Cần 1.000 'Hậu khảo cổ' để bảo tồn di sản Sài Gòn

30/10/2017 08:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - TS Nguyễn Thị Hậu (Hậu khảo cổ) và nhà báo Phúc Tiến vừa có buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM nhân dịp ra mắt cuốn sách Đô thị Sài Gòn - TP.HCM khảo cổ học và bảo tồn di sản. Buổi giao lưu không có đông cử tọa như các ca sĩ thời thượng tổ chức sự kiện nhưng những người ngồi nghe lại là những người yêu mến vốn cổ của thành phố phương Nam này.

Buổi giao lưu đề cập đến nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn di sản tại Sài Gòn - TP.HCM hiện nay trong tương quan so sánh với nỗ lực phát triển kinh tế, hiện đại hóa các công trình đô thị của thành phố này.

Trường hợp di sản Ba Son

Khu liên hợp Ba Son nằm ngay trung tâm Q.1, TP.HCM đang được xây dựng mới khác với những gì Ba Son đã tồn tại cả trăm năm nay. Theo “Hậu khảo cổ”, Ba Son được chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng “xưởng thủy”. Khi người Pháp xâm lược Việt Nam, họ đã biến nơi đây thành cơ sở tàu biển và làm dịch vụ hàng hải quốc tế. Khu đất rộng 930 ha này còn gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Với giới kinh doanh, khu đất vàng rộng lớn này được nhìn ở góc độ phát triển. Còn với “Hậu khảo cổ” thì thấy: “Ba Son cũng là nơi tập trung số lượng công nhân đông tại Sài Gòn lúc bấy giờ, lực lượng thợ có tay nghề, chuyên nghiệp và hội đủ những yếu tố để hình thành một giai cấp. Ba Son không chỉ là di tích công nghiệp, còn là di tích lịch sử cách mạng quan trọng gắn với vai trò của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ 20, tiêu biểu là phong trào đấu tranh của công nhân Ba Son”.

Chú thích ảnh
Nhà báo Phúc Tiến (bìa phải) cho rằng cần 1.000 “Hậu khảo cổ” (giữa) để bảo tồn di sản của Sài Gòn - TP.HCM

“Ngoài ra cần nhìn nhận Ba Son trong mối liên kết với đường Tôn Đức Thắng và Thảo Cầm Viên mới thấy hết giá trị của cảnh quan nhân văn khu vực này - một trong những cảnh quan đô thị cổ xưa và đẹp nhất Sài Gòn” - TS Hậu nói.

Cần nhiều “Hậu khảo cổ” hơn nữa

Bằng các cứ liệu khoa học, “Hậu khảo cổ” không chỉ phản biện mà còn đưa ra giải pháp để bảo tồn di sản. Với Ba Son, TS Hậu đưa ra hai trường hợp ở Nhật Bản đã bảo tồn thành công và nâng cao giá trị của di sản. Ví dụ, nhà gạch đỏ Yokohama là kho vận trong hệ thống cảng Yokohama được xây vào thời Minh Trị Duy Tân những năm 1910. Gạch được nung tại Nhật và là kho vận hiện đại nhất lúc đó. Trong suốt 80 năm, nhà kho gạch đỏ này đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế Nhật.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Đô thị Sài Gòn - TP.HCM khảo cổ học và bảo tồn di sản"

Năm 1989, nhà kho này bị bỏ hoang. Năm 1992, thành phố Yokohama mua lại và bảo dưỡng, tái sinh nhà gạch đỏ. Hiện tại, nơi đây trở thành tổ hợp thương mại - văn hóa với hơn 50 cửa hàng, nhà hàng, khu hội trường và không gian triển lãm thu hút hơn 70 triệu lượt du khách. Riêng trong năm 2015 có hơn 5 triệu lượt du khách đến tham quan. Nếu Ba Son phát triển theo hướng này thì vừa giữ lại được các giá trị lịch sử - văn hóa, đồng thời tự thân di sản Ba Son có thể “làm kinh tế” cho chính mình thay vì phá bỏ một phần ký ức của trung tâm Sài Gòn - TP.HCM.

Nhà báo Phúc Tiến cho rằng, Sài Gòn - TP.HCM cần rất nhiều, thậm chí cả 1.000 “Hậu khảo cổ” cho công tác bảo tồn di sản của cha ông để lại trên vùng đất này. Ông Phúc Tiến ví von: “Anh Hải, Phó Chủ tịch Q.1 thay vì đi dẹp vỉa hè để mang danh là “anh Hải cẩu” thì anh Hải hãy đi ngăn cản các vụ xâm phạm, phá hoại di sản. Trên Q.1, TP.HCM có rất nhiều di sản và ngày càng bị mai một. Nếu anh Hải quan tâm đến di sản như chị “Hậu khảo cổ” và ra tay cứu di sản thì chắc chắn người dân Sài Gòn - TP.HCM sẽ biết ơn anh và người dân sẽ gọi anh là “anh Hải di sản” nghe rất hay rất đẹp”.

Được mệnh danh là “Hậu khảo cổ”

TS Nguyễn Thị Hậu được giới nghiên cứu sử học và viết lách gọi thân mật là “Hậu khảo cổ” vì nghề khảo cổ gắn với cả cuộc đời của bà. Đô thị Sài Gòn - TP.HCM khảo cổ học và bảo tồn di sản (NXB Tổng hợp TP.HCM) là đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản của “Hậu khảo cổ” từ 2014 - 2016, do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia NAFOSTES tài trợ, Hội Khoa học lịch sử TP.HCM quản lý đề tài. Cuốn sách này khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.HCM, trong đó những công trình có giá trị lịch sử và văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm