Những nẻo đường SEA Games (kỳ 4): Nóng với trào lưu 'nhập tịch'

02/06/2015 15:19 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Ở một khu vực nhỏ như Đông Nam Á, thì SEA Games đơn giản là cuộc cọ xát "nội bộ" giúp nâng cao trình độ cho các VĐV nhằm hướng tới đấu trường châu lục và thế giới. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, sân chơi khu vực còn được "quốc tế hóa" với trào lưu nhập tịch.

Không có con số thống kê, hoặc tài liệu chính thức vào về trào lưu "nhập tịch" của thể thao Đông Nam Á, nhưng có sự kiện liên quan và gắn với thể thao Việt Nam được nhiều người nhớ đến nhất.

Sự kiện ấy gắn với một tượng đài của điền kinh Việt Nam, Vũ Bích Hường. Tại SEA Games 1995, người phụ nữ một con này đã mở ra trang sử mới cho điền kinh nước nhà với tấm HCV nội dung 110m rào nữ. Đây là tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam ở đấu trường SEA Games.

Làm nên chiến thắng bằng tài năng, khát vọng và cả ý chí, nghị lực quyết tâm mà ít người có được, Vũ Bích Hường chính là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam 2 năm sau đó khi SEA Games 17 được tổ chức tại Jakarta (Indonesia).

Hơn thế nữa, những thông số kỹ thuật khi ấy cho cũng cho thấy, nữ VĐV kỳ cựu của Việt Nam là ứng cử viên số 1 ở nôi dung thi đấu đòi hỏi đủ các tố chất tốc độ và kỹ thuật này.

Chỉ có điều "người tính không bằng trời tính", cũng tại kỳ SEA Games 1997, trong thành phần của đội tuyển điền kinh Thái Lan "bất ngờ" xuất hiện một VĐV Thái "kiều" - Trecia Robert. Không có "vị" gì ở Mỹ, nhưng thành tích của VĐV gốc Thái này vượt tầm khu vực Đông Nam Á và trong một buổi chiều trên sân điền kinh của tổ hợp thể thao Senayan (Jakarta, Indonesia), Trecia Robert đã dễ dàng vượt qua một Vũ Bích Hường dù đã hết sức nỗ lực để tiếm ngôi Nữ hoàng chạy rào khu vực.

Trecia Robert và Vũ Bích Hường còn đối đầu với nhau ở nhiều kỳ SEA Games sau đó, dễ hiểu khi phần thắng luôn thuộc về VĐV nhập tịch này. Nhưng trào lưu ấy chỉ thực sự mạnh lên với chính sách "nhập khẩu" của Singapore cũng cách đây khoảng 15 năm.

Đầu tiên và với môn bóng bàn, khi Singapore nhập quốc tịch cho hàng loạt những cây vợt Trung Quốc như  Jing Junhong, Feng Tianwei, Li Jiawei ... cho dù là "hạng 2" của làng bóng bàn Trung Quốc, nhưng họ vượt ra khỏi tầm Đông Nam Á để giúp bóng bàn Singapore nhanh chóng bước lên ngôi số 1. Thậm chí có kỳ SEA Games, họ còn lấy trọn bộ 7 HCV.

Sau bóng bàn, Singapore, còn mở rộng sang bóng đá với cả các cầu thủ gốc... châu Phi như Agu Casmir, Itimi Dickson hay châu Âu và Nam Mỹ với Mirko Grabovac (Croatia), Egmar Goncalves (Brazil), Daniel Bennett (Anh)...và cả điền kinh với Du Xianhui, Zhang Guirong và Dong Enxin.. những VĐV ném, đẩy.

Sau Singapore tới lượt Philippines cũng "nâng cấp" các đội tuyển bóng đá bằng những gương mặt "Phi kiều" để mang tới những thành công gần đây ở sân chơi khu vực, hay VĐV nữ người Đức gốc Philippines ở môn quần vợt, VĐV wushu của Trung Quốc, tương tự như cách mà Myanmar đã làm.

Tất nhiên, chuyện "nhập tịch" của thể thao Đông Nam Á thì chẳng phải là mới nếu so với thể thao thế giới. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nếu trào lưu đó chỉ để phục vụ cho thành tích huy chương trước mắt thì từng nền thể thao nói riêng và cả thể thao khu vực nói chung chẳng thể phát triển một cách bền vững.

Còn với các quốc gia khác đương nhiên là phải chịu sự thiệt thòi. Nói đâu xa, SEA Games 28 chưa chính thức khởi tranh, thì ở môn đấu sớm là bóng bàn, đôi nam Việt Nam Trần Tuấn Quỳnh/Nguyễn Anh Tú dù đã vào đến bán kết, nhưng có lẽ là khó tiến xa khi phía bên kia bàn của họ là đôi chủ nhà được "nhập khẩu" từ Trung Quốc: Gao Ninh/Li Hu!  

(còn tiếp)

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm