Những nẻo đường EURO: Ở nơi màu đỏ Tây Ban Nha không được yêu thích

21/06/2016 08:34 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Xavier nhấp một ngụm bia lớn và cười phá lên khi nghe tôi hỏi rằng, liệu ông có ủng hộ đội tuyển Tây Ban Nha không. “Này cậu trẻ, đây không phải Tây Ban Nha, mà là xứ Basque”, ông nói. “Hãy nói chuyện với tôi về bóng đá ở nơi này, không phải  đội tuyển Tây Ban Nha”. Phải, ở thành phố nhỏ và rất đẹp, rất sạch sẽ và cổ kính này của xứ Basque thuộc Tây Ban Nha, nhắc đến đội tuyển quốc gia của họ là một “taboo” (điều cấm kị).

“Đừng nói đến đội tuyển Tây Ban Nha. Đây là xứ Basque”

Trong cái quán bar ở trung tâm cổ của San Sebastian này, màn hình tivi đang chiếu trực tiếp một trận đấu của EURO 2016 dường như là một thứ thừa thãi và vô tích sự. Không ai xem nó. Chẳng ai bàn tán đến nó. Tiếng tivi vẫn bật, hình ảnh vẫn chạy, dăm ba người đi qua ngó vào để hỏi tỉ số, và rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn như nó phải vậy. Họ mải ăn những miếng bánh pintxos (một loại đồ ăn nhanh nổi tiếng ở xứ Basque, với một cái bánh mì nướng nhẹ và những thứ đồ ăn khác từ thịt, cá, hoặc trứng gắn lên đó bằng một cái tăm), tán phét về cuộc sống, về chính trị, về niềm tự hào bóng đá ở xứ sở của mình, và chẳng ai quan tâm đến hành trình mà đội tuyển Tây Ban Nha đang đi trong giải đấu này, trên con đường bảo vệ danh hiệu vô địch.
EURO đang diễn ra một cách vui vẻ, hấp dẫn và dăm ba chuyện rắc rối liên quan đến các nhóm cổ động viên quá khích, nhưng dường như nó không tồn tại ở nơi này, chỉ cách biên giới Pháp, nước đăng cai EURO, vài chục cây số.

Trên bãi biển San Sebastian

Đấy là một ngày đẹp trời và rất thanh bình ở thành phố biển nhìn đẹp như một cô gái sexy đang ngái ngủ này của xứ Basque. Trên bãi biển, đám thanh niên đang vui thú những ngày hè của chúng. Họ hoặc đá bóng, lướt sóng, nằm dài trên bãi biển và vô lo ngắm nhìn cuộc sống trôi qua, hoặc đơn giản là ngồi thành từng nhóm bên bờ đá chạy dài hàng cây số trên bờ vịnh Sebastian để nói chuyện. Tiếng cười đùa vang văng vẳng trong gió. Mùi đồ nướng thoang thoảng đây đó. Trên vỉa hè dài, rộng và có đường riêng dành cho người đi xe đạp, một hình ảnh gợi nhớ rất nhiều thành phố biển khác tôi đã đi qua, như Rio de Janeiro, những cụ già đang ngồi sưởi nắng, những đôi tình nhân đang hôn nhau. Xa xa, những du thuyền màu trắng ánh lên trong ráng chiều khi mặt trời đang xuống. Trên núi, tượng Chúa đang nhìn xuống phía dưới thành phố hiện đang là Thủ đô văn hóa của Châu Âu 2016 với sự thanh thản. Các con chiên của ngài đang hưởng thụ cuộc sống theo cách thích thú nhất có thể. Bóng đá bây giờ chỉ là một điều gì đó thật nhỏ bé trong cuộc sống nơi này, ít ra là nhìn vẻ bề ngoài.
Nhìn vẻ bề ngoài là như thế, nhưng bên trong nó, ẩn chứa những làn sóng ngầm điên rồ của một tình yêu bóng đá lớn lao. Tình yêu ấy, tiếc thay, không dành cho đội tuyển Tây Ban Nha. Đối với Xavier, đội tuyển Tây Ban Nha không đại diện cho những người dân nơi này. Với một niềm tự tôn dân tộc lớn lao, nhiều người xứ Basque như ông không thừa nhận sự tồn tại của một đội bóng như thế, dù đội bóng ấy đã thống trị thế giới bóng đá suốt từ năm 2008 đến 2012, với chức vô địch EURO 2008 và 2012 và World Cup 2010.
“Đối với chúng tôi, xứ Basque là tất cả”, Xavier nói. “Chúng tôi có một đội tuyển của xứ này và chúng tôi từ nhiều thập kỉ nay đã đòi độc lập. Chúng tôi cũng có 5 đội bóng dự La Liga mùa tới, chiếm 20% các đội, một tỉ lệ kinh khủng, và khi đội Tây Ban Nha giành một chiến thắng nào đó, chúng tôi không ăn mừng, đơn giản bởi chúng tôi không thuộc về Tây Ban Nha”. Juan Maria, một ông già khác lượn qua quán để kiếm chút không khí trước khi đi ngủ, phụ họa rằng, Madrid không phải là San Sebastian, Bilbao hay Pamplona. “Chúng tôi có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng, lối sống riêng và bóng đá cũng vậy. Ở San Sebastian này, có ai treo cờ Tây Ban Nha trong giải để cổ vũ đội tuyển đó đâu. Nhưng nếu Real Sociedad ra sân ở La Liga, hay các đội xứ Basque gặp nhau ở đây, đấy là những ngày hội thực sự”.

Một chiều trên bãi biển. Ảnh: Anh Ngọc

Trong sào huyệt của Real Sociedad

Quán bar tôi ngồi là một sào huyệt của Real Sociedad. Những tấm ảnh cũ kĩ về bao ngày tháng đẹp đẽ và chiến thắng của họ được dán trên tường. Những ngôi sao của ngày xưa, từ Zamorra, Ufarte, Arconada cho đến Bakera, đang mỉm cười nhìn tất cả từ bức tường gắn đầy đồ lưu niệm của Sociedad. Một chiếc khăn của đội được đưa vào nơi trang trọng nhất của bar, như một tuyên bố với tất cả rằng, tại đây, Real Sociedad là số 1. Alvaro, người đứng quán, một anh chàng rất điển trai và dễ mến, cũng bảo rằng, những ai nói chuyện về đội tuyển Tây Ban Nha không được chào đón ở nơi này.
Đội bóng này là niềm tự nào của San Sebastian. Sân Anoeta cách đây không xa là nơi ghi dấu ấn rất nhiều chiến thắng của đội, với những chức vô địch gần nhất là vào năm 1981 và 1982, khi Sociedad đóng vai trò quan trọng trong thành phần của đội tuyển Tây Ban Nha ở các World Cup 1982 và EURO 1984. Gần đây nhất, 3 năm về trước, họ đã đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng La Liga. Nhưng ở một thành phố yêu bóng đá nằm trong một mảnh đất đầy tinh thần dân tộc, thì những điều họ làm là vì xứ Basque, không phải vì Tây Ban Nha. “Chúng tôi đã làm tất cả để được tách khỏi Tây Ban Nha, kể cả bằng bạo lực”, Juan Maria nói. “Tinh thần dân tộc ở đây rất cao. Chẳng có mấy người đổ ra đường ăn mừng khi Tây Ban Nha vô địch thế giới hay Châu Âu”. “Nhưng phải chăng vì xứ Basque bây giờ có quá ít cầu thủ trong đội tuyển quốc gia mà anh không ủng hộ Tây Ban Nha?”, tôi hỏi. “Không phải”, Juan Maria nhún vai. “Basque không phải là Tây Ban Nha”.

Alvaro và góc Real Sociedad ở quán của anh. Ảnh: Anh Ngọc

Vậy đó, ở nơi này, cả thanh niên và các ông bà già, như ông bà Mikel và Annamaria, mà tôi vô tình gặp ngoài phố, rất hào hứng khi nói về bóng đá ở nơi này, nhưng về một thực thể mang tính quốc gia, mà Tây Ban Nha là đại diện, thì họ không thích. Đơn giản bởi xứ Basque đã luôn là một vấn đề nhạy cảm ở Tây Ban Nha, một quốc gia được tập hợp bởi nhiều cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Trong khi cả Basque lẫn Catalunya theo đuổi việc li khai khỏi Tây Ban Nha bằng chính trị, thì người Basque mạnh mẽ hơn, thậm chí thúc đẩy những đòi hỏi của mình bằng bạo lực. Bom của tổ chức li khai xứ Basque (ETA) đã nổ ở nhiều nơi trên đất Tây Ban Nha nói chung và xứ Basque trong nhiều thập kỉ, cho đến khi họ tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động quân sự vào năm 2011. Gần một nghìn người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công ở nhiều nơi trong 40 năm, trong đó có cả San Sebastian những năm 1970 và 1980. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy đa phần người dân không ủng hộ cách thức hoạt động của ETA, nhưng họ vẫn không muốn chung sống với Tây Ban Nha. Và đương nhiên, họ không ủng hộ đội tuyển Tây Ban Nha, dù trên thực tế, xứ Basque là một phần lãnh thổ của Tây Ban Nha.
“Nhưng liệu tôi có thể tìm được ở đâu đó tại San Sebastian này một nơi nào đó người ta bàn tán về đội tuyển Tây Ban Nha chứ?”, tôi hỏi ông Mikel. “Hãy đến thủ đô Madrid. Chỗ đó chỉ cách đây 400 km thôi”, họ trả lời. À, đấy là một thế giới khác của Tây Ban Nha....

Bóng đá Xứ Basque

Trong nhiều năm, LĐBĐ xứ Basque cũng như Catalunya đã ra sức thuyết phục UEFA và FIFA để cho họ trở thành thành viên của hai tổ chức này, với mô hình là Liên hiệp Vương quốc Anh, với rất nhiều đội tuyển đại diện cho các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Nhưng hai tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới này cho đến nay đều từ chối, vì sự nhạy cảm liên quan đến chính trị.


Do không là thành viên của UEFA hay FIFA, đội tuyển xứ Basque lúc đầu chỉ được phép chơi các trận giao hữu với các đội tuyển khác không phải thành viên FIFA, chẳng hạn đội tuyển xứ Catalunya hay đội Vatican, Monaco. Gần đây, họ đã có những trận giao hữu với các đội như Estonia, Tunisia hay Peru.

Trên thực tế, xứ Basque, với diện tích hơn 7 nghìn km2, đã có một đội tuyển đại diện cho mình từ những năm 1930, tập hợp các cầu thủ sinh ra ở xứ Basque thuộc Tây Ban Nha, xứ Basque thuộc Pháp và cộng đồng người xứ Navarre. Nhiều tuyển thủ Tây Ban Nha là người gốc xứ Basque cũng đã chơi cho đội tuyển xứ này trong nhiều trận đấu các năm qua. Họ đều tuyên bố là chơi vì niềm tự hào xứ sở, nhưng không đưa ra bất cứ thông điệp chính trị nào.

Igor Gabilondo và Julen Guerrero, những tuyển thủ Tây Ban Nha, là những người ra sân nhiều nhất trong các trận đấu của đội xứ Basque, trong khi Isidro Langara là người ghi nhiều bàn nhất, 17 bàn. San Mames, sân nhà của đội Athletic Bilbao, cho đến nay luôn là đội bóng chỉ tuyển dụng những cầu thủ xứ Basque sinh ra trong bán kính 80 km kể từ Bilbao, cũng là sân nhà của đội tuyển xứ Basque. Cho đến nay, họ đã đá tổng cộng 56 trận đấu trong lịch sử.

Mùa bóng tới, xứ Basque sẽ có 5 đội bóng dự La Liga, là các đội Alaves (thành phố Vitoria-Gasteiz), Athletic Bilbao (Bilbao), Eibar (Eibar), Osasuna (Pamplona) và Real Sociedad (San Sebastian). Basque là vùng đất có nhiều đại diện nhất ở La Liga mùa 2016-2017.

A.N

Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ San Sebastian, Tây Ban Nha)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm