“Cái tôi” trong “cái chung”

17/01/2012 10:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - NXB Mỹ thuật vừa ấn hành Một thoáng cái tôi của Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Muời). Cuốn sách không chỉ thể hiện “cái tôi” của họa sĩ Uyên Huy bằng bài viết và tranh vẽ, sách còn kể lại câu chuyện về mỹ thuật Sài Gòn - TP.HCM.

Họa sĩ Uyên Huy tên thật Huỳnh Văn Muời, sinh năm 1950 tại Q. Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM). Ông có gần 50 năm học mỹ thuật - dạy mỹ thuật - làm mỹ thuật ở Sài Gòn. Có thể nói, cả đời Uyên Huy lao động nghệ thuật không ngừng, ông đuợc phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, từng nhận Huân chuơng lao động và hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM. Một thoáng cái tôi tổng hợp một đời dạy và vẽ của Uyên Huy. Đồng thời cung cấp nhiều thông tin thú vị về những bậc thầy dạy mỹ thuật ở TP.HCM, về nhà văn Sơn Nam và không gian mỹ thuật của Sài Gòn - TP.HCM thông qua những trải nghiệm của tác giả.

Nhà giáo - nghệ sĩ: “2 trong 1”

* Thưa Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Văn Muời, ông hiện đang làm thầy, xin hỏi thầy của ông là những ai?

- Tôi tự nhủ mình là người rất hạnh phúc vì đã được nhiều bậc thầy uy tín trực tiếp giảng dạy: Bùi Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Long , Nguyễn Văn Siên, Trương Thị Thịnh, Văn Đen, Trần Kim Hùng, Đới Ngoạn Quân (Tai Wan Kiun), Tú Duyên (Nguyễn Văn Duyên), Võ Long Tê, Đỗ Trọng Huề, Nghiêm Thẩm…  Các thầy đã truyền cho tôi lửa yêu nghề, sự trung thực, tự trọng và tình yêu quê hương, yêu cái đẹp. Tôi không thể nào quên công ơn của những bậc thầy này.

Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười)

* Khi sáng tác ông là họa sĩ Uyên Huy, khi dạy học ông là Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Văn Mười. Xin hỏi chất nghệ sĩ bay bổng có mâu thuẫn với các khuôn mẫu nhà giáo trong ông hay không?

- Tôi luôn quan niệm rằng một nhà giáo dạy về mỹ thuật phải là người có hai khả năng: Thứ nhất là yêu thích việc giảng dạy, say mê nghiên cứu khoa học, cập nhật những thông tin mới về mỹ thuật, tôn trọng người học, có kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu rộng về mỹ thuật tạo hình lẫn mỹ thuật ứng dụng.

Thứ hai là phải thường xuyên sáng tác, từng trải, thông thạo nhiều kỹ thuật chất liệu, thậm chí là sáng tác giỏi. Đặc biệt là phải sống cùng với giới chuyên sáng tác. Có như vậy thì hiệu quả bài giảng và “việc làm gương” bằng thực tiễn nghề nghiệp mới được sinh viên và đồng nghiệp tôn trọng, mới đạt được sự “tâm phục khẩu phục” của giới sư phạm lẫn sáng tác thuần túy.

Bìa Một thoáng cái tôi

“Âm nhạc của thị giác”

* Xem tranh, thấy ông vẽ khá nhiều về những cây đàn, tại sao ông lại chọn cây đàn làm “mẫu” cho tranh của mình?

- Tôi yêu âm nhạc, tôi yêu vẻ đẹp của vĩ cầm, guitar và đàn tranh. Hình tượng của các nhạc cụ này hiện nay đã “thấm vào máu” của tôi. Có lẽ vĩ cầm là nhạc cụ mà kiểu dáng của nó làm tôi yêu thích nhất. Thuở nhỏ tôi rất thích thiên tài vĩ cầm của Ý là Paganini.  Đặc biệt tôi yêu thích và cực kỳ có ấn tượng với “cây đàn vĩ cầm bằng lưỡi cưa lá” của thầy tôi - cố họa sĩ Dương Văn Đen. Ông dùng cây archet kéo lên lưỡi cưa lá để tạo ra tiếng đàn ma quái và vô cùng độc đáo. Thầy Văn Đen hay kéo chiếc vĩ cầm này tại nhà thầy sau những lúc trò học xong bài…

Đặc biệt hơn là bức tranh vẽ về vĩ cầm đầu tiên của tôi lại đoạt Giải thưởng hội họa Esso 1973… Hình tượng vĩ cầm theo tôi suốt cuộc đời và tôi cũng đã từng triển lãm cá nhân với chủ đề Một thoáng vĩ cầm vào năm 2008. Theo tôi, hội họa là một loại… âm nhạc của thị giác.

Một phẩm Uyên Huy vẽ Sơn Nam

* Ngoài cây đàn, nhà văn Sơn Nam cũng vào tranh ông khá nhiều. Sơn Nam đã tạo cảm hứng gì để ông vẽ tranh?

- Tôi quý mến nhà văn Sơn Nam bởi tài năng và cá tính của ông. Tôi biết ông vì ông ở gần ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Có thời gian Sơn Nam làm việc trong Ban Quý tế của Lăng Ông (lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt). Cái lăng mà có giai đoạn người ta muốn “xóa sổ” nó, bởi theo họ, Tả quân là quan của nhà Nguyễn phong kiến bán nước. Tôi quý mến Sơn Nam vì ông là người có công trong việc nghiên cứu văn hóa Nam Bộ và sống rất chân thật.

* Được biết, nhà văn Sơn Nam từng làm người mẫu cho các họa sĩ. Ông có thể kể các kỷ niệm khi Sơn Nam làm “người mẫu” cho mình?

- Chúng tôi thuờng vẽ Sơn Nam và cố họa sĩ Bùi Văn Kỉnh tại xưởng của họa sĩ Trần Châu. Bản thân tôi đã từng giới thiệu Sơn Nam lên Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai để nói một số chuyên đề về văn hóa Đồng Nai.

Sơn Nam rất thích tham dự những buổi họp mặt cuối năm của cựu sinh viên Truờng Mỹ thuật Gia Định để tưởng nhớ các thầy quá cố, gặp nhau nhắc lại truyền thống của trường và Sơn Nam luôn ca ngợi tấm lòng thủy chung của dân trường Mỹ thuật.

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm