn hóa tâm linh.

Ông Lương Ngọc Đức trông nom 3 ngôi đền ở Hà Nội là đền Hàng Hành, đền Hàng Trống, đền Thủy Chung Tiên Từ (thờ mẫu Thoải). Trong những ngày Tết, nhiều người trẻ tuổi đến lễ và còn đó những hình ảnh phản cảm trong trang phục khi đến chốn linh thiêng.

Chú thích ảnh

Để giảm bớt những hình ảnh chưa đẹp này, tại nhiều ngôi đền, nơi thờ tự, những người trông nom, quản lý đã chuẩn bị một số áo lễ đơn giản, thông tin đến người đi lễ để họ cẩn thận trong việc lựa chọn, sử dụng y phục tại những nơi tôn nghiêm.

Bên cạnh việc chuẩn bị áo lễ, nhiều đền, chùa cũng thông báo nội quy ở nơi dễ nhìn thấy để nhắc nhở những người “thạo việc đời, không quen việc đạo” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ đó, ý thức của nhiều người đi lễ đã thay đổi, bớt dần những cảnh ăn mặc không chuẩn chỉ, thậm chí là phản cảm khi tới nơi thờ tự.

Ông Lương Ngọc Đức khẳng định, trang phục được chuẩn bị ở đền, chùa là một bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của người Việt nơi tôn nghiêm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi đi lễ. Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ ngày nay: Để giữ được nề nếp của cha ông xưa và phù hợp nếp sống văn minh, hiện đại ngày nay, khi đi lễ cần chọn trang phục cho trang nghiêm.

Có thể mặc quần áo bình trường, không nhất thiết phải mặc các hoại sắc phục (màu lam hoặc nâu sòng), nhưng cũng không nên chọn áo váy lòe xòe, cầu kì... Đã y phục trang nghiêm rồi, đến đền, chùa, các hành vi ứng xử với mọi người, với di tích cũng nên có văn hóa.

Chú thích ảnh
Những bộ y phục đến đền, chùa, di tích còn thể hiện văn hoá của người mặc

* Tôn vinh văn hóa Việt

Cha ông ta vốn là nông dân thuần chất, quanh năm vất vả chân lấm tay bùn nhưng khi đi lễ đình, chùa đầu năm luôn chỉn chu trong trang phục và cần trọng trong lời ăn tiếng nói ở chốn linh thiêng. Đó là một nét văn hóa đẹp của người Việt.

Xuất phát từ sự tôn trọng và muốn tôn vinh những nét đẹp văn hóa của người Việt khi đi lễ, Nhà thiết kế thời trang Xuân Thu đã cho ra mắt những bộ sưu tập chuẩn mực nhất, đậm chất Việt.

Theo Nhà thiết kế Xuân Thu, các bà, các mẹ xưa đi lễ chùa đầu năm hay chọn trang phục màu nâu đất. Khi cuộc sống phát triển, đi lễ đầu năm, không nhất thiết phải chọn gam màu đất nữa mà có thể mặc những bộ áo dài nhiều màu, với thiết kế hoa đào, hoa sen, vừa tôn vóc dáng, lại làm đẹp khung cảnh chung. Nam ăn mặc lịch sự, khăn đóng áo dài hoặc vest lịch lãm, còn nữ diện áo dài. Điều cơ bản đó từ lâu đã trở thành căn cốt, dấu ấn văn hóa.

Chú thích ảnh
NTK Kim Ngọc bày trang phục Phật tử tại Yên Tử - một di tích tâm linh nổi tiếng ở Quảng Ninh

Do vậy, việc ăn mặc không chuẩn mực, thậm chí phản cảm khi vào chốn tôn nghiêm, thờ phụng là hoàn toàn không nên và không thể xuề xòa chấp nhận. Thương hiệu Thiện Phát Design mùa Xuân này cũng giới thiệu bộ sưu tập “Ban mai” với hàng trăm thiết kế giản dị, kín đáo, thể hiện sự tôn nghiêm nơi cửa chùa với những gam màu cơ bản chủ đạo như nâu, lam.

Các thiết kế đều tôn thêm nét đẹp cho người đi lễ hay vào những nơi trang nghiêm với họa tiết là những bông hoa cùng tông màu điểm xuyết duyên dáng nơi ngực áo hay chiếc khăn buộc nhẹ trên vai áo.

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế bộ sưu tập "Ban mai", Nhà thiết kế Kim Ngọc cho hay: Tết đến, Xuân về luôn là khoảng thời gian mỗi người Việt lắng tâm hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cội nguồn tâm linh và cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, người thân. Mặc một bộ trang phục nghiêm trang, đúng đạo, đứng lễ trước ban thờ gia tiên hay đi lễ chùa cầu an vào những ngày đầu Xuân, năm mới, sẽ khiến mọi người tự tin, thành kính hơn trong giây phút nguyện cầu linh thiêng ấy.

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế Kim Ngọc dành mọi tâm huyết thiết kế những trang phục cho Đại lễ Phật đản của Liên hợp quốc 2019 (Vesak) diễn ra vào tháng 5/2019

“Ban mai” là bộ sưu tập thứ 3 của thương hiệu Thiện Phát Design do Kim Ngọc thiết kế. Sau bộ sưu tập này, chị Kim Ngọc muốn dành mọi tâm huyết thiết kế những trang phục cho Đại lễ Phật đản của Liên hợp quốc 2019 (Vesak) diễn ra vào tháng 5/2019 tại Việt Nam. Bởi theo chị, đây là tâm thế của quốc gia, là hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các phật tử của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thật vui là dịp Tết Kỷ Hợi này, cùng với việc ra mắt bộ sưu tập “Ban mai”, thương hiệu Thiện Phát Design còn tổ chức thành công show diễn thời trang "Giác" giới thiệu các trang phục đi lễ, mở thêm một showroom nữa tại Khu Di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Đặc biệt, logo thiết kế cho Đại lễ Phật đản của Liên hợp quốc 2019 của Thiện Phát Design đã được chấp thuận.

Đây những là duyên lành đầu năm để nhà thiết kế Kim Ngọc nỗ lực hơn nữa trong công việc, tiếp tục sáng tạo ra nhiều mẫu trang phục mới, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Mỹ Bình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm