3 tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài: 'Kho báu' về Hà Nội

31/01/2018 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà xuất bản Văn học và Phương Nam Book vừa phát hành 3 cuốn sách được cho là lần đầu công bố của Tô Hoài, đó là Giữ gìn 36 phố phường (tạp văn), Những ký ức không chịu ngủ yên (hồi ký), Người con gái xóm Cung (tập truyện ngắn).

“Văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian. Vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống. Vì nó phả lại nhịp đập của lịch sử. Vì nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận định.

Tô Hoài là kho báu của Hà Nội

Những ai yêu quý Tô Hoài thì bộ ba này khá lý thú, vì có những bài viết, những truyện trước đây nhà văn chưa muốn công bố. Trong tập Giữ gìn 36 phố phường, Tô Hoài viết về nhu cầu bảo tồn văn hóa và những phôi pha theo thời gian. Bên cạnh đề cao cái đẹp, các mỹ tục, ông cũng thẳng thắn với các hủ tục, sự cứng nhắc đã biến di sản - tập tục thành chính gánh nặng của Hà Nội. Tuyển tập truyện ngắn Người con gái xóm Cung vươn cái nhìn từ Hà Nội đến những người Việt xa xứ. Trong họ đang có nhiều nỗi buồn, có khi bày tỏ ra được, có khi ẩn ức, day dứt.

Chú thích ảnh
Nhà văn Tô Hoài

Riêng hồi ký Những ký ức không chịu ngủ yên viết về Hà Nội những năm 1944 - 1947, gồm 5 câu chuyện tưởng chừng riêng tư của tác giả như bạn bè thời nhỏ, những người thợ cửi mà ông quen…, nhưng sau 3/4 thế kỷ, nó lại trở thành nét văn hóa sống của Thủ đô một thời.

Trong Hà Nội 1946, Tô Hoài viết: “… Tôi ngỡ ngàng khi tưởng tượng lại cảnh nhà nó chết thảm mà đã có lần nó kể loáng thoáng. Hai vợ chồng, bốn đứa con, bỏ cái làng đã nuốt tiệt cả củ chuối, nõn cau rồi vặn ăn nốt... Cái nhà ấy ra đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn, không biết đi đâu, nhưng cứ đi, phải đi. Rồi bố chết trước. Những đứa trẻ bíu ríu quanh mẹ, mỗi hôm thưa dần. Một buổi sớm, hai chị nó không dậy nữa. Một đêm, thằng em lên ba bỗng khóc ngặt lên, rồi lặng im. Không biết thế bao lâu, chỉ còn một mình nó lủi thủi với mẹ. Một sớm kia, nó mở mắt giữa con đường cái đá, không thấy mẹ đâu. Mẹ nó bỏ nó, hay mẹ nó một mình ngồi chết chỗ nào không cho nó biết. Những người sắp chết đói không muốn nhìn ai và những người không đành trông thấy con chết trên tay thường bỏ chúng bò lổm nhổm ngoài đường cái”.

“Riêng đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Nhờ Tô Hoài, một người chưa biết Hà Nội chỉ đọc các sách của ông về chốn kinh thành này thôi đã đủ để hiểu Hà Nội là gì và thế nào. Nhờ ông, các thế hệ mai sau muốn tìm hiểu, muốn phục dựng, muốn làm lịch sử, nghệ thuật về Hà Nội đều có tư liệu của một chứng nhân đáng tin cậy. Nhờ ông, phần xác và phần hồn của Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ và những ai biết đọc ông sẽ hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn và biết đối xử với Hà Nội có văn hóa hơn” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.

Chú thích ảnh
Bộ 3 sách lần đầu công bố của Tô Hoài

Ngòi bút không ca ngợi

Tô Hoài được xem là “nhà Hà Nội học”, là “báu vật Hà Nội”, là “một linh hồn của Hà Nội”. Ông được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) năm 2010 vì những đóng góp to lớn trong sáng tác, nghiên cứu về thành phố đặc biệt này. Thế nhưng Tô Hoài luôn giữ cái nhìn phân tích, phê phán, phản biện khi cần thiết.

Về Hà Nội mến yêu của mình, ông viết rất thẳng thắn: “Hà Nội do dân tứ phương lập lên. Người Hà Nội gốc có lẽ chỉ là mấy anh đánh cá ở sông Tô Lịch. Mà Tô Lịch chỉ còn là một phế tích. Chẳng có ai sống ở Hà Nội được đến mười đời. Vì thế muốn hiểu tính cách người Hà Nội, ta phải tìm hiểu tính cách chung của người Việt Nam, rồi nghiên cứu cá tính người thành thị thì mới ra tính cách người Hà Nội. Tất nhiên người Hà Nội có nét hào hoa phong nhã, nhưng đấy không phải tận gốc mà là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên”.

Năm 2016, nhân tưởng niệm 2 năm ngày mất của Tô Hoài, Phương Nam Book cũng đã giới thiệu 3 tác phẩm Cỏ dại, Những gương mặt, Sổ tay viết văn. Cùng với 3 cuốn lần này, độc giả thêm hiểu hơn về một tài năng lớn của văn chương Việt Nam.

Một 'thế giới khác' của Dế Mèn bước ra từ trang sách

Một 'thế giới khác' của Dế Mèn bước ra từ trang sách

Nói về những tác phẩm minh họa trong triển lãm "Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới", nhà thơ Trần Đăng Khoa dí dỏm: “Người ta chẳng còn biết các họa sĩ minh họa cho nhà văn Tô Hoài, hay văn Tô Hoài minh họa cho các tác phẩm hội họa của các họa sĩ”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm