Choáng với tranh của "thần đồng" tự kỷ

08/04/2012 14:57 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Với những bức tranh vẽ giống như thật, đặc biệt là tranh vẽ động vật, David Barth (13 tuổi) - một cậu bé tự kỷ ở Rotterdam (Hà Lan) - luôn khiến người xem kinh ngạc. Các họa phẩm của Barth được trưng bày tại 2 cuộc triển lãm ở Phòng trưng bày C-NA và Bảo tàng Nghệ thuật ở Bắc Kinh nhân Tháng thế giới nâng cao nhận thức chứng tự kỷ (4/2012).

Đây là lần đầu tiên Barth và gia đình cậu tới Bắc Kinh. Barth cao ráo, trầm tính và nhút nhát, nhưng cậu bé lại rất thích nói chuyện, mặc dù cậu bị mắc hội chứng Asperger – một loại bệnh rối loạn về sự phát triển.  

“Cháu rất thích vẽ vì khi vẽ cháu tìm thấy rất nhiều điều thú vị. Nếu có thể, cháu muốn được vẽ cả đời” – Barth nói chuyện sôi nổi và cho biết thần tượng của mình là danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci. Khi được hỏi tại sao lại chọn Da Vinci làm nhân vật khuôn mẫu cho mình, Barth trả lời: “Vì ông giỏi nhiều môn: hội họa, âm nhạc, kiến trúc và toán”.

Vẽ tỉ mỉ, chính xác đến kinh ngạc

Mẹ của Barth - bà Inge Barth-Wagemaker - là một giáo viên và hiện đang tham gia một dự án cho người lớn mắc bệnh tự kỷ. Wagemaker cho biết, bà rất kinh ngạc khi phát hiện ra tài năng hội họa của Barth khi cậu bé mới 2 tuổi. Khi đó, Barth mới biết cầm bút chì. Ban đầu, Barth chỉ quan tâm tới động vật, nhưng dần dần bắt đầu thích những thứ khác.

David Barth và mẹ - bà Inge Barth-Wagemaker

Thuận tay trái, Barth tạo nên những tác phẩm của mình từ việc quan sát thiên nhiên, vận dụng trí nhớ và sức tưởng tưởng sáng tạo. Cha cậu, ông Luuk Barth, cho biết, trong các bản tranh phác thảo, Barth thường mô tả mình là nhân vật chính.

Barth không giỏi toán và rất dễ nhầm lẫn. Nhưng với năng khiếu hội họa đặc biệt, Barth có thể vẽ như thể mọi thứ đã sắp sẵn trong đầu cậu. Bà Wagemaker cho biết: “Barth tự học vẽ. Cháu có thể hoàn tất những bức vẽ đơn giản rất nhanh, nhưng các bức vẽ phức tạp hơn có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần”.

Barth quan sát thế giới theo cách độc đáo và có cách nhìn riêng về sáng tạo nghệ thuật. Thêm nữa, việc chú ý tới từng chi tiết nhỏ của Barth đã góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật đầy kinh ngạc của cậu. Nhờ vậy mà các bức họa của Barth có bố cục tốt, màu sắc đẹp, các chi tiết cực kỳ chính xác. Trông các bức tranh của Barth cứ như ảnh chụp.

Bức tranh Not Just Reptiles của Barth. Cậu bé đặc biệt thích vẽ động vật

Tài năng của cậu gợi người ta nhớ đến Stephen Wiltshire, một họa sĩ Anh mắc chứng tự kỷ nổi tiếng thế giới, người có khả năng vẽ toàn cảnh các thành phố một cách chính xác và chi tiết theo trí nhớ của mình.

Các bức tranh vẽ động vật của Barth đặc biệt xuất sắc và dường như trong tâm trí cậu bé có một vương quốc động vật. Trong bức tranh Birds, Barth mô tả 397 loài chim khác nhau và cậu biết rõ tên Latin của hầu hết các loài chim đó cũng như thói quen sống của chúng. Bức họa này đã được đưa vào cuốn sách Drawing Autism (2009) của Mỹ, trong đó giới thiệu họa phẩm của 50 nghệ sĩ tự kỷ khắp thế giới. “Bức tranh này không được bán vì nó đang được ông bà nội cháu cất giữ” -  bà Wagemaker cho biết.   

Xuất bản truyện tranh

Với sự hỗ trợ và khuyến khích của người mẹ, Barth đã phát hành cuốn truyện tranh đầu tiên, mang tựa đề Poeperlak en Plassebed, vào năm 2008. Cuối năm 2010, cậu tiếp tục phát hành cuốn truyện tranh thứ 2 - Wat is er toch met Kobus - thể hiện một cách vui nhộn về cuộc sống của người tự kỷ. Barth vẽ tất các các hình minh họa trong cuốn truyện, còn mẹ cậu viết nội dung.

Bức tranh Birds của Barth, trong đó mô tả 397 loài chim khác nhau

Barth đã có 5 triển lãm ở Hà Lan. Triển lãm đầu tiên được tổ chức năm 2004 và năm 2007, tác phẩm của cậu được trưng bày tại Art Group Hillegersberg. Năm 2010, cậu bé có triển lãm ở Leusden và Barendrecht.

Barth còn đoạt rất nhiều giải từ các cuộc thi vẽ. Giải thưởng đầu tiên là từ một cuộc thi do Trường Nghệ thuật Nga tổ chức năm 2005. Năm 2007, cậu đoạt giải Tài năng trẻ Caldenborgh đầy thanh thế ở hạng mục "Truyện tranh". Cậu còn được mời thiết kế bìa album cho một ban nhạc Mỹ nổi tiếng.

Tương lai rạng ngời

Nhờ tài năng nổi bật đó mà tháng 4/2010, Barth đã được mời tham gia chương trình truyền hình Paulen Witteman.

Khi được hỏi về tương lai của Barth, cha mẹ cậu bé cho biết: “Barth khó theo học đại học hoặc tìm một công việc như một người bình thường, nhưng chúng tôi không quá lo lắng về tương lai của cháu. Nó có thể phát triển khả năng hội họa và đó là cách để hỗ trợ cho cuộc sống của cháu. Barth rất thích vẽ và cháu có tài năng. Tôi hy vọng cháu có thể trở thành một họa sĩ, một nhà minh họa hoặc một nhà thiết kế nghệ thuật”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm